Có nhiều người cảm thán với nhau rằng, kể từ ngày dịch bệnh leo thang, những ca sĩ karaoke thì lên ngôi còn những giọng ca, tiếng đàn đích thực, đứng ngoài showbiz đã lùi về ngậm ngùi nơi “tường trắng lặng câm”.
Dùng ứng dụng Zoom để... tập nhạc
Có một câu chuyện không phải của riêng ai, rằng bên cạnh những người có thể làm việc trực tuyến tại gia, thì có không ít số phận đã gắn sự nghiệp với số đông công chúng. Những người dạy học có thể tiếp tục tác nghiệp qua mạng, các hàng ăn có thể giao vận thực phẩm. Còn các ca sĩ biểu diễn phòng trà và quán bar, nếu không phải là ngôi sao hạng A thì coi như đóng băng toàn bộ công việc.
Chúng tôi trò chuyện với Khổng Phương Anh, một cô gái 9X sôi nổi, một tay guitar và giọng ca song ngữ nổi tiếng nơi các điểm hẹn âm nhạc thu hút khách nước ngoài. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghệ sĩ trẻ này phải hủy tất cả các show lớn nhỏ trong tháng 3 và tháng 4, cùng với đó là dự định ra mắt album mà cô cùng ban nhạc ấp ủ, dày công chuẩn bị.
“Việc dừng các hoạt động âm nhạc trong vài tháng ảnh hưởng đến tâm lý của mình rất nhiều, đôi khi cảm giác bị stress và trầm cảm nhẹ vậy. Mình rất thèm hát, rất nhớ đồng nghiệp và khán giả. Đó không chỉ là nghề nghiệp mang lại thu nhập, mà đó là một phần linh hồn của mình”, Khổng Phương Anh cười buồn.
Khổng Phương Anh được truyền tình yêu âm nhạc từ gia đình. Cô đã đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc từ khi còn đi học tại các cuộc thi hát tiếng Anh toàn quốc, Tuổi hai mươi hát. Cô gái sinh năm 1994 mạnh dạn chọn con đường biểu diễn trực tiếp với các dòng nhạc Blues, Jazz và Rock bởi theo cô hát trực tiếp mang lại những xúc cảm khác hẳn với hát qua mạng hay thu âm, bí mật nằm ở sự thăng hoa.
“Nghỉ hát, mình phải tự luyện tập để nâng cao trình độ guitar. Mình cũng sử dụng Zoom để tập luyện với ban nhạc, tuy rất rắc rối, nhưng không còn cách nào khác. Chúng mình sẽ biểu diễn trực tuyến giống như nhiều nhóm nhạc khác, tất nhiên đây là giải pháp tình huống để cho khán giả và ca sĩ đỡ nhớ nhau”, Phương Anh chia sẻ chân thành.
Những ước mơ bị ngắt quãng
Không được gia đình ủng hộ như người đồng nghiệp cùng tên, ca sĩ trẻ Vũ Phương Anh (sinh năm 1999) đã trải qua rất nhiều “đấu tranh” và trui rèn để đến với ước mơ âm nhạc. Thế nhưng vừa xuất hiện như gương mặt mới của thế hệ nghe nhạc 10X, Vũ Phương Anh đã phải chấp nhận một chặng nghỉ trên con đường đam mê của mình.
“Những bước đầu tiên vô cùng khó khăn. Em đã phải gần như luyện tập rất khắc khổ với thanh nhạc để cải thiện kỹ thuật, và rồi còn phải học vô số kĩ năng. Em hiểu rằng hát phòng trà không hề giống như hát trên sân khấu. Không phải ca sĩ nào cũng chọn Internet để phát triển”, Vũ Phương Anh tâm sự.
Cô cho biết: “Thật muộn phiền khi vừa đi được những khởi đầu tương đối trôi chảy, vừa thu hút được khán giả của riêng mình thì đột ngột các phòng trà ca nhạc đóng cửa. Nhưng em biết đó là tình hình chung. Rất nhớ khán giả, rất thèm không khí âm nhạc nhưng em vẫn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời lên ý tưởng để chuyển dịch sang các dự án trực tuyến”.
Trên cây đàn đã nín câm
Trước khi dịch bệnh bùng phát, sự cố hỏa hoạn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô cũng đã ảnh hưởng không tốt đến các nhạc công. Khác với các ca sĩ, những người chơi nhạc cụ cần không gian để tập luyện và phối hợp. Dịch bệnh Covid-19 làm những cây đàn tạm thời im vắng giai điệu, những người chơi nhạc phải tìm mọi biện pháp khắc phục.
“Không chỉ chương trình biểu diễn mà các lịch dạy học của chúng tôi tại các trường cũng bị hủy bỏ” – nhạc công Lâm Quang Vũ (SN 1987), người đã từng biểu diễn rất nhiều chương trình lớn như Tự hào Việt Nam, Seoul Friendship Festival 2019, cho biết. “Chúng tôi khắc phục bằng cách tự tập luyện và tâm sự cùng cây đàn đã gắn bó máu thịt với mình. Chúng tôi lên ý tưởng, trao đổi với nhau và với ca sĩ, rồi tự thu âm và gửi cho nhau qua mạng.
Trong lúc này, giữ được tinh thần an yên rất quan trọng. Anh em trong giới nghề nghiệp động viên nhau và tự trấn an bản thân nhiều lắm. Chúng tôi thường xuyên quay video chơi nhạc và đưa lên mạng xã hội, chẳng để làm gì, chỉ để chia sẻ cảm xúc với bạn bè và khán giả. Rất mong bệnh dịch sớm kết thúc để chúng tôi lại được phục vụ khán giả, trên những sân khấu hoặc trong khán phòng”.
Phòng trà “thời xa vắng”
Hoạt động phòng trà âm nhạc ở Hà Nội lâu nay vốn không phải là một nghề dễ dàng, lĩnh vực này đòi hỏi năng lực quản lý lẫn cả “cơ duyên”. Sự kiện Covid-19 lại càng làm tăng độ khó với những người thực sự tâm huyết với văn hóa phòng trà.
Anh Trần Khánh Hưng – chủ phòng trà MagicWind (Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những trà quán đã nhiều năm xây dựng văn hóa thưởng nhạc - chia sẻ: “Chúng tôi đã phải hủy đêm nhạc được chuẩn bị rất kỹ lưỡng kỷ niệm 19 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Các anh chị em đều rất tiếc nuối. Nhiều nghệ sĩ tâm sự, họ phải xoay xở chuyển sang nghề khác để bảo đảm thu nhập, cũng có người phải về quê.
Xưa nay làm phòng trà ca nhạc ở Hà Nội khó hơn ở TPHCM vì khán giả Hà Nội không có thói quen đến tụ điểm giải trí và khắt khe hơn khi thưởng thức âm nhạc. Chúng tôi đã dự định tổ chức chương trình trực tuyến nhưng giải pháp này bộc lộ nhiều điểm yếu, đó là chất lượng âm thanh bị hạn chế, sự phân tán của khán giả hoặc trùng lặp với nhiều sự kiện trực tuyến khác. Nghe nhạc phòng trà cần không gian và độ sâu lắng, dù là nhạc trẻ hay nhạc trữ tình. Điều này các “livestream” trên mạng rất khó đáp ứng”.
Qua các cuộc trò chuyện với những người làm nghề, có thể thấy cuộc sống hiện đại với các tiện nghi công nghệ không hề phong phú như chúng ta vẫn hằng tưởng. Hy vọng, cơn bão Covid-19 không làm chùn chân, giảm nhiệt huyết của các nghệ sĩ, những người lan truyền tình yêu âm nhạc và ước mơ chân chính với nghệ thuật.