“Thời xa vắng” - Hồi chuông cảnh tỉnh còn vọng ngân

GD&TĐ - Tháng 6/2021, Nhà xuất bản Văn học và Sbook tái bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu.

“Thời xa vắng” - Hồi chuông cảnh tỉnh còn vọng ngân

Hy vọng tiểu thuyết Thời xa vắng với một diện mạo mới, sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực thiện lương và bản lĩnh sống trong mỗi tâm hồn trong bối cảnh toàn xã hội đang căng mình chống dịch Covid-19.

 “Thời xa vắng” diễn ra trong bối cảnh chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ.

Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ - cái xã hội thực dân nửa phong kiến.

Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ nên càng để ý tới nề nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì, và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới hơn.

Tuyết, vợ Sài, năm mười ba tuổi đã lâm vào cái cảnh “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng”, phải lấy một người chồng ít hơn mình ba tuổi, là người cả đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bị chồng đánh đuổi về nhà mẹ đẻ rồi cũng “bị” nhà chồng và cả nhà mẹ đẻ mình đẩy trở về chỉ vì hai chữ thể diện.

Sinh ra và lớn lên trong cái bóng của làng, và cái bóng của các dòng họ dây mơ rễ má, cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc có chồng mà cũng như không. Tuyết không được yêu thương, bị ghét bỏ, ngay cả khi cô đã trở thành thiếu nữ - ở cái độ xuân thì phong mãn, chớm có tình yêu với chồng, những tưởng sẽ phần nào khiến Sài động lòng. Tuy nhiên, tất cả sự hy sinh của cô trở thành công cốc. Thân là gái có chồng song lại tựa như quả phụ ngồi giữ phòng trống. 

Tuy nhiên Tuyết không phải là người phụ nữ duy nhất bất hạnh, ngoài cô còn có Hương. Hương là bạn học mà Sài gặp khi học cao hơn, cô đẹp, giỏi giang, thông minh, và tình yêu chớm nở ấy cứ lớn dần khi Sài đến độ trưởng thành hơn, day dứt đi theo suốt cuộc đời Sài.

Có điều, tình yêu này chẳng thể có tương lai, dù bối cảnh đã thay đổi nhưng người ta vẫn để ý tới ánh mắt chòm xóm, Sài không thể ly hôn cũng không có đủ dũng khí ly hôn với Tuyết.

Vào cái đêm lửa tình rực cháy khi con nước dâng, Sài cũng chỉ có thể dựa vào Hương để cảm thấy được an ủi, chẳng dám tiếm vượt. 

Bóng ma thuộc về cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé ám ảnh theo Sài tới mãi về sau, ngay cả khi nhường suất học cho Hương, vào bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình.

Bản chất của Sài là một nghệ sỹ, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng: Trong chính nhật ký của mình. Bi kịch lại tới khi cuốn nhật ký đó bị tịch thu, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu riếu kỷ luật Sài.

Bị ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như cái ý định mà anh cho là dũng cảm: “Hãy im lặng chịu đựng!”.

Nửa phần đời của Sài gần như đóng lại sau khi ly hôn với Tuyết, mở ra bằng các cuộc mai mối và tới với Châu. Bây giờ Sài quyết định không sống cho người khác nữa, quyết tâm yêu Châu trong sự ngăn cản của Hương, của người thân.

Những tưởng hạnh phúc đã tới, chỉ hận rằng ngày đẹp chẳng tày gang. “Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…” - Đây là lời mà Sài nói khi biết tình yêu và cuộc hôn nhân với Châu là sai lầm, biết mình bị Châu lừa dối, biết đứa con của hai người chẳng phải máu mủ.

Nhưng rốt cuộc, Sài cũng là một người chân thực và quyết đoán cho số phận tình duyên mình khi anh quyết định ly hôn với Châu. Bỏ lại trong chính tâm hồn anh một người đàn ông luống tuổi vẫn còn ngơ ngác. 

Trong suốt câu chuyện, dường như Sài không hề trưởng thành, cho đến lúc phải ly hôn lần thứ hai trong đời. Và lúc này, con người thật trong anh bừng tỉnh thức, nhận ra con đường mình cần phải đi, phải làm điều gì đó thật là mình, chính mình, và có ích. Đó là trở về lại làng quê để thực hiện ước nguyện xây dựng và thay đổi nếp sống nếp làm ăn mới ở quê.

Rời khỏi làng Hạ Vị, cuối cùng lại trở về với làng Hạ Vị. Cái làng nghèo khó, thảng hoặc lười biếng phải đi làm thuê lam lũ cho người mặc đồng hoang ruộng vắng ấy từng là nơi mà Sài muốn chạy trốn.

Như một vòng quay luân chuyển chẳng ngừng, Sài gặp lại Hương. Hương là mối tình đầu và có lẽ là tình yêu mãnh liệt nhất cuộc đời anh, bởi anh chẳng ngại mà muốn chắp vá mảnh đời hai người lại. Hương còn yêu Sài không? Chắc chắn là có. Nhưng bây giờ, dù cả hai có được tự do đi chăng nữa thì mọi thứ đã quá muộn để có thể làm lại.

“Ngày xưa thì được”, một lời ngắn của Hương nhưng chứa đựng cả nỗi chua xót lẫn cảm khái.

Giá như Sài có thể quyết liệt hơn, giá như Sài biết được rằng một bước đi sai thời niên thiếu đã khiến cả cuộc đời mình trở nên trống rỗng, tay trắng lại hoàn tay trắng. Nhưng đó là ý tưởng sâu sắc nhất của tác phẩm, khi con người rơi vào bi kịch sống do người khác quyết định, cho dù “những người khác” đó là cha mẹ anh em bà con chòm xóm của mình.

“Thời xa vắng” là một câu chuyện dài, nhiều mảnh đời đan xen chồng chéo mà mảnh đời nào cũng được khắc họa một cách sâu sắc, đầy cảm thông.

Thời đại ấy tuy đã trôi qua, tưởng như tiêu biến, nhưng trong chính xã hội hiện đại này, nó lại hiện ra theo một kiểu khác và vẫn với những ánh mắt nhìn chòng chọc vào ta, để phán xét, để đánh giá.

Người đọc dễ bị choáng ngợp bởi độ nén của câu chuyện này, bởi các nhân vật sinh động trong đó, rốt cuộc chỉ còn lại một tiếng thở dài thương cảm khôn nguôi. Họ là nạn nhân của lịch sử, trong vòng xoáy ấy, chẳng biết có bao nhiêu nạn nhân như vậy, có bao mảnh đời tương tự vĩnh viễn sống trong nỗi sợ hãi và bế tắc, cuối cùng chìm khuất với thời gian. 

Có lẽ “Thời xa vắng” bền lâu bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.