Chiều 25/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (dự thảo Nghị quyết).
Dự cuộc họp, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Chính sách nhân văn, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục
Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết:
Về cơ sở chính trị, pháp lý, Hiến pháp 2013 có quy định “…chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý”.
Tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã đề ra nhiệm vụ “thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm”.
Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 1/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận phiên họp ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị đã kết luận: Miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trong hệ thống trường công lập; các đối tượng học sinh khác thực hiện theo quy định của pháp luật...
Về cơ sở thực tiễn, hiện nay, Hiến pháp, Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ đã quy định và thực hiện miễn, giảm, không thu học phí đối với nhiều đối tượng học sinh. Cụ thể:
Đến thời điểm hiện nay, đã thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả trẻ em mầm non 5 tuổi (kể cả trẻ em tư thục, dân lập). Học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập. Miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Miễn học phí cho người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; miễn, hỗ trợ học phí cho một số đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đối tượng yếu thế, đặc thù khác.
Đồng thời, thực hiện giảm 50%-70% học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho nhiều đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh dân tộc (học ở trường công lập và trường dân lập, tư thục).
Ngoài quy định chung, hiện nay đã có 10 tỉnh/thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc) đã hỗ trợ học phí năm học 2024-2025 cho học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn.
Kể từ ngày 1/9/2025 bổ sung mở rộng thêm đối tượng học sinh trung học cơ sở ngoài vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển (cả tư thục) được miễn, hỗ trợ học phí.
Ngoài các chính sách đã được ban hành, hiện còn nhiều đối tượng trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, người học học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục vẫn đang phải đóng học phí.

Về quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết: Nghị quyết được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước và đăng tải trên cổng thông tin của Chính phủ, Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian ngắn, tuy nhiên Bộ GD&ĐT đã nhận được góp ý của nhiều bộ, ngành, địa phương và đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trình Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ thống nhất để trình Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục; Tổ chức thực hiện và Điều khoản thi hành.
Nội dung của dự thảo Nghị quyết quy định về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập, đồng thời hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Việc đề xuất hỗ trợ học phí cho cả đối tượng học sinh mầm non, phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục căn cứ theo các nội dung đã được quy định hiện hành tại Luật Giáo dục, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, chính sách này được hầu hết các cơ quan trung ương, địa phương thống nhất, tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục và không trái với quy định tại Hiến pháp 2013 và kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Dự kiến nguồn lực thi hành Nghị quyết, theo Bộ trưởng, nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp. Nguồn nhân lực thực thi sử dụng nhân lực sẵn có tại các đơn vị.
Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập). Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non; 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,99 triệu học sinh trung học phổ thông.
Căn cứ theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Chính phủ ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Mức cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí do Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành phố quy định.
Tổng ngân sách nhà nước đảm bảo cho các đối tượng học sinh được miễn, không thu học phí theo quy định từ ngày 1/9/2025 là 22,4 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số ngân sách nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng (khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục 1,3 nghìn tỷ đồng).
Về các tác động khác, dự thảo Nghị quyết không có quy định ảnh hưởng đến việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; không làm phát sinh các thủ tục hành chính hiện hành; góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình khó khăn; tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng và Chính phủ. Dự thảo Nghị quyết cũng phù hợp và không trái với các Công ước quốc tế, cam kết có liên quan Việt Nam; không trái với các chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng về giới và chính sách dân tộc; góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam.

Hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Ủy ban) về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 và Kết luận phiên họp ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị.
Việc ban hành Nghị quyết thể hiện tính ưu việt của Đảng, Nhà nước ta; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội. Hồ sơ của Chính phủ bảo đảm theo các quy định.
Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng mở rộng hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và quy định tại khoản 3, điều 99 của Luật Giáo dục. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách; bổ sung sự cần thiết của các đối tượng thụ hưởng trong Tờ trình và thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Nghị quyết.
Thường trực Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng đưa đề nghị liên quan đến phương thức chi trả và đề nghị đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông; bổ sung quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương...


Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động, tích cực của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Hồ sơ cơ bản đầy đủ, đúng quy định. Về phía Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã kịp thời tổ chức thẩm tra sơ bộ, có báo cáo thẩm tra thể hiện rõ quan điểm, những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước đối với người học và chăm lo cho thế hệ trẻ; bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9; trong đó lưu ý:
Một là về chính sách trong dự thảo Nghị quyết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh dân lập, tư thục trong dự thảo. Đối với chính sách hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các đối tượng thụ hưởng của chính sách và làm rõ cơ sở mở rộng này; bổ sung trong Tờ trình, cũng như thiết kế các điều khoản cho phù hợp.
Thứ hai, về phương thức chi trả, đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia có cách làm khoa học để tính toán phương thức cho phù hợp. Cùng với đó, đánh giá kỹ nguồn kinh phí thực hiện.