Khoảng một năm trở lại đây, tại khu phố Khâm Thiên, Lê Duẩn, Phùng Hưng… những nơi có đường tàu chạy qua bỗng thu hút rất đông khách nước ngoài đến tham quan. Du khách tìm những hàng quán sát đường tàu, ngồi nhâm nhi ly cà phê, gọi vài chai bia ngắm nhìn cuộc sống người dân địa phương và trải nghiệm cảm giác thấy tận mắt đoàn tàu chạy qua ngay sát trước mặt.
Ga Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm, thì cũng bấy nhiêu năm những tuyến đường sắt chạy quanh co khắp thành phố lặng lẽ hoà mình với nhịp sống nơi này. Chẳng hiểu từ bao giờ, những người làm việc trong ngành đường sắt bắt đầu dựng nhà bên khu vực hành lang. Từng nhà lại từng nhà hóa thành xóm nhỏ, xuyên suốt từ ga Long Biên đến hết phố Lê Duẩn. Đã hơn 30 năm, nhiều thế hệ sinh sống tại nơi người ta gọi với cái tên dung dị là “xóm đường tàu”. Có những đứa trẻ sinh ra và lớn lên gắn liền với đường ray và tàu hỏa.
Đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng thu hút rất đông khách nước ngoài đến tham quan. Thời gian gần đây, khu vực này mọc lên hàng loạt quán cà phê nằm sát bên đường ray xe lửa, trở thành điểm hẹn của các bạn trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được chụp ảnh, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ.
Người bán hàng ở đây thuộc lòng giờ tàu chạy để nhắc nhở khách. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đang thực sự đáng báo động. Rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra.
|
Dọc 2 bên đường tàu không còn những khu nhà trọ giá rẻ, thay vào đó là những quán café. |
|
Chỉ đơn sơ với những bộ bàn ghế gỗ trên lớp đá lổn nhổn nhưng du khách vẫn tìm thấy những điều bất ngờ cho mình. |
|
Nơi đây là góc sáng tác hoặc góc check-in của rất nhiều người. |
|
Phố đường tàu luôn nhộn nhịp với nhiều hoạt động diễn ra ngày trên đường ray |
|
Đêm xuống cũng là lúc khu phố đường tàu bừng sáng, nhộn nhịp hơn. |