Gần 700 tác phẩm tham dự Giải thưởng
Chủ trì buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa – Trưởng Ban chỉ đạo Giải thưởng, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại – Trưởng Ban tổ chức Giải.
Dự buổi họp báo có ông Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân; Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Phó Cục trưởng Cục truyền thông Công an Nhân dân– Bộ Công An; ông Ray Gordon - Hiệu trưởng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV) - Nhà tài trợ kim cương của Giải cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Trình bày báo cáo tổng kết, ông Triệu Ngọc Lâm cho biết: Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực - nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những thành tựu, kết quả thực hiện đổi mới sáng tạo trong dạy và học của ngành Giáo dục trên mọi miền Tổ quốc. Qua đó, phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể tiêu biểu đổi mới sáng tạo trong dạy và học, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Buổi họp báo Tổng kết Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 |
Sau một thời gian ngắn phát động (từ 17/8 - 15/9), Ban tổ chức đã nhận được gần 700 tác phẩm của 4 loại hình báo chí tham dự Giải, gồm: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Có hơn 400 tác phẩm đúng thể lệ Giải được chọn chấm vòng sơ khảo. Trong đó có hơn 200 tác phẩm báo in; hơn 100 tác phẩm báo điện tử; hơn 100 tác phẩm phát thanh, truyền hình.
Nhiều tác phẩm lay động lòng người
Theo đánh giá của Ban giám khảo: Số lượng tác phẩm tham gia Giải lần này phong phú cả về nội dung, hình thức thể hiện. Các tác phẩm tham dự thuộc các thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, ký sự truyền hình và các chương trình phát thanh, truyền hình.
Đề tài của các tác phẩm khá toàn diện. Số lượng bài phản ánh mặt tích cực của ngành giáo dục nổi trội. Nhiều bài có đề tài về những tấm gương vượt khó, tinh thần cống hiến của giáo viên, học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Có nhiều tác phẩm phát thanh, truyền hình phản ánh, khắc họa những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học trò thân yêu đã gây được ấn tượng sâu sắc cho người nghe, người xem, có tác động xã hội mạnh mẽ. Đặc biệt là phản ánh được những tấm gương nhà giáo đã hy sinh quyền lợi, tuổi đời của mình gắn bó với giáo dục vùng khó, gắn bó với học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật…
Ông Ray Gordon - Hiệu trưởng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV) - Nhà tài trợ kim cương của Giải phát biểu tại buổi họp báo |
Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng giám khảo - những nhà báo giàu kinh nghiệm, đã hoàn thành việc chấm các tác phẩm với kết quả: trong 74 tác phẩm vào vòng Chung khảo của 4 loại hình, có 43 tác phẩm đạt Giải, trong đó có 4 Giải A, 8 Giải B, 11 Giải C và 20 Giải Khuyến khích, 1 giải đặc biệt được ban giám khảo bình chọn từ 4 giải Nhất của 4 loại hình báo chí.
Theo ông Hồ Quang Lợi - Chủ tịch Hội đồng chung khảo, đây là Giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc nên đã nhận được sự quan tâm và tham gia rất tích cực của các cơ quan báo chí, báo giới trong cả nước.
Thành công của Giải thưởng hôm nay cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự hưởng ứng tham gia của đông đảo đồng nghiệp cho thấy sự quan tâm của báo chí đối với Giải thưởng “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung.
Tiếp tục tạo sân chơi cho những người làm báo gắn bó với ngành giáo dục
Các phóng viên phát biểu ý kiến tại buổi lễ |
Phát biểu tại đây, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã ghi nhận: tuy là năm đầu tiên phát động nhưng Giải thưởng đã được đông đảo các phóng viên báo chí hưởng ứng và gửi tác phẩm tham dự, đây là những người dành tình cảm, tâm huyết của mình để đồng hành với sự nghiệp phát triển giáo dục. Nhiều phóng viên đã tới những địa bàn khó khăn nhất tại các vùng miền để có những tác phẩm tâm huyết, làm lay động lòng người.
Là trưởng Ban chỉ đạo, đọc nhiều tác phẩm, Thứ trưởng bày tỏ sự xúc động vì những tác phẩm đã khắc họa sống động những tấm gương nhà giáo đã có sự hy sinh thầm lặng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục;
Trong đó có gương những nhà giáo ban ngày đi dạy, ban đêm đi đánh cá để nuôi học trò; có gương sáng ngời của những nhà giáo “tóc đã điểm sương”, tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn dạy trẻ khuyết tật, gương những nhà giáo vượt qua sự kỳ thị của xã hội để dạy trẻ nhiễm HIV…
Thứ trưởng đã bày tỏ lời cảm ơn đối với các tác giả thông qua những tác phẩm của mình đã làm cho xã hội hiểu hơn về ngành giáo dục qua những tấm gương tiêu biểu, và cả những nhà báo có tác phẩm phản ánh những khó khăn, bất cập của ngành trong quá trình đổi mới.
Thứ trưởng khẳng định: nhận thức được công cuộc đổi mới GD&ĐT là một quá trình luôn gặp khó khăn, chính vì vậy ngành cần sự chung tay của báo chí mà phóng viên là những người phát hiện, làm lan tỏa những gương điển hình tiên tiến của ngành giáo dục để nhân dân và toàn xã hội hiểu và đồng thuận với ngành trong công cuộc đổi mới.
Đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thông tin: Trong những năm tới đây, ngành giáo dục sẽ tổ chức thường niên Giải thưởng này để Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” thực sự là sân chơi của những nhà báo luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục có nhiều hơn những tác phẩm làm lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến của ngành.
Mỗi giải thưởng sẽ được nhận phần thưởng bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018; Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiền thưởng bằng tiền mặt với giải Nhất: 30.000.000 đồng/giải (Ba mươi triệu đồng); giải Nhì: 15.000.000 đồng/giải (Mười lăm triệu đồng); giải Ba: 10.000.000 đồng/giải (Mười triệu đồng); giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải (Năm triệu đồng).
01 tác phẩm xuất sắc được xét chọn từ 04 tác phẩm đoạt giải Nhất của 04 loại hình được nhận phần thưởng: chuyến thăm tìm hiểu giáo dục tại Vương quốc Anh dành cho 1 người, thời gian 14 ngày, trị giá 130.000.000 đồng (Một trăm ba mươi triệu đồng), không quy đổi thành tiền mặt.
Lễ tổng kết và trao Giải báo chí sẽ được tổ chức trang trọng và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam vào 09h00 - 10h30 ngày 17/11/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - số 8 Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội.