Hàng Việt về nông thôn cần tạo uy tín và chất lượng

GD&TĐ - Trong những năm qua, việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đặc biệt là việc đưa hàng Việt về nông thôn được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. 

Hàng Việt về nông thôn cần tạo uy tín và chất lượng

Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng xích lại gần nhau đồng thời các doanh nghiệp có cơ hội kích cầu và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên người tiêu dùng cũng chưa hẳn đã tin tưởng các doanh nghiệp vì vẫn còn hiện tượng trà trộn các mặt hàng kém chất lượng.

Cơ hội cho các doanh nghiệp tăng chất lượng và doanh số hàng hóa

Hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động, Bộ Công thương trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình đã chỉ đạo các Trung tâm Xúc tiến thương mại của các sở Công Thương các tỉnh, thành chủ trì tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại các địa phương.

Cuộc vận động cũng đã giúp các doanh nghiệp Việt nâng tầm thương hiệu, chất lượng sản phẩm và các dịch vụ. Hàng hóa ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thị trường ngày càng được mở rộng. Người tiêu dùng ngày càng đông.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng có nhận thức, ý thức về việc bảo vệ sản phẩm và uy tín của mình trước pháp luật. Các doanh nghiệp đã chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ. Đó cũng là cách bảo vệ và khẳng định thương hiệu hàng hóa của mình.

Việc các doanh nghiệp tăng cường nâng cao chất lượng, đang ký thương hiệu bản quyền cộng với việc người dân tin tưởng vào chất lượng hàng nội địa cũng khiến sức mua tại các phiên chợ hàng Việt, các siêu thị, cửa hàng tăng cao.

Chị Thúy Hà – nhân viên thu ngân Big C Nam Định cho biết: Hàng ngày đứng thu ngân tôi nhận thấy, lượng hàng hóa của Việt Nam sản xuất đã ngày càng tăng, dân mình càng ngày càng chuộng hàng Việt sản xuất. Các mặt hàng từ thời trang đến đồ gia dụng hay thực phẩm... người tiêu dùng đã lựa chọn mua hàng Việt nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng có ý thức làm cho hàng hóa phong phú hơn, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Nắm bắt được tình hình nhiều công ty thường xuyên nâng cao, cải tiến chất lượng và điều chỉnh giá thành hợp lý cho người tiêu dùng bằng cách chiết khấu giá cả ngay trên sản phẩm.

Chị Trần Thu Hà, nhân viên công ty TNHH May Đức Giang thường xuyên tham gia các gian hàng trong các kỳ hội chợ của Công ty cho biết: Công ty TNHH May Ðức Giang là doanh nghiệp may mặc thường xuyên tham gia các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Sau mỗi đợt tham gia đưa hàng về nông thôn tôi nhận thấy sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng nông thôn lựa chọn bởi mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, giá thành hợp lý.

Qua mỗi đợt như thế công ty chúng tôi đều cho nhân viên đi khảo sát tìm hiểu, nắm bắt thêm nhu cầu thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình cho phù hợp.

Người tiêu dùng có cơ hội mua được hàng hóa chất lượng và được chiết khấu

Hàng Việt về nông thôn giúp cho nhiều người dân có cơ hội mua được hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích mà không phải đi xa mới mua được. Những mặt hàng được người dân ưa chuộng là các loại thiết yếu trong tiêu dùng: quần áo, đồ gia dụng, sinh hoạt hàng ngày như: quần áo, quạt điện, nồi cơm điện, bánh kẹo, mắm muối… Khi đã sử dụng một vài lần thấy tốt, giá cả hợp lý người dân sẽ chọn mua rất đông. Nắm bắt được tình hình này nhiều công ty đã có chiến lược sản xuất và kích cầu và người được hưởng lợi chính là người dân.

Tại Cao Bằng, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn huyện Trà Lĩnh năm 2017 đã có khoảng 40 gian hàng của nhiều doanh nghiệp tham gia với đa dạng các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, đồ dùng gia đình… Các mặt hàng đều có tem mác, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng cùng với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, thu hút được nhiều lượt nhân dân đến tham quan, mua sắm.

Chị Nông Thị Tuyền, người dân tộc Tày ở huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) cho biết: Nhờ có những đợt hội trợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, những người dân như chúng tôi mới có cơ hội được mua hàng hóa dưới giá in trên bao bì vì được chiết khấu. Các bà, các chị như tôi rất thích bởi hàng hóa đảm bảo, có nguồn gốc và giá cả không bị chặt chém.

Mỗi lần có hội chợ hàng Việt về nông thôn người dân chúng tôi lại nô nức kéo nhau đến hội trợ để xem có gì mới, có gì hay hơn và tìm mua những đồ dùng cần thiết cho gia đình bởi vì mua hàng ở đó vừa rẻ hơn bên ngoài và đảm bảo chất lượng. Bây giờ đi mua hàng chúng tôi rất sợ những mặt hàng không tem mác, không đảm bảo chất lượng.

Vẫn còn hàng kém chất lượng

Theo người tiêu dùng phản ánh, hàng Việt hiện đã rất phong phú về chủng loại, hình thức mẫu mã đẹp, có tem nhãn song vẫn có những hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn vào nên người tiêu dùng khi mua vẫn còn tâm lý phân vân, e ngại do chất lượng hàng hóa tại không ít phiên chợ, hội chợ chưa đạt yêu cầu. Đó là một thực trạng vẫn diễn ra mong các doanh nghiệp, các nhà sản xuất chú ý để bảo vệ uy tín, chất lượng của sản phẩm của mình.

Chị Ngọc Quỳnh người tiêu dùng (Nam Định) cho biết: Tôi rất thiện chí với việc tiêu dùng hàng Việt có nguồn gốc, xuất xứ thế nhưng phải nói rằng hàng Việt của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập. Có thể sản phẩm quảng cáo khuyến mại rất tốt nhưng khi mua về dùng lại không được như ý, hoặc hàng mua lúc đầu dùng rất tốt nhưng chỉ được một thời gian chất lượng lại kém hẳn. Đã thế một số doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn còn trà trộn bày bán sản phẩm kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Để hàng Việt thật sự chiếm được lòng tin của người tiêu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đạt kết quả bền vững, trước hết các doanh nghiệp sản xuất cần khẳng định thương hiệu của mình trước thị trường kinh tế, có tính cạnh tranh lành mạnh, đa dạng về mẫu mã sản phẩm có như thế mới chiếm được thị hiếu người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm thì lúc đó doanh nghiệp sẽ đứng vững, hàng hóa tiêu thụ ngày một tăng.

Cùng với đó là việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa của các cấp, ngành liên quan cũng cần được sát sao để ngăn chặn hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu và gian lận thương mại... có như thế mục tiêu "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" sẽ dần ăn sâu vào nhận thức của mỗi người dân.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội cho biết: Năm 2016 Sở đã tổ chức hơn 300 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp; Tổ chức 22 phiên chợ Việt và hơn 100 các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân. Các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ rang, giá bán hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nhiều người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.