Doanh nghiệp và trường nghề: Tìm được tiếng nói chung

Chuyên gia Lou De Castro Myles    Ảnh: Diệu Ngọc
Chuyên gia Lou De Castro Myles Ảnh: Diệu Ngọc

Phấn khởi chia sẻ về kết quả bước đầu sau khóa tập huấn, bà Lou nói: Doanh nghiệp và trường nghề logisticss đã tìm được tiếng nói chung!

Đào tạo nhân lực ngành logistics thiếu gì?

* Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển ngành logistics tại Việt Nam hiện nay?

- Tôi cho rằng, ngành logistics ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn cùng những điểm tích cực và cơ hội để phát triển. Một điểm khá tương đồng giữa Việt Nam và Australia là đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics. Tuy nhiên, Australia có một hệ thống kiểm định và khung chất lượng quốc gia cho ngành này. Cùng đó là sự tương tác, kết nối doanh nghiệp - nhà trường trong ngành logistics rất chặt chẽ.

Còn ở Việt Nam, mối liên hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà trường chưa được tốt. Trong khi đó, nhu cầu hiện nay là nâng cao kỹ năng cho người lao động ở Việt Nam để họ không chỉ cạnh tranh trong khối APEC, khu vực châu Á Thái Bình dương mà cạnh tranh trong thị trường thế giới. Chúng ta cần có lực lượng lao động tốt để đáp ứng cho ngành logistics, việc đào tạo cũng phải có sự đổi mới tương ứng. Đây sẽ là một thách thức lớn cho việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh logistics là một ngành công nghiệp toàn cầu.

* Bà chọn nội dung, phương pháp bồi dưỡng như thế nào để phù hợp với đối tượng học viên là lãnh đạo, giảng viên các nhà trường và lãnh đạo doanh nghiệp?

- Tôi đã sử dụng nhiều kiến thức và kinh nghiệm cá nhân trong quá trình thiết kế chương trình tập huấn này. Tôi lựa chọn phương pháp bồi dưỡng học dựa vào hành động. Tôi xem học viên tiếp thu và phản hồi, đưa ra các giải pháp cho vấn đề, từ đó đóng vai trò điều phối, hỗ trợ để học viên đặt ra mục tiêu cần đạt được, xác định đối tượng sẽ được hưởng lợi khi mình đạt được mục tiêu, từ đó đưa ra chương trình hành động và sau cùng là xây dựng một chương trình đào tạo.

Tôi muốn nhấn mạnh về việc người học hiểu như thế nào về các khái niệm. Ví dụ như khái niệm về xây dựng chương trình, chương trình đào tạo dựa trên năng lực thực hiện… Người học cần hiểu được vai trò của GD nghề nghiệp, cần có bức tranh tổng quan về GD nghề nghiệp trong thị trường lao động. Hàng ngày, tôi sẽ dựa trên kiến thức của người học để xây dựng và triển khai hoạt động trong ngày. Để làm được điều này, tôi cho rằng cần phải có khả năng điều chỉnh, xem người học đã biết những gì, xây dựng chương trình dựa trên kiến thức nền tảng mà học viên đã có.

Công cụ để áp dụng kiến thức vào thực tiễn

Chuyên gia Lou De Castro Myles cùng đồng nghiệp người Australia trao đổi với các học viên Việt Nam
Chuyên gia Lou De Castro Myles cùng đồng nghiệp người Australia trao đổi với các học viên Việt Nam 

* Bà đánh giá thế nào về các học viên Việt Nam trong khóa tập huấn này?

- Một số học viên có kiến thức nhưng không biết ứng dụng trong thực tiễn. Tôi đã cung cấp cho họ công cụ để có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng đã có và thực tế. Tôi giúp các học viên là lãnh đạo, giảng viên trong nhà trường hiểu cách làm thế nào để lôi cuốn SV trong giờ học. Theo cách dạy truyền thống, giảng viên nói, SV lắng nghe thụ động. Tuy nhiên, tôi gợi ý học viên cần quan sát SV. Nếu SV buồn chán, mệt mỏi, lơ là, nên tổ chức trò chơi đơn giản liên quan đến chủ đề bài học. Như thế sẽ giúp SV tỉnh táo hơn, tham gia sôi nổi vào bài học.

Giảng viên cũng chính là người lãnh đạo, giúp SV hiểu được tài liệu. Tôi đưa cho các học viên ý tưởng, từ đó họ suy nghĩ việc ứng dụng thực tế. Ví dụ như trong lớp, tôi sử dụng “vòng tròn học tập” để mọi người có thể thảo luận, tranh luận với nhau. Điều cốt yếu là trong quá trình học có sự tôn trọng, lắng nghe. Bởi chỉ có lắng nghe người khác thì mới có thể hiểu vấn đề đang thảo luận là như thế nào.

* Bà hỗ trợ gì cho các học viên để họ thực hiện các kế hoạch đã đề ra?

- Đây thực sự là một thách thức. Khi gặp mặt trực tiếp tôi có thể hỗ trợ được nhiều hơn. Hiện, tôi phụ trách 6 dự án triển khai ở 6 nước nên cũng hạn hẹp về thời gian. Tuy nhiên, nếu các học viên Việt Nam cần sự giúp đỡ, họ có thể liên hệ với tôi. Trong khả năng cho phép, tôi có thể dành 1 giờ cố vấn, hỗ trợ cho học viên.

- Bà đã tham gia “đứng lớp” 5 khóa tập huấn, còn 3 khóa tập huấn cho các học viên Việt Nam nữa, bà kỳ vọng gì ở các học viên Việt Nam sau khi kết thúc các khóa học?

- Tôi đã tham gia với Aus4Skills từ năm 2018 với 5 chương trình, còn 3 chương trình nữa sẽ triển khai trong thời gian tới. Tôi cho rằng, Aus4Skills sẽ là nền tảng để giúp kết nối các doanh nghiệp và nhà trường với nhau, sử dụng nguồn ngân sách do chính phủ Australia hỗ trợ để giải quyết vấn đề phát triển kỹ năng cho người lao động ở Việt Nam. Có thể thấy, kết quả đóng góp đầu tiên là nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy GD nghề nghiệp. Cùng đó, sự tham gia của các lãnh đạo, những người lập kế hoạch và đưa ra quyết định ngành logistics đã tạo ra những sự thay đổi hệ thống. Tôi thấy Chính phủ Việt Nam có cam kết rất mạnh mẽ phát triển GD nghề nghiệp cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp và nhà trường cùng tham gia vào chương trình, họ sẽ thấy được tiềm năng của sự hợp tác.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

“Doanh nghiệp và các trường đào tạo ngành Logistics đã có cơ hội gặp nhau trong các chương trình tập huấn, diễn đàn chung. Mọi người hiểu rõ hơn về hệ thống GD nghề nghiệp, từ đó có thể phát triển một hệ thống kỹ năng cho người lao động một cách hiệu quả. Họ chính là những nhân tố thay đổi giúp ngành logistics Việt Nam phát triển trong tương lai” - Chuyên gia Lou De Castro Myles.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ