Dòng ký ức sáng ngời

GD&TĐ - Bảo tàng Chiến thắng B52 là biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường trong những năm kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Thủ đô Hà Nội. 

Dòng ký ức sáng ngời

Đây cũng là bảo tàng độc đáo nhất trên thế giới. Hàng nghìn hiện vật được lưu giữ đã gợi lại 12 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. Từ những tư liệu, tôi đi tìm các nhân chứng….

Góp phần làm nên lịch sử

Từ tấm ảnh cô gái tự vệ đeo khăn tang bên mâm pháo, tôi đã tìm đến bà Phạm Thị Viễn, hiện sinh sống ở phường Tương Mai (Hoàng Mai – Hà Nội), là nữ công nhân của Nhà máy cơ khí Mai Động ngày đó.

Qua dòng hồi ức của bà, quá khứ hiện về nguyên vẹn. Năm 1967, nhà bà bị bom đánh khiến mẹ qua đời. Bà đã tham gia tự vệ. Trung đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động gồm 11 người và hai khẩu pháo phòng không 14,5mm.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm năm đó, khẩu đội thường xuyên trực chiến gồm sáu người, gồm khẩu đội trưởng Thái Văn Quang, các chiến sĩ Phạm Thị Viễn, Đỗ Thị Dần, Nguyễn Văn Trung, Ngô Thị Hiếu và Đặng Văn Sinh.

Những đêm đầu trong đợt tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, trung đội được giao phục vụ chiến đấu cho một trận địa pháo 100mm của Quân chủng Phòng không - Không quân, cách nhà máy 300m.

Bà Phạm Thị Viễn nhớ lại: “Đúng 17 giờ ngày 22/12/1972, Ban Chỉ huy quân sự thành phố đưa một cán bộ đến thông báo di chuyển trận địa. Hai khẩu pháo 14,5 mm của lực lượng tự vệ được kéo đến trận địa Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng, tập kết cùng hai khẩu của Nhà máy Gỗ Hà Nội và một của Nhà máy cơ khí Lương Yên.

Từ vị trí này, tầm bao quát rất rộng, nhìn thẳng sang vòm cầu Long Biên, pháo ta có thể đón lõng máy bay tiêm kích của địch đến từ hướng dãy Tam Đảo, theo mặt nước sông Hồng vào Hà Nội thả bom rồi bay thoát ra biển”.

Tiếp lời bà Viễn, ông Nguyễn Văn Trung, thành viên Trung đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động chia sẻ: “Chúng tôi không thể nào quên đêm 22/12; không bao giờ quên giờ phút lịch sử bắn hạ F111. Đến khoảng 20 giờ 30, có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80km, tất cả vào vị trí chiến đấu. Đến 21 giờ 30 thì báo động cấp 3, máy bay địch đã tiến rất gần. Anh Hoàng Minh Giám kiên nhẫn quan sát rồi hạ lệnh bắn. Giọng đã khản đặc, anh ra hiệu bằng tiếng kẻng cho chúng tôi. Năm khẩu pháo đồng loạt khạc lửa. Chiếc F111 bị trúng đạn, cố bay đến địa phận tỉnh Hòa Bình thì rơi”.

Dòng ký ức không thể mờ phai

Cùng chiến đấu, bảo vệ Hà Nội ngày đó còn có hàng trăm đội tự vệ của các nhà máy, xí nghiệp, nổi tiếng như Nhà máy cơ khí Lương Yên, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Gỗ, Nhà máy Đá hoa An Dương và Đội tự vệ khoa Văn Trường ĐHSP Hà Nội…

Bà Nguyễn Thị Minh Liên, người đã vinh dự là đại biểu tự vệ xuất sắc của Hà Nội trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1968 và được tặng huy hiệu Bác Hồ năm 1970 về thành tích xuất sắc trong hội thao quân sự toàn thành phố, kể lại: “Chị em tự vệ ở lại nhà máy hầu hết đều xa con, chồng đi bộ đội, cụm lại nấu cơm độn mì sợi, nhưng vẫn sẵn sàng đánh Mỹ bất kể ngày đêm”.

Từ bức ảnh tư liệu lịch sử, tôi cũng đã tìm gặp bốn nữ tự vệ của phường Giang Biên (quận Long Biên), những người gan dạ làm nhiệm vụ quan sát, đếm bom trong những ngày cuối đông năm 1972. Bà Nguyễn Thị Tý đưa tôi ra đài quan sát năm 1972, nay chỉ còn chân lô cốt mà thực dân Pháp xây từ thời 1948 - 1954, khi chiếm đóng Giang Biên và cả vùng Bắc sông Đuống.

Bà xúc động nói: “Dưới hầm lô cốt, có cả bộ đội thông tin làm việc và dân làng tôi trú ẩn khi bị máy bay đánh bom. Gọi là đài quan sát, vì gắn với nhiệm vụ đếm bom, chứ thực ra, chúng tôi phải làm cái chòi cao mới đếm được bom để kịp thời báo về cho huyện đội. Trên chòi có một máy điện thoại và dây nối về huyện đội, một ống nhòm, và thêm kẻng báo động của dân quân xã. Khi nghe còi báo động ở Nhà hát Lớn truyền sang là chúng tôi gõ kẻng báo động cho dân kịp thời vào hầm”.

Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Bắc, nữ tự vệ phường Giang Biên bộc bạch: “Cả đêm đếm bom to trùi trũi, như vãi xuống làng xóm, chúng tôi không kịp sợ, không kịp nghĩ gì ngoài một điều duy nhất là phải đứng vững trên chòi cao mà làm nhiệm vụ. May mà cả bốn chị em, không ai bị thương”.

Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Bảo tàng Chiến thắng B52 nằm trên phố Đội Cấn (Hà Nội) đã đón hàng trăm lượt khách tham quan, trong đó rất nhiều là học sinh, sinh viên và các bạn trẻ.

Ngay từ đầu cuối tháng 11, không ít học sinh đã tự tổ chức từng nhóm vào thăm, chưa kể rất nhiều đoàn do các thầy cô giáo tổ chức. Tại đây, các em được nghe hướng dẫn viên kể về những ngày lịch sử hào hùng và các chiến thắng giòn giã của quân và dân Thủ đô, bằng ý chí và tinh thần khắc phục khó khăn trong suốt 12 ngày đêm khói lửa 45 năm trước.

Dòng ký ức của các nhân chứng lịch sử, những người thợ, công nhân, dân công trở về đầy ắp, sáng ngời. Họ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vĩ đại. Hà Nội một thời hào hoa và đau thương đã được nhắc nhớ, khai mở cho mỗi người về tình yêu quê hương đất nước.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trung đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động, nay đã về nghỉ hưu. Dòng ký ức trong ông luôn sáng. Hiện ông đang vẽ tranh phong cảnh, làm thơ về trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không để luôn nhắc nhớ mình và đồng nghiệp, đồng chí về những ngày không thể nào quên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?