Chống hàng giả, hàng nhái: Cần đồng lòng và quyết liệt

GD&TĐ - Thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh đẩy lùi tình trạng nhức nhối này rất cần sự phối hợp đồng lòng, quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành chức năng cũng như sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại.

Chống hàng giả, hàng nhái:  Cần đồng lòng và quyết liệt

DN cần thay đổi nhận thức

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nạn gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả đang ngày một phức tạp, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Các mặt hàng này không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như: Quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, điện tử...

Đáng chú ý, lợi dụng sự thiếu quan tâm của các DN trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và sự thiếu hiểu biết, thiếu cập nhật kiến thức, thông tin của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả nên các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài (chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc) có nhu cầu tiêu thụ cao để cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khoẻ của người tiêu dùng (NTD) và uy tín, thương hiệu của các DN.

Đáng chú ý, buôn bán hàng giả qua Internet ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo... thông qua việc lập các fanpage, trang Facebook cá nhân... để quảng cáo, bán hàng nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, tuy bấy lâu nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái diễn ra tràn lan, nhưng nhiều DN vẫn tỏ thái độ thờ ơ... ngại đấu tranh khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả, trôi nổi trên thị trường.

Việc nhiều DN ngại bị nêu tên trên phương tiện thông tin truyền thông khi sản phẩm của mình bị làm giả, do sợ ảnh hưởng đến thương hiệu và việc bán hàng, cho thấy nhận thức của DN trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế, gây khó khăn cho điều tra, xử lý...

Cần có chế tài mạnh

Trên thực tế, các chế tài xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất. Hơn nữa, hiện nay, việc ban hành văn bản và thực tế vi phạm còn có sự “lệch pha”, nên gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác thực thi.

Bởi theo Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD quy định, tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần, hay tái phạm... Nhưng trên thực tế, việc tịch thu phương tiện là không thể làm được vì các đối tượng chủ xe thường chỉ là người vận chuyển thuê, không phải là chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hoá nhập lậu...

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi các chế tài xử lý nhằm tăng tính răn đe, nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản. Cũng như cần thành lập bộ phận pháp lý trợ giúp DN, bởi có rất nhiều DN nhỏ không có riêng bộ phận pháp lý và chi phí cũng còn hạn chế.

Song quan trọng hơn, NTD phải lên tiếng mạnh mẽ hơn bởi hàng giả, hàng nhái không chỉ xâm phạm quyền hợp pháp của DN mà cũng xâm phạm quyền lợi của NTD. Bởi chống hàng giả không chỉ là việc riêng các cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Về phần mình, DN cần mạnh dạn lên tiếng và đồng hành cùng cơ quan chức năng khi bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. DN phải ý thức bảo vệ tài sản, uy tín của mình thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có thể hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức của NTD là vô cùng quan trọng, chỉ khi nào NTD nói không với hàng giả thì mới triệt tiêu được động lực của các đơn vị vi phạm...

Thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã phát hiện, bắt giữ 88.560 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2016. Đối với các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 1.100 vụ, với 1.372 đối tượng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ