Thu hút bằng học nghề
Những năm qua, việc kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề được Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) thực hiện như một biện pháp phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả cho HS. Những em có nguyện vọng vào ĐH được nhà trường tập trung bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Còn em nào không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH sẽ được hướng học nghề.
Nhà trường phối hợp với một số trường CĐ, TC nghề trên địa bàn để đào tạo, cấp chứng chỉ nghề như: Nấu ăn, nghiệp vụ nhà hàng, điện, thú y, trồng rừng, bảo vệ thực vật… “Đây đều là những nghề phù hợp, thiết thực với HS vùng cao, nếu như sau THPT các em không học lên nữa thì cũng đã có nghề trong tay để đi làm, lập nghiệp. Hiện 70% HS ở trường đăng ký học nghề ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12”, thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Mô hình trên cũng được thí điểm và áp dụng ở nhiều trường như THPT Nghi Lộc 3, THPT Nghi Lộc 5, THPT DTNT tỉnh số 2… một số trường THPT dân lập, trung tâm GDNN - GDTX. Tại Trường THPT DL Sào Nam (huyện Nam Đàn) có gần 200 HS đã học nghề. Trong đó có 60 em đã tốt nghiệp trung cấp các ngành như điện tử, điện lạnh và tin học; 140 HS còn lại, chủ yếu ở khối 10 và 11 đang tiếp tục theo học hệ đào tạo 2 năm và dự kiến đến hết lớp 11 các em sẽ có bằng nghề.
Thầy Phạm Quang Hải – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc tổ chức học nghề gắn với học văn hóa đối với trường dân lập ở các huyện khá hiệu quả. Vì đa số HS sau khi tốt nghiệp THPT đã có định hướng học nghề. Được học sớm, các em sẽ rút ngắn được thời gian đào tạo nghề, có thể đi làm ngay hoặc học lên CĐ nghề nếu có nhu cầu. Đây cũng là cách thu hút HS, giúp nhà trường tuyển sinh hiệu quả”.
Cô Hà Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường THPT DL Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn) cũng cho hay: Có 80% HS của trường đã đăng ký chương trình vừa học văn hóa, vừa học nghề. Ở tuổi này, nếu các em đi làm thì quá sớm, tâm lý chưa vững vàng, thiếu nền tảng kiến thức, hiểu biết xã hội, các công ty cũng không nhận các em. Định hướng cho các em học song song hai chương trình sẽ tạo cơ hội cho các em vừa có bằng THPT, vừa có bằng nghề... phù hợp với điều kiện và nguyện vọng HS. Các em được học nghề miễn phí, gần nhà, mỗi tuần 2 - 3 buổi và được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Xin cơ chế cho trường đặc thù
Trên thực tế, dù được khá nhiều trường áp dụng, mô hình dạy nghề cho HS THPT mới chỉ dừng lại ở thí điểm chứ chưa có văn bản quy định nào cụ thể. Quá trình đào tạo nghề ở các trường THPT cũng tồn tại khó khăn, chủ yếu về cơ sở vật chất, thiếu thiết bị, máy móc… Thời gian học nghề, thực tập hạn hẹp do HS phải bảo đảm cả việc học văn hóa.
Năm 2018, Bộ LĐ,TB&XH đã có văn bản đề nghị không tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho HS đồng thời đang theo học tại các trường THPT. Thực hiện theo chỉ đạo này, ngày 24/7/2018, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An cũng đã có văn bản gửi các trường CĐ, TC trên địa bàn với nội dung tương tự.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ,TB&XH Nghệ An), cho biết: Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, để bảo đảm chất lượng đào tạo trình độ trung cấp nghề trở lên thì các cơ sở GDNN phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo. Trong khi đó, việc đào tạo theo liên kết hiện nay khó đáp ứng các quy định trên. Điều 18 Nghị định 143/2016/NĐ-CP cũng quy định: Nếu mở thêm địa điểm phải thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động GDNN. Nhưng hiện nay nhiều trường CĐ, TC liên kết đào tạo nghề tại trường THPT lại bỏ qua quy định này.
Sau khi có văn bản của Sở LĐ,TB&XH, các trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An không tuyển sinh HS mới và chỉ tiếp tục đào tạo những HS đã học nghề trước 24/7/2018. Trong khi đó, nhiều trường THPT đã gửi văn bản đến Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An xin chủ trương tiếp tục liên kết hệ đào tạo hệ trung cấp nghề cho HS.
Thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng THPT Quỳ Hợp 3 - cho biết: “Học sinh của trường có đầu vào thấp, chiếm hơn 90% con em đồng bào DTTS. Việc dạy nghề trong trường được nhiều HS hưởng ứng, góp phần tạo động lực, mục tiêu học tập cho các em, giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng. Sau khi chủ trương dạy nghề bị tạm dừng, số HS nghỉ học tăng hơn so với năm trước. Tính riêng học kỳ 2 này, đã có 10 HS bỏ học và chủ yếu là các em lớp 10, chưa được học nghề. Tôi mong muốn các ban, ngành cấp trên tạo cơ chế cho những trường đặc thù như chúng tôi”.
Về phía ngành Giáo dục hiện cũng chưa có văn bản chỉ đạo nào sau văn bản của Sở LĐ,TB&XH. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An: “Phân luồng hướng nghiệp là một chủ trương lớn và đang thực hiện khá tốt ở Nghệ An. Trong đó, mô hình dạy nghề cho HS THPT có hiệu quả nhất định. Việc siết chặt đào tạo nghề theo các quy định là cần thiết, nhưng cũng cần tính tới các yếu tố đặc thù và gắn với từng đối tượng, từng vùng, từng địa phương. Theo tôi cần sớm có cơ chế riêng để mô hình này phát triển ở những nơi thực sự có nhu cầu, phù hợp với thực tế”.