Cô nâng niu nét chữ đầu đời cho mọi thế hệ học trò |
(GD&TĐ) - Cuộc thi viết về “Cô giáo của tôi” là một cơ hội cho mỗi tác giả được thắp lên ngọn lửa con tim, kéo quá khứ trở về, đưa cái đẹp bất tử của lòng yêu thương đến với bạn đọc. Đây cũng là diễn đàn và cũng là cơ hội dành cho sự tri ân của con người đến với con người; cho học sinh đến với cô giáo của mình - những cô giáo, người mẹ - người chị, những người tạo nên một nửa của thế giới tươi đẹp và sinh sôi. Sự tri ân không bao giờ là muộn, nhất là đối với những người đã nâng bước ta vào đời...
Mỗi tác phẩm - mỗi câu chuyện xúc động về lòng yêu thương
32 bài vào chung khảo là 32 bức chân dung cụ thể, có số phận, có sự nghiệp với những vui buồn, đầy ắp kỷ niệm. Đây cũng là 32 lời tri ân đối với tác giả với nhân vật của mình.
Tác giả Thu Lương (Giải Nhất) kể về tấm lòng cô giáo Hà Thị Thu Oanh dạy trẻ ở làng phong. Hình ảnh một cô giáo hy sinh tuổi trẻ hàng ngày vượt eo biển bằng thuyền, hoặc đi bộ men theo triền đèo Hải Vân với sự tận tụy, để dạy chữ cho những đứa trẻ kém may mắn ở làng phong Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam) đã khiến nhiều người xúc động.
Không cần những lời hoa mỹ, khuyếch trương, bản thân câu chuyện về một cô giáo âm thầm, với niềm vui hạnh phúc là dành cho trẻ làng phong đã thuyết phục bao người.
Tác giả Thu Lương đã viết bằng cả sự ân tình, tri ân, bằng sự cảm thông, chia sẻ với nhân vật, bằng những từ dung dị nhất. Tác phẩm của chị được viết lên bằng cả trái tim, bởi sự xúc động chân thành. Chính vì vậy, câu chuyện về cô giáo làng phong đã thuyết phục được Ban giám khảo với số điểm cao nhất.
Nhà giáo - nhà thơ Lê Văn Vỵ đã 4 lần tham dự các cuộc thi trên báo Giáo dục & Thời đại. Là một người thầy, anh đã viết tác phẩm Cái thước bằng ký ức, bằng sự trải nghiệm, bằng nỗi buồn và niềm vui một thưở.
Cô giáo trong tác phẩm của anh hiện lên, có sự sắc sảo của trí tuệ, có sự nồng hậu và chân tình chan chứa yêu thương. Và, độc đáo hơn nữa là hành xử nhân văn của cô giáo một thời của anh đã khiến những trang viết của anh chất chứa cảm xúc, tình đời, tình người.
Cái thước, trong câu chuyện không còn là công cụ mang tính răn đe nữa, mà đã mang tính biểu tượng, hàm ngôn. Nó là cách giáo dục đầy chất sư phạm, gắn kết cái đẹp và sự mô phạm của cô giáo, của nghề giáo.
Bố cục chặt chẽ, hình ảnh chân thực, cách viết lôi cuốn, có những tình huống bất ngờ. Đó là nguyên nhân của sự thành công của tác phẩm đoạt giải Nhì này.
Tác phẩm Tiếng hú (Giải Nhì) lại đưa ra một tình huống khó xử, những tưởng cô giáo trong tác phẩm của tác giả Phan Thị Thảo Hiền sẽ lúng túng vì cậu học sinh cá biệt quậy phá.
Nhưng chính cô giáo trong tác phẩm lại hóa giải được sự ngỗ nghịch phá phách bằng lòng yêu thương và phương pháp riêng của mình. Tiếng hú là câu chuyện sinh động nhất về lứa tuổi học trò tinh nghịch.
Tiếng hú - khi kết thúc câu chuyện là âm thanh của hồi ức, bằng sự ân hận, bằng những giọt nước mắt nghẹn đắng trong tim bởi sự ra đi vĩnh viễn của cô giáo yêu thương.
Nốt lặng trong cảm xúc cuối bài đã lan tỏa đến với độc giả, bằng sự nhạy cảm, bằng nỗi buồn mênh mang… Câu chuyện như một lời kể miên man, theo trật tự tuyến tính thời gian. Nhưng cảm xúc, đầy theo cao trào, với những tình huống cụ thể, với ứng xử sư phạm đầy nhân văn của cô giáo tài hoa.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã cho rằng, đây là tác phẩm rất hay, có kết cấu như một truyện ngắn, nhưng lại giàu tính chân thực. Tiếng hú thuyết phục được Ban giám khảo vì những lý do như thế.
Nhờ cô mà em được đi học của tác giả Việt Hoa (Giải Ba) viết về cô giáo người Mường Bùi Thị Si đến dạy bản Mông, huyện Mường Nhé nay là huyện Nậm Pồ (Điện Biên). Cô đã gắn bó với các em trong gian khổ, hàng ngày trèo đèo lội suối để vận động các em tới trường.
Hình ảnh cô giáo trẻ giữa căn nhà trống hoác, bên mép suối, sống với nỗi lo lũ quét, bốn bề hẻo lánh quanh hiu là hình ảnh xúc động mà chúng ta thường gặp ở bất kỳ cô giáo vùng cao nào. Không có cô Si, không có họ, thì ánh sáng tri thức của vùng cao bao giờ mới đến được bản nghèo?.
Cô giáo Chu Thị Linh Quang trong tác phẩm Gieo chữ giữ trọn chữ tình của tác giả Trần Minh Tuấn lại thuyết phục người đọc ở góc độ khác. Vì một chữ tình, vì một lời hứa với người yêu khi ra trận thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cô vừa lên lớp, vừa hy vọng đợi chờ ở tương lai.
Nhưng chiến tranh kết thúc, người yêu cô đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên đất mẹ yêu thương. Cô đã ở vậy, vừa dạy học, vừa chăm sóc gia đình của anh, cho tới hiện nay, khi mái tóc đã điểm bạc. Người mẹ già của anh đã coi cô như con dâu trong nhà. Cô con dâu chưa một lần lên xe hoa trong đám cưới, chưa sinh cho bà một đứa cháu nội. Nhưng, cô vừa là con dâu, vừa là con trai… vừa là chỗ dựa tinh thần của bà mẹ liệt sĩ.
Câu chuyện nhắc chúng ta về một thân phận, một bi kịch trong chiến tranh với sự mất mát, nỗi buồn nhưng cũng thấm đẫm tình đời, tình người và nhân văn sâu sắc.
Chỉ mình cô và em của tác giả Nguyễn Văn Học (giải Ba) là tình huống sư phạm đặc biệt. Cô học trò nhỏ lỡ lấy chiếc bút của bạn trong lớp. Bằng trực giác và linh cảm nghề nghiệp cô đã biết thủ phạm” lấy chiếc bút máy. Nếu như cô đồng tình với việc khám xét trong lớp sẽ tìm ra thủ phạm ngay.
Cô đã không xử sự như vậy. “Chỉ mình cô và em” biết sự việc này. Và, hôm sau, cô đã trả lại bút cho học sinh bị “đánh rơi” trong lớp, mà cô nhặt được, kèm theo lời nhắc nhớ giữ bút cẩn thận, kẻo lần sau lại bị mất. Hơn 30 năm trôi qua, bí mật này chỉ có cô giáo và em học trò biết.
Tình huống sư phạm này, nếu không nhân văn, không tinh tế, không xuất phát vì tình yêu thương con người, thì sẽ khiến một số phận đáng thương đi vào lối rẽ tiêu cực khác.
Bằng giọng văn trần thuật, giàu kịch tính, bài viết như một sự sám hối, muộn mằn với lời tri ân cao cả của cô học sinh với cô giáo của mình.
Các tác phẩm khác như: Trong nghiêm khắc là yêu thương học trò (Trần Trung Việt); Cô ơi của Lê Thị Huyền, Nhất má Thiệt của Nguyễn Thanh Tùng; Cô giáo cũ của tôi của Nguyễn Thị Quỳnh Sen, Những dấu chấm phẩy đầu đời của Hoàng Việt Hằng là những câu chuyện xúc động, đầy tính nhân văn trong cách viết dung dị, lôi cuốn đầy tri ân đối với nhân vật của mình.
Dù khó khăn đến đâu các nhà giáo nữ vẫn luôn nỗ lực, tự tin bám lớp giữ học sinh |
Sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trong xã hội
Trong cuộc thi này, có những cây bút chuyên nghiệp - là các nhà văn, nhà báođã tham gia tích cực, tạo nên một sắc thái, diện mạo mới, phong phú chocuộc thi bằng cách viết tinh tế, với những thủ pháp nghệ thuật riêng của mình.
(Các tác giả như Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Hồng Nụ, Đặng Huy Giang, Nguyễn Đình Minh...). Bên cạnh đó có nhiều cây bút là nhàvăn, nhàgiáođã từng tham dựcác cuộc thi trước đây của báo, tiếp tục gửi bài dự thi. Họ coi đây là nhiệm vụ, là công việc tôn vinh nghề, tôn vinh những nhà sư phạm nữ - một việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. (Nguyễn Đình Tùng - Sở GD&ĐT Bắc Ninh; Lê Văn Vỵ - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) ...
Bên cạnh đó, sự tham gia của rất nhiều thành phần, lứa tuổi, ngành nghề… đã khiến cuộc thi sối động, đa giọng điệu, phong phú và đầy dấu ấn cá nhân.
Đặc biệt, cuộc thi đã thu hút rất đông tác giả “nhí” tham gia. Hơn 1000 các em trường Tiểu học Gia Thụy Gia Lâm (Hà Nội), các em trường THCS Kinh Bắc, Nghĩa Đạo, Bắc Song Hồ (Bắc Ninh); Trường THCS Sơn Kim, Huy Nam (Hà Tĩnh); THCS Nhân Phúc, THCS Hợp Lý; THCS Liêm Cần, THCS Hoà Lý, THCS Nhân Hưng; THCS Chính Lý (Hà Nam); THCS An Hòa 1 (Cần Thơ); THCS Triệu Sơn (Quảng Trị)… với nét chữ đẹp, ngay ngắn thẳng hàng gửi đến tòa soạn sự tri ân với cô giáo của mình là những ví dụ.
Các tỉnh vàthành phố: CàMau, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Nam, Hải Phòng, Sóc Trăng, Điện Biên, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai... là những địa phương có nhiều người tham dự sớm nhất, và có nhiều bài tham gia có chất lượng.
Đặc biệt, Phòng GD&ĐT Bình Gia (Lạng Sơn) đã phátđộng cuộcthi từ GV trường Mầm non trong huyện cho tới GV và HS các trường từ Tiểu học đến THPT đều tham gia dự thi, đầy đủ, nhiệt tình và đầy ấn tượng, phong phú… ngay từ khi cuộc thi bắt đầu khởi động.
Cuộc thi đã bắt đầu bằng sự tri ân qua bài viết của nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, đa giọng điệu… đối với cô giáo của mình, nhưng cuối cùng là sự quy tụ được những tấm lòng đến với tấm lòng; những tấm lòng đến với cuộc đời. Hư cấu không được coi là thủ pháp nghệ thuật được ưu tiên trong cuộc thi này.
Tuy nhiên, bằng sự chân thực của câu chuyện, bằng sự rung động của con tim, mỗi câu chuyện là một trang nhật ký thấm đẫm tình đời, tình người, chan chứa yêu thương và đầy cảm xúc lắng động, biết ơn.
Đúng. “Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người” - Xukhomlinxki, Nhà giáo dục Nga, đã có những đánh giá chí lý như vậy.
Nhân cách, cuộc đời và trái tim cô giáo đã khiến các tác giả rung động. Và, các tác giả đã khiến trái tim bạn đọc rung động bởi sự tri ân trong giọng văn đầy cảm xúc của mình.
Cuộc thi thành công, vì đã đánh thức trái tim con người. Về lẽ sống, về sự tri ân, tất nhiên là cả về cái đẹp và đạo lý tôn sư trọng đạo cần phải có trên đời.
Cuộc thi bắt đầu từ tháng 09/2012; kết thúc ngày 31/10/2013. Có 201 tác phẩm được in trên báo Giáo dục &Thời đại. 32 tác phẩm vào chung khảo. 11 tác phẩm đoạt giải. |
Chu Thị Thơm
TIN LIÊN QUAN |
---|