Khai mạc triển lãm sách Bảo vật quốc gia

GD&TĐ - Sáng ngày 23/11/2017 UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức cuộc triển lãm và đồng thời ra mắt cuốn sách BẢO VẬT QUỐC GIA. Cuốn sách giới thiệu về 12 nhóm cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia đến nay.

Sách Bảo vật quốc gia được trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội
Sách Bảo vật quốc gia được trưng bày triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Hà Nội trưng bày có hệ thống 12 nhóm bảo vật quốc gia cùng với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn với mỗi bảo vật.

Trong số 12 nhóm bảo vật được trưng bày lần này có niên đại từ thời Đông Sơn như: Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng trong trống, Quả chuông Thanh Mai đúc năm 797, tượng Phật Bà Quan Âm tại di tích chùa Đào Xuyên, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, 82 bia Tiến Sĩ – Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Trống Cổ Loa thuộc hàng quý hiếm bởi kích thước lớn, hoa văn trang trí trên mặt và thân cầu kỳ. Trống được phát hiện ngày 21/6/1982 khi nhóm thanh niên giúp gia đình ông Tái Kim Quang, xóm Chợ, xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) hạ thấp thửa ruộng ở khu Mả Tre.

Chiếc trống nằm ngửa, chứa trong lòng 3 trống đồng bé hơn chỉ còn những mảnh nhỏ cùng hơn 200 hiện vật bằng đồng gồm lưỡi cày, rìu đồng, mũi tên đồng có niên đại trên 2.000 năm. Bộ sưu tập lưỡi cày đồng gồm 20 chiếc, chủ yếu có 3 kiểu chính là lưỡi cày hình tim, hình bầu dục và gần hình tròn.

Trải qua hàng nghìn năm tuổi, những chiếc lưỡi cày màu xanh rỉ đồng có niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000-2.500 năm đã bị sứt mẻ, cong vênh phần nào.

Trống đồng Cổ Loa được in trong sách Bảo vật quốc gia
Trống đồng Cổ Loa được in trong sách Bảo vật quốc gia

Sau khi phát hiện, UBND xã Cổ Loa đã cùng Sở Văn hóa Hà Nội khảo sát lại nơi phát hiện và tổ chức nhiều đợt thu hồi hiện vật. Do tìm thấy ngẫu nhiên nên khu vực quanh chiếc trống nằm đã bị đào bới lộn xộn, các nhà khoa học không thể nghiên cứu được mối quan hệ giữa trống và lớp gốm Cổ Loa cũng như thứ tự sắp xếp các hiện vật ban đầu. Tháng 12/2015, trống Cổ Loa cùng 20 lưỡi cày đồng được công nhận bảo vật quốc gia.

Chuông Thanh Mai có dáng hình trụ, miệng thẳng liền với thân. Thân chuông chia làm 4 khoang lớn, phân cách nhau bởi ba đường gờ nổi. Mỗi khoang chia làm hai ô. Ô trên là hình thang cân, ô dưới là hình chữ nhật. Trong lòng mỗi ô có khắc chữ Hán. Chuông có hai núm dùng để gõ chuông, hình tròn lồng trong nền cánh sen, đúc nổi trên thân chuông.

Chữ khắc vuông vức, đường nét rõ ràng, tiêu biểu cho loại chữ thời Đường- Tống mà các đời sau gọi kiểu chữ này là chữ “phỏng Tống”. Trong văn ngữ, đôi chỗ sử dụng từ ngữ của người Việt. Niên đại của văn bản khắc trên thân chuông và niên đại của chuông là một, hoàn toàn phù hợp với dòng lạc khoản tuyệt đối trên chuông là: ngày 20 tháng 3 đủ năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên 14 ( tức năm 798). Chuông được công nhận là 1 trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam được công nhận năm 2006 với danh hiệu là: Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam do Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố.

Chuông Thanh Mai – Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam
Chuông Thanh Mai – Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam

Ngoài ra, tại buổi triển lãm còn trưng bày các bảo vật sớm nhất là trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cầy đồng trong trống từ thời Đông Sơn đến muộn nhất là bức phù điêu Lạc Long Quân và nhân vật thời kỳ Hùng Vương niên đại khoảng cuối TK 19 đầu TK 20 như: Long đình gốm Bát Tràng (Niên đại: thế kỷ 18-19), Chân đèn gốm Đặng Huyền Thông (Niên đại: năm 1582), bộ Tượng Di Đà Tam Tôn tại di tích Chùa Thầy, tượng Phật thời Tây Sơn, pho tượng Trấn Vũ, bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đúc Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương…

Các cổ vật được trưng bày tại Bảo Tàng Hà Nội
Các cổ vật được trưng bày tại Bảo Tàng Hà Nội

Ra mắt cuốn sách Bảo Vật Quốc Gia – Thăng Long, Hà Nội không chỉ là những hiện vật có niên đại vài trăm năm, những câu chuyện, con người lịch sử gắn với những hiện vật ấy đã bồi đắp cho nó những giá trị vô hình vô giá.

Từ đó, những hiện vật lịch sử đã trở thành những bảo vật quốc gia. Các bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội đã giới thiệu một cách hệ thống đến công chúng. Ngoài giá trị lịch sử, những bảo vật cũng chính là những kiệt tác về văn hóa, nghệ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.