Thống nhất đất nước - khát vọng của người dân Triều Tiên

GD&TĐ - Khát vọng thống nhất đất nước luôn cháy trong huyết quản của mỗi người dân Triều Tiên, tuy nhiên, thống nhất bằng cách nào luôn là câu hỏi cần lời giải đáp.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn Thống nhất Triều Tiên
Các đại biểu tham gia Diễn đàn Thống nhất Triều Tiên

Bài học từ công cuộc thống nhất đất nước của Việt Nam luôn được các bạn Hàn Quốc đánh giá cao. Trong bối cảnh ấy, Diễn đàn hòa bình Hàn-Việt với chủ đề “Phương án khôi phục tính đồng nhất dân chủ sau khi thống nhất đất nước của Việt Nam và Hàn Quốc” do Viện Đông Bắc Á, Viện HLKHXH Việt Nam, Hội đồng tư vấn thống nhất, hòa bình, dân chủ và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức vừa  qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Hanlyu- một trong những giải pháp nhằm đi tới thống nhất

Phát biểu tại Diễn đàn, Giáo sư Gang Dong Wan - ĐH DongA (Hàn Quốc) - cho rằng, sau hơn 70 năm chia cắt, hai miền Nam, Bắc Triều Tiên không chỉ xung đột về thể chế đối lập mà trong sâu xa hơn là sự thù ghét lẫn nhau.

Chính vì vậy, để đi đến thống nhất, người dân hai miền Triều Tiên phải hiểu nhau hơn trên nền tảng tiếp cận văn hóa nhằm rút ngắn khoảng cách khác biệt.

Thống nhất hai miền Nam, Bắc Triều Tiên không phải chỉ thảo luận rầm rộ về chính trị, kinh tế mà điều quan trọng là trải nghiệm cuộc sống thực sự của người dân. Những năm gần đây, những bộ phim truyện dài tập và những bộ phim ngắn của Hàn Quốc ngày càng được ưa chuộng ở Bắc triều Tiên.

Với sự “đổ bộ” của “làn sóng Hanlyu”- làn sóng tuyên truyền về đời sống văn hóa của Hàn Quốc- qua truyền hình, đài phát thanh và băng đĩa, người dân ở Bắc Triều Tiên đã được tiếp cận với văn hóa Hàn Quốc.

Theo giáo sư Gang Dong Wan, mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng có nhiều biện pháp ngăn chặn cái mà họ gọi là “Làn gió độc hại tư bản chủ nghĩa” nhưng sức lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc vẫn phát huy tác dụng.

Ảnh hưởng của Hàn Quốc ngày một lan rộng ở Bắc Triều Tiên. Theo giáo sư Gang Dong Wan thì đây là “chất xúc tác” có thể làm thay đổi hệ tư tưởng của người dân, dẫn đến thay đổi cả xã hội Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn tích cực phối hợp với cộng đồng quốc tế, nhất là LHQ trong việc phản đối, ngăn chặn nguy cơ “hạt nhân hóa” trên bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp khác nhau, trong đó có cấm vận kinh tế. Phía Hàn Quốc cho rằng, những hành động thử tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng thời gian qua là không thể chấp nhận.

Hàn Quốc học gì từ kinh nghiệm thống nhất đất nước của Việt Nam?

Sinh viên Hàn Quốc chào mừng Hội nghị bằng tiết mục trông dân tộc

Sinh viên Hàn Quốc chào mừng Hội nghị bằng tiết mục trông dân tộc

Tại Diễn đàn, PGS.TS Phạm Duy Đức nêu bật sự khác biệt về văn hóa, xã hội giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam trước năm 1975. Đó là sự khác biệt về mô hình văn hóa có tính chất đối kháng về hệ tư tưởng chính trị và chính sách văn hóa-xã hội gắn liền với hai chế độ chính trị khác nhau.

Chính vì vậy, sau khi thống nhất đất nước, nhiệm vụ hòa giải, hòa hợp dân tộc được đặc biệt coi trọng - Tham luận của PGS.TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Lịch sử Việt Nam - khẳng định.

Một loạt chính sách như: Khoan dung với những người từng tham gia chính quyền và quân đội Sài Gòn và các đảng phái, tổ chức chính trị của chế độ cũ. 

Trong lĩnh vực kinh tế, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở miền Nam đã hoạt động trở lại. Đặc biệt, khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam, huyết mạch giao thông của các nước.

Trong lĩnh vực giáo dục, thực hiện chủ trương của Đảng, ngành Giáo dục đã tiếp quản gần như nguyên vẹn hệ thống trường học và thu nhận đội ngũ giáo viên ở các tỉnh, thành phố của miền Nam.

Từ ngày 19/10/1975, hơn 4 triệu học sinh và hơn 10 vạn giáo viên ở tất cả các trường phổ thông của miền Nam khai giảng năm học mới.

Ngay sau giải phóng đã có hàng vạn cán bộ quản lý và giáo viên các cấp của Bộ Giáo dục từ miền Bắc vào tăng cường cho miền Nam.

Tiếp theo, Bộ Giáo dục đã ban hành chương trình mới, biên soạn và in ấn 20 triệu bản sách giáo khoa cấp I,II,II gửi vào miền Nam thay thế cho sách giáo khoa của chế độ cũ.

Các trường phổ thông ở miền Nam đã miễn học phí cho tất cả học sinh phổ thống các cấp. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống giáo dục quốc dân đã được xây dựng và phát triển ở miền Nam và trở thành bộ phận của nền giáo dục của một nhà nước thống nhất.

Nói tóm lại, nhiệm vụ của chính quyền là hàn gắn vết thương sau chiến tranh, thực hiện tái hòa hợp dân tộc, không nặng nề về “chủ nghĩa lý lịch”, không đào khoét sâu quá khứ với tư tường “địch-ta”, tập hợp được toàn dân và các tổ chức đoàn thể quần chúng trong cả nước cùng tham gia vào quá trình tái hòa hợp dân tộc, đoàn kết, gắn bó, chung tay xây dựng xã hội phát triển.

Như vậy, đại thắng mùa xuân 1975 không chỉ đưa đất nước đến thống nhất về mặt Nhà nước mà còn trên mọi lĩnh vực của hoạt động xã hội. Cả nước khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng một tương lai mới cho nước Việt Nam thống nhất.

Hội thảo một lần nữa khẳng định Việt Nam và Hàn Quốc cùng hợp tác vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, vì sự ổn định, thịnh vượng, phát triển và đi đến thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ