Cà phê đường tàu xin kinh doanh: Không để thành tiền lệ

GD&TĐ - Việc kinh doanh trên hành lang an toàn đường sắt là điều khó chấp nhận. Không thể biến hành lang an toàn giao thông đường sắt thành điểm kinh doanh, du lịch.

Khách đến thì cho là một trải nghiệm, còn người kinh doanh thì cố kêu gọi nguồn lực “mạng xã hội” để níu kéo công việc làm ăn
Khách đến thì cho là một trải nghiệm, còn người kinh doanh thì cố kêu gọi nguồn lực “mạng xã hội” để níu kéo công việc làm ăn

Cà phê đường tàu xin kinh doanh

Ngày 20/10, đại diện cư dân Chắn 5 Trần Phú (hay còn được gọi là phố cà phê đường tàu) gửi kiến nghị tới chính quyền thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm bỏ rào chắn lối đi vào khu dân cư, đồng thời đề xuất các giải pháp an toàn cho khách khi tiếp tục kinh doanh giải khát tại khu vực này.

Theo đó, cư dân xóm “cà phê đường tàu” cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray vào đến nhà. Các hộ gia đình sẽ kẻ vạch sơn an toàn và lắp barie chặn lối đi bằng inox trước mỗi cửa hàng và nhà dân để tránh cho du khách vượt vào đường ray.

Các quán sẽ lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ Việt - Anh để cảnh báo tàu chạy và không ngồi, đứng gần đường tàu và loa cảnh báo kết nối với chắn tàu trước khi tàu chạy qua. Đồng thời các quán cà phê cũng lắp camera giám sát để phát hiện hộ kinh doanh vi phạm hành lang đường sắt, để khách gặp nguy hiểm.

Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, lãnh đạo quận đã nhận được đơn kiến nghị của người dân bán cà phê đường tàu. Đang xem xét, xin ý kiến lãnh đạo TP Hà Nội và các ngành đường sắt, giao thông. Sau khi nhận được các phản hồi, quận sẽ trả lời đơn kiến nghị của người dân.

Nguy hiểm luôn tiềm ẩn

Thời gian qua cà phê đường tàu Phùng Hưng thu hút rất đông du khách nước ngoài đến check-in. Có công ty du lịch còn đưa phố cà phê đường tàu vào điểm du lịch City Tour Hà Nội. Tuy nhiên, việc hàng trăm người đứng chen nhau ngay sát đường ray mỗi khi có tàu chạy qua là vô cùng nguy hiểm.

Anh Dương Quốc Tuấn – cán bộ giám sát ATGT đường sắt Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý trực tiếp đoạn đường sắt trên) cho biết: “Vào đầu năm 2019 đã có một nữ du khách người Canada bị tàu hỏa móc vào balo kéo ngã. Rất may du khách trên chỉ bị xây xước nhẹ nên đã đi luôn sau đó mà không báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng.

Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa để xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Các phường đã vào cuộc quyết liệt từ đầu năm đến nay nhưng không ăn thua”.

Theo anh Tuấn, việc xử phạt không hiệu quả. Lúc cơ quan chức năng đi xử lý thì người dân dọn vào, một lúc sau lại dọn ra.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, thực trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt ở quận Hoàn Kiếm đã được ban, ngành vào cuộc xử lý quyết liệt. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục có văn bản gửi các cơ quan chức năng xem xét có biện pháp xử lý dứt điểm đối với vi phạm của các chủ quán nước, quán cà phê quanh khu vực này nhằm đảm bảo tuyệt đối ATGT đường sắt mỗi khi có tàu đi qua.

Mới đây, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, việc du khách đi lại xung quanh đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu, bảo trì đường sắt. Ngoài ra, khi đi qua tụ điểm cà phê, tàu thường phải chạy chậm hơn 30 km/h và lái tàu phải chờ du khách nhường đường, gây chậm tàu. Nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại khu vực này.

Không thể thành điểm du lịch

Về việc dẹp bỏ điểm cà phê đường tàu đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Đại diện người dân tại phố cà phê cho rằng, các quán cà phê bên đường tàu đã mở ra một nét văn hóa mới, một điểm đến thú vị cho du khách khi đến thăm Hà Nội. Loại hình kinh doanh này cũng phù hợp với xu hướng mới của giới trẻ là du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa qua các tụ điểm. 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải) cho rằng, cần dẹp bỏ các hàng quán, tụ điểm cà phê, chụp ảnh quanh khu vực đường sắt tại Hà Nội. Theo ông Thụ, kinh doanh, sinh hoạt ở khu vực giao thông đường sắt lúc nào cũng rất nguy hiểm.

Cùng quan điểm đó, ông Dương Quốc Tuấn cũng khẳng định hành lang 1,5m đã vi phạm vào giới hạn bảo vệ đầu máy, toa xe. Trong khi đó, theo các quy định về đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3m. “Đã là quy định liên quan đến tính mạng của người dân thì phải tuân thủ, không còn là văn hoá nữa”, ông Tuấn nói.

Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo một số quận xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Trong đó yêu cầu ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người dọc đường sắt để quay phim, chụp ảnh, uống cà phê.

Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng, cà phê đường tàu là điểm du lịch tự phát, cần dẹp bỏ. Theo đó, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cho rằng, cà phê đường tàu là điểm hút khách du lịch trong đó có cả khách quốc tế. Tuy nhiên, nơi này cần được đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Theo ông Bình, UBND thành phố Hà Nội cần có chỉ đạo giải phóng khu này để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và đường bộ, đường sắt.

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cà phê đường tàu là điểm du lịch tự phát, cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Thực chất khu vực cà phê đường tàu ở Hà Nội đang vi phạm một số quy định, các cơ quan chức năng cần đưa ra văn bản dừng hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ