Tôn vinh 43 tác phẩm báo chí tiêu biểu

GD&TĐ - Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo GD&TĐ là đơn vị thường trực.

Phóng viên tác nghiệp tại các điểm trường trong Kỳ thi THPT quốc gia (trong ảnh: Phóng viên Mai Trâm, báo Dân Trí, phỏng vấn thí sinh sau buổi thi)
Phóng viên tác nghiệp tại các điểm trường trong Kỳ thi THPT quốc gia (trong ảnh: Phóng viên Mai Trâm, báo Dân Trí, phỏng vấn thí sinh sau buổi thi)

Đây là năm đầu tiên Giải được tổ chức với mục đích tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về thành tựu, kết quả trong thực hiện đổi mới, sáng tạo dạy và học của ngành GD trên mọi miền Tổ quốc. Qua đó phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành GD, đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

Sức lan tỏa của Giải thưởng

Qua một thời gian chuẩn bị các điều kiện, xây dựng thể lệ giải thưởng, ngày 17/8 Giải Báo chí toàn quốcVì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 chính thức được phát động và nhận tác phẩm dự thi. Tác phẩm báo chí tham dự Giải hợp thể lệ là tác phẩm bằng tiếng Việt, được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2017 đến ngày 5/9/2018.

Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Sau một thời gian ngắn phát động (từ ngày 17/8 - 15/9), Ban tổ chức (BTC) đã nhận được khoảng 700 tác phẩm của 4 loại hình tham dự giải, gồm: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình.

Từ 15/9, BTC và Ban giám khảo (BGK) đã làm việc hết sức khẩn trương, chấm và xét chọn giải thưởng. BTC đã thành lập Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo. Sau khi phân loại, tổ thư ký đã chuyển hơn 400 tác phẩm thuộc 4 loại hình báo chí cho Hội đồng sơ khảo chấm và xét chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo. Vì đây là Giải Báo chí ngành GD nên các thành viên BGK đã thống nhất các tiêu chí chấm Giải sát với những đặc thù của sự nghiệp “trồng người”; Cụ thể các tác phẩm báo chí được chấm điểm theo 3 nhóm tiêu chí, gồm:

Tính phát hiện (5 điểm): Tác phẩm có tính phát hiện cách làm mới, nhân vật mới, mô hình mới; cách làm độc đáo, đặc biệt, nổi bật.

Văn phong, bút pháp, hình thức thể hiện (3 điểm): Tác phẩm có văn phong rõ ràng, ngôn ngữ và cách thể hiện đúng đặc trưng các loại hình báo chí, đặc trưng thể loại báo chí; ưu tiên tác phẩm có văn phong và cách thể hiện sáng tạo, mới, lạ, chuyên nghiệp, hiện đại.

Ý nghĩa và tác động xã hội (2 điểm): Tác phẩm có nhân vật, mô hình có đóng góp tích cực, hiệu quả cho xã hội; có sức lan tỏa và ảnh hưởng thực sự tới cộng đồng.

Theo đánh giá của BGK, tuy là năm đầu tiên phát động và thời gian nhận bài dự thi không dài, nhưng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm nay đã có sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, của các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên nhưng có sự đồng hành, sẻ chia với các thầy giáo, cô giáo ở khắp các vùng miền cả nước.

Về loại hình, trong số hơn 400 tác phẩm được chọn chấm Sơ khảo, loại hình báo in chiếm số lượng nhiều nhất với hơn 200 tác phẩm; Báo điện tử có hơn 100 tác phẩm, còn lại hơn 100 tác phẩm thuộc cả hai loại hình báo phát thanh, truyền hình. Số lượng tác phẩm tham gia Giải lần này phong phú cả về nội dung, hình thức thể hiện. Các tác phẩm tham dự thuộc các thể loại: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, ký sự truyền hình và các chương trình phát thanh, truyền hình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi họp báo tổng kết giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi họp báo tổng kết giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018

Lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất

Theo đánh giá của BGK, đề tài của các tác phẩm khá toàn diện. Số lượng bài phản ánh mặt tích cực của ngành GD là nổi trội; Nhiều bài có đề tài về những tấm gương vượt khó, tinh thần cống hiến của giáo viên, HS ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cùng với đó là những tác phẩm phát thanh, truyền hình với những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học trò thân yêu đã gây được ấn tượng sâu sắc cho người nghe, người xem...

Qua các tác phẩm báo chí tham dự Giải, các tác giả đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của giới báo chí đối với sự nghiệp phát triển GD của đất nước. Thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, trách nhiệm của người làm báo. Các tác phẩm được trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 thực sự là các tác phẩm có chất lượng tốt, có đóng góp tích cực, nâng cao chất lượng GD.

Qua một thời gian làm việc rất tích cực và tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng giám khảo nhất trí 100% với đề xuất trao giải cho 43 tác phẩm của 4 loại hình, 1 tác phẩm xuất sắc nhất trong 4 loại hình, 1 nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là cuộc cách mạng rất lớn cả về nhận thức cũng như phương thức tiến hành.

Từ trước đến nay, GD Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn thể xã hội và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đến sự phối hợp của các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước đã luôn sát cánh cùng ngành GD trong công cuộc đổi mới.

Tại họp báo tổng kết Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018, diễn ra chiều 15/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng Ban chỉ đạo Giải thưởng, cho biết với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng giám khảo - là những nhà báo giàu kinh nghiệm - đã hoàn thành tốt việc chấm các tác phẩm báo chí tham dự Giải.

Tuy thời gian nhận tác phẩm ngắn nhưng số lượng bài tham dự thi cũng đã đạt được con số ấn tượng - khoảng 700 tác phẩm của 4 thể loại tham dự giải như đã nêu ở trên. Điều này minh chứng sức hút viết về đề tài GD cũng như những đóng góp của làng báo đối với sự nghiệp phát triển GD nước nhà.

Phóng viên phát thanh và truyền hình tác nghiệp bên ngoài điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018
  • Phóng viên phát thanh và truyền hình tác nghiệp bên ngoài điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018

Khẳng định vai trò của báo chí đối với sự nghiệp GD

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, các tác phẩm đoạt Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 thực sự là những tác phẩm tiêu biểu, khẳng định sự đầu tư nghiêm túc về công sức, trí tuệ ý thức trách nhiệm cao và tính sáng tạo của từng tác giả.

Bên cạnh đó, có thể nói rằng trong suốt quá trình phát động, tổ chức Giải, BTC đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa - Trưởng Ban chỉ đạo Giải thưởng. Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành hữu quan là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho BTC cùng những người thực hiện “Giải Báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục” năm 2018.

Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc nên đã nhận được sự quan tâm và tham gia rất tích cực của các cơ quan báo chí, báo giới trong cả nước. Thành công của Giải thưởng hôm nay cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp phát triển GD và vai trò đặc biệt quan trọng của GD-ĐT với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; Sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các đồng nghiệp hôm nay cho thấy sự quan tâm của báo chí đối với Giải thưởng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nói riêng và GD-ĐT nói chung.

Sự thành công của giải năm nay đánh dấu sự khởi đầu hết sức thuận lợi của “Giải Báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục”, lần đầu tiên được ngành GD phát động.

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” sẽ được tổ chức vào hồi 9 giờ sáng ngày 17/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), được tường thuật trực tiếp trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

Sự kiện cũng được tường thuật trực tuyến trên Báo GD&TĐ điện tử (www.giaoducthoidai.vn) và tương tác trên trang Fanpage của Báo GD&TĐ (https://www.facebook.com/giaoducthoidai).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ