Những người lưu giữ báu vật của đại ngàn

GD&TĐ - Nhắc đến xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) người ta thường hay nói vui đây là xã vùng sâu sở hữu nhiều “triệu phú” nhất Tây Nguyên. Nói cái xã đa số là người dân tộc thiểu số này có nhiều “triệu phú” là do họ sở hữu những bộ cồng chiêng quý được định giá lên đến hàng trăm con bò, mấy chục ha rẫy. 

Những người lưu giữ báu vật của đại ngàn

Có điều, định giá là cho vui vậy thôi, chứ có mang nhiều hơn những giá trị đặt ra ấy để đổi lấy những bộ cồng chiêng này cũng không được. Đó không chỉ là tài sản quý của buôn làng, đó còn là linh hồn của Tây Nguyên đại ngàn, là hơi thở của rừng già ngàn đời mà người dân còn lưu giữ lại.

Sở hữu cồng chiêng là sở hữu tài sản vô giá

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Ba Na, Xê Đăng, M’Nông, Cơ Ho, Rơ Măm, Ê Đê, Jrai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Cách đây 10 năm, vào năm 2005, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đây là di sản vô giá, là niềm tự hào gắn liền với đời sống từ bao đời nay của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Để không bị mai một, văn hóa cồng chiêng rất cần đến không gian truyền thống và ý thức gìn giữ của những chủ nhân sản sinh và sở hữu di sản vô giá này. Đáng mừng là ý thức gìn giữ, tình yêu với cồng chiêng vẫn có sức sống mãnh liệt ở nhiều buôn làng.

Ở Gia Lai, có một xã vùng sâu tuy điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng lại sở hữu nhiều báu vật của Tây Nguyên. Đó là xã Ia O. Cồng chiêng đến với người Jrai ở xã Ia O có từ bao giờ? Chưa ai biết, chỉ biết âm hưởng tiếng cồng, tiếng chiêng đã tồn tại trong tâm thức của người dân nơi đây từ bao đời nay. Đối với họ, cồng chiêng không như những nhạc cụ bình thường khác, mà là “linh khí”, nghĩa là một thứ nhạc cụ thiêng liêng do “Yàng” ban cho.

Theo một số liệu thống kê của chính quyền địa phương, xã Ia O có khoảng 517 bộ chiêng, trong đó gần 45% là những bộ chiêng quý. Những bộ chiêng được dân làng người dân tộc Jrai xem là những tài sản vô giá. Có những bộ chiêng ở trong xã có tuổi thọ hơn 100 năm, các tay săn đồ cổ tìm mọi cách trả giá, nhưng đều nhận được cái lắc đầu của người dân.

Đổi cả trăm con bò lấy bộ chiêng cũng không chịu

Xã Ia O có nhiều bộ chiêng quý, nhưng nhắc đến phải nói đến bộ chiêng nhà bà Ksor Byơih ở làng Dăng. Bộ chiêng quý của nhà Ksor Byơih đã có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, biểu diễn qua hàng nghìn lễ hội. Bà Byơih kể: “Tôi không biết bộ chiêng này tồn tại bao nhiêu năm rồi, chỉ biết nó rất quý, được bố chồng truyền lại cho. Khi chồng tôi còn sống, ông ấy quý nó lắm còn hơn cả sinh mạng của mình. Bộ chiêng được gia đình bảo quản cẩn thận, chỉ những lúc có lễ lớn, chồng tôi mới đem ra đánh”.

“Giờ chồng mất rồi, tôi phải thay gia đình lưu giữ cho con cháu sau này. Có nhiều người ở nơi khác đánh ô tô đến hỏi mua, tôi đều từ chối. Có người còn năn nỉ sẽ đổi cả 100 con bò để lấy bộ chiêng. Nhưng sao tôi bán được, vì đây là bộ chiêng linh thiêng được truyền lại qua bao đời trong gia đình. Dù có khó khăn đến đâu, gia đình tôi cũng phải bảo vệ chiêng, nhìn thấy chiêng là thấy truyền thống của gia đình”, bà Byơih nói.

Không chỉ nhà bà Byơih sở hữu chiêng quý, nhiều gia đình trong xã Ia O có hẳn cả bộ sưu tập lên đến gần chục bộ. Gia đình ông Ksor Hơn ở làng Jép có hẳn 9 bộ chiêng quý, có tuổi thọ cả trăm tuổi. Những bộ chiêng này được xem như những báu vật của gia đình và của dân làng. Nhiều “tay săn” chiêng quý nghe tiếng về bộ chiêng nhà Ksor Hơn đã dòm ngó nhiều lần, nhưng đều nhận được cái lắc đầu dứt khoát từ chủ nhân.

Trường hợp nhà ông Ksor Có ở làng Dăng lại khác. Ông rất mê chiêng nhưng gia đình không truyền lại cho bộ chiêng quý nào. Ksor Có đã lặn lội đi tìm mua 1 bộ chiêng quý về để được biểu diễn. Ngày đó, ông đi hỏi khắp trong làng nhưng không có một gia đình nào đồng ý bán.

Ông Ksor Có nhớ lại: “Trong làng ai cũng muốn giữ chứ không ai muốn bán chiêng quý, tiền nhiều cũng không mua được. Không mua được trong làng, mình phải vượt mấy quả núi đi tìm chiêng quý làng khác. Rất may, ở 1 xã trong huyện Ia Grai có gia đình sở hữu bộ chiêng quý, vì khó khăn nên đồng ý bán. Nhưng giá không dễ chịu chút nào, 30 chục con bò chồng đủ thì cầm chiêng đi. Mình vay mượn người dân trong làng cũng đủ 30 con rồi đưa chiêng về. Cách đây mấy chục năm còn mua được chiêng quý, chứ giờ thì khó lắm. Chiêng quý ai cũng lo giữ vì là linh hồn của gia đình, của dân tộc mình”.

Biết đến xã Ia O có nhiều bộ chiêng quý, nhiều tay chơi đồ cổ cũng thường xuyên đến hỏi mua, nhưng đành phải về tay không. Dân làng ở đây xem chiêng là thứ tài sản không phải để bán. Vì vậy, nhiều năm qua, số bộ chiêng trong xã vẫn giữ được số lượng.

Theo ông Puih Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, tổng số chiêng của xã nằm rải rác ở tất cả 9 buôn làng. Số bộ chiêng trong xã chỉ có tăng chứ không có giảm, vì chẳng có ai bán mà họ còn đi nhiều nơi sưu tập về. Người ở đây xem các bộ chiêng như là 1 thành viên của gia đình. Nhiều hộ quan niệm trong nhà có thể thiếu bất cứ thứ gì nhưng chiêng phải có. Ngoài việc lưu giữ chiêng, vào những lúc lễ hội, họ cùng nhau đem ra sử dụng, trau dồi các kiến thức về cồng chiêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ