Anh Văn Như Cương của Hội Nghệ chúng tôi

GD&TĐ - Ở khu vực phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân – Hà Nội, chúng tôi có 1 Hội nhỏ gọi là Hội Nghệ.

Anh Văn Như Cương của Hội Nghệ chúng tôi

Hội chúng tôi hay tụ họp ở nhà Tiến sĩ Trương Nhân Huyền - Tạp chí xã hội học. Ấy là khi anh Văn Như Cương còn ở tại phòng 322, nhà C16, tập thể Thanh Xuân Bắc, còn Trương Nhân Huyền thì ở nhà C5, gần cổng chợ Thanh Xuân.

Còn sau này, khi anh Cương về sống tại trường Lương Thế Vinh thì thỉnh thoảng chúng tôi tụ họp ở quán bia. Nhân dân khu Thanh Xuân thường gọi PGS Văn Như Cương là thầy, còn chúng tôi thì gọi anh là anh Cương (gọi thầy anh không thích).

Mấy ngày gần đây, tin PGS Văn Như Cương từ trần đã tràn ngập các trang mạng và báo chí nước ta. Ánh mắt lấp lánh của ông, bộ râu rất đặc trưng của ông đã xuất hiện trên hình nền trang tin cá nhân của hàng triệu học sinh Việt Nam. Tôi chưa từng biết 1 nhà giáo nào ở nước ta qua đời mà được cộng đồng quan tâm và tiếc thương đến thế.

Anh Cương đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam rất lớn. Anh là tác giả của 60 cuốn sách giáo khoa toán học cả bậc phổ thông và đại học. Anh là thành viên của Hội đồng giáo dục Quốc gia. Anh là người đầu tiên thành lập trường tư thục ở nước ta và đưa trường này trở thành nổi tiếng.

Đầu năm 1989, anh nói với chúng tôi: “Tôi sẽ mở trường tư thục, lấy tên là trường Lương Thế Vinh. Tôi sẽ tiến hành 1 cách dạy khác, 1 cách học khác và sẽ cho ra lò 1 thế hệ tú tài khác với các trường công lập.

Và anh đã làm được như vậy. Trường Lương Thế Vinh đã vào top những trường phổ thông nổi tiếng nhất. Lớn hơn 1 thầy hiệu trưởng, anh Văn Như Cương là 1 nhà giáo dục đầy tâm huyết.

Hàng chục bài viết, hàng trăm trả lời phỏng vấn của báo chí về giáo dục và nhiều kiến nghị của anh gửi cơ quan chức năng về nền giáo dục của nước nhà. Đã như 1 thông lệ, hễ cần tìm hiểu về giáo dục là các nhà báo lại tìm đến PGS Văn Như Cương.

Các nhà báo rất thích nghe anh nói vì anh nói thẳng, nói thật và nói sâu sắc. Trong cuộc rượu Hội Nghệ kỷ niệm 70 năm ngày sinh của anh, tôi đã liều mạng ra 1 vế đối: “Văn Như Cương, toán Như Cương, tính Như Cương, nhất mực cương thường đạo lý”.

Vế đối có thể chưa chỉnh, nhưng nó nói đúng tích cách của anh Cương. Anh sống cương trực, thẳng thắn, không e sợ cường quyền. Một vị tướng già, đưa cháu nội đến trường Lương Thế Vinh để xin cho cháu được vào trường, vì cháu thi thiếu mất 0,25 điểm. Lúc đó anh Cương nói với ông Trưởng ban phụ huynh nhà trường: “Trường hợp này phải chiếu cố, vì ông ấy đã chiến đấu cả đời vì đất nước”.

Nhưng khi vào phòng tiếp khách thì cậu bé kia lại tót lên ghế ngồi vắt chân chữ ngũ. Anh Cương nói: “Tại sao em dám ngồi! Thầy có mời em ngồi đâu. Trước mặt thầy chỉ có 1 cái ghế trống. Người được mời ngồi là ông nội em chứ không phải bố em, càng không phải là em”. Rồi quay sang bố cậu bé kia, anh Cương nói: “Đề nghị anh đưa con về dạy lại. Năm sau nếu cháu ngoan hơn có thể tôi sẽ nhận”.

Trường hợp tiếp theo là 1 vị cán bộ cấp cao ngành công an đến xin cho con trai vì cậu thi vào trường cũng thiếu 0,25 điểm. Anh Cương nói: “Nếu tôi nhận con anh thì phải nhận thêm 750 em nữa mà trường lại không đủ chỗ, mong anh thông cảm”.

“Xin thầy xem xét điểm ưu tiên cho cháu được không?” “Nhưng anh không thuộc diện ưu tiên của trường Lương Thế Vinh. Chúng tôi chỉ ưu tiên cho con các thương binh liệt sĩ và các gia đình thật nghèo mà thôi”. Đó là tính cách của anh Văn Như Cương. Và Hội Nghệ chúng tôi rất kính trọng anh vì cá tính đó.

Nhưng người thầy rất cương nghị này đã có lần phải xin lỗi 1 cậu học trò. Bức tường nhà trường vừa mới quét vôi xong sáng choang đã xuất hiện 1 hình vẽ bậy ở trên đó. Lúc đó có 1 cậu học trò đang đứng cạnh bức vẽ bậy.

Nhìn hình vẽ, anh Cương rất bực. Đang cầm 1 tờ báo cũ trên tay, anh Cương đánh vào má cậu học trò và quát: “Tại sao em vẽ bậy lên tường?” Cậu học trò khóc nức nở. Nhìn cậu ta khóc, anh Cương biết là cậu này bị oan rồi.

Đánh bằng tờ báo nhẹ như phủi bụi có đau đớn gì đâu mà khóc nức nở thế. Anh Cương bước tới cạnh cậu ta và nói: “Thầy biết em bị oan rồi. Dù chưa điều tra ra ai vẽ bậy nhưng chắc chắn không phải em. Em cho thầy xin lỗi!” Nhà trường là môi trường giáo dục. Môi trường đó phải trong sáng và công minh. Anh Cương nói với chúng tôi như vậy.

Từ năm 2014, anh Cương đã chiến đấu quyết liệt với căn bệnh ung thư gan. Lúc đầu, các bác sĩ nói rằng anh chỉ sống thêm được từ 60-90 ngày nữa thôi. Vậy mà anh đã sống thêm được 4 năm trời. Tôi nói đùa với anh: “Thế là anh lãi rồi. Sống thêm 1 ngày, lãi 1 ngày”. Anh cười vui: “Lãi to chứ”.

Và 2h sáng ngày 9/10 vừa rồi, 1 vì sao xanh viền băng giá trên bầu trời thu thăm thẳm đã sa xuống. Anh Cương của Hội Nghệ chúng tôi đã đi rồi. Nhưng trường Lương Thế Vinh của anh còn đó. Và 4.000 học trò của anh đã gấp những con hạc giấy tung lên trời để chở linh hồn thầy hiệu trưởng Văn Như Cương về cõi tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.