Hướng nghiệp cho học sinh: Gia đình không thể đứng ngoài cuộc

GD&TĐ - Định hướng giáo dục nghề nghiệp cho HS trong trường phổ thông là nền tảng quan trọng để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Xác định hướng đi, nghề nghiệp cho HS càng sớm càng tốt. Ảnh: T.G
Xác định hướng đi, nghề nghiệp cho HS càng sớm càng tốt. Ảnh: T.G

Để có nghề nghiệp và một tương lai vững chắc, phụ thuộc vào quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.

Nhu cầu cấp thiết

Bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, đứng trước một thế giới nghề nghiệp vô cùng phong phú và đa dạng, HS thường lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp. Phần lớn các em chọn nghề theo cảm tính, dựa vào thị hiếu, nhu cầu của gia đình và sự lôi kéo của bạn bè… mà chưa chú ý đến năng lực, sở trường của bản thân và nhu cầu của xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thanh, Trường ĐHSP Hà Nội, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do bản thân HS chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nghề nghiệp, thiếu thông tin về những yêu cầu của ngành nghề, do vậy các em thường chưa đánh giá đúng năng lực của mình khi chọn ngành nghề.

Với HS THPT, việc lựa chọn nghề nghiệp trở thành nhu cầu cấp thiết. Các em thường bận tâm với những câu hỏi: Học lên đại học hay đi học nghề? vào trường đại học nào? Học nghề gì? Việc quyết định một chọn một nghề nào đó đối với một số em dường như đã có căn cứ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đa số HS còn định hướng môt cách phiến diện vào việc tiếp tục học tập ở bậc đại học và hướng vào các nghề thiên về trí óc. Có rất nhiều nguyên nhân, song một trong số các nguyên nhân của thực trạng này là do các em chưa được chuẩn bị để bước vào cuộc sống thực tế. Các em không có kinh nghiệm về hoạt động lao động, không được cung cấp thông tin đầy đủ về các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều quá trình GD hướng nghiệp cho HS của nhà trường và gia đình.

Học sinh chăm chú nghe tư vấn hướng nghiệp
 Học sinh chăm chú nghe tư vấn hướng nghiệp

Gia đình đóng vai trò quan trọng

PGS.TS Nguyễn Xuân Thanh nhận định: Gia đình là thành tố có sức ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn ngành nghề và sự thành công trong tương lai của mỗi cá nhân. Do đó, việc nhận thức đúng đắn về vai trò của, trách nhiệm của gia đình trong công tác GD hướng nghiệp cho HS lứa tuổi THPT và việc tổ chức hướng nghiệp cho các em là một vấn đề cấp thiết, một nhiệm vụ không thể thiếu mà mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần phải quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Cha mẹ với tư cách là nhà GD đầu tiên khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển nhân cách, cũng như định hướng nghề nghiệp của trẻ phù hợp với thời đại. Cha mẹ là người gần gũi, hiểu được hứng thú, năng lực, sở thích, điểm yếu của các em nhất. Những tác động GD từ gia đình sẽ có tác dụng hữu hiệu đối với HS THPT.

Tuy nhiên để công tác GD hướng nghiệp hiệu quả, cha mẹ cần trò chuyện với con. Đây là biện pháp quan trọng, có tác dụng nâng cao nhận thức về các mối quan hệ trong gia đình và bổn phận trách nhiệm trong gia đình của con cái, bồi dưỡng tình cảm gia đình cho con.

Đồng thời khuyến khích, thúc đẩy con tích cực hành động trong việc góp phần xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, cung cấp cho HS những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, thế giới nghề nghiệp, hệ thống trường chuyên nghiệp… từ đó cho con lời khuyên về sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với với các yếu tố như sở trường, nhu cầu, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình với ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần.

Giáo dục gia đình quan trọng là vậy nhưng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thanh, rất nhiều phụ huynh cho rằng, hoạt động GD hướng nghiệp do nhà trường thực hiện và lên cấp THPT rồi mới định hướng chọn nghề, chọn trường cho con. Những quan niệm như vậy là chưa đúng. GD hướng nghiệp là hoạt động chung của cả tập thể sư phạm và gia đình, xã hội. Gia đình cần nhận thức đúng đắn và tổ chức phối hợp với các lực lượng GD khác trong việc GD hướng nghiệp cho chính con em mình.

Cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu và tham gia các hội thảo tư vấn nghề nghiệp của nhà trường và của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về nhu cầu, tính chất đặc điểm, đặc thù của ngành nghề mà mình muốn định hướng cho con.

Đây chính là không gian trực quan về môi trường nghề nghiệp để có thể định hướng chính xác đâu là ngành nghề phù hợp với sở thích, đam mê và năng lực của con em mình. Những hiểu biết cặn kẽ cùng sự định hướng kịp thời sẽ tạo tiền đề quan trọng để các em xác định hướng đi đúng và không bị loay hoay, lạc vào những mơ ước viển vông về ngành nghề sẽ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ