PGS Văn Như Cương: Những câu chuyện xúc động về việc thành lập Trường Lương Thế Vinh

GD&TĐ - PGS Văn Như Cương, qua đời rạng sáng ngày 9/10 hưởng thọ 80 tuổi. Tên tuổi của Nhà giáo Văn Như Cương gắn liền với ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh bởi ông là người sáng lập. Có nhiều câu chuyện thú vị xung quanh việc thành lập trường được chính PGS kể lại.

PGS Văn Như Cương cùng các em học học sinh của Trường Lương Thế Vinh
PGS Văn Như Cương cùng các em học học sinh của Trường Lương Thế Vinh

“Bật mí” về tên Trường Lương Thế Vinh

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ngành giáo dục nước nhà rơi vào tình trạng khủng hoảng. Giáo viên bỏ nghề hàng loạt vì đời sống quá khó khăn, học sinh thất học ngày càng đông.

Trước tình cảnh đó PGS Văn Như Cương, lúc đó đang là cán bộ giảng dạy ở trường ĐH Sư phạm, nung nấu ý định mở trường tư thục. Ý tưởng của ông được thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, giảng viên của trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHQG Hà Nội) nhiệt tình ủng hộ.

Tìm được một người "đồng chí" đã khó, để những người khác ủng hộ là một điều không dễ dàng. Giáo dục nhà nước đã ăn sâu vào não trạng của nhiều thế hệ, "trường tư" là một khái niệm hết sức xa lạ với cả những lớp người đã gần 50 tuổi.

Bàn đi tính lại, hai ông đánh liều viết một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục! Không ngờ, ý tưởng của hai ông được Bộ trưởng Giáo dục lúc đó là GS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Ngày 1/8/1988, Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc hội thảo để hai ông lên thuyết trình về kế hoạch thành lập trường dân lập. Hội thảo "thành công rực rỡ" với sự cho phép của Bộ nhưng yêu cầu cầu đổi chữ "Tư thục" thành "Dân lập". Bộ bảo hai ông về đặt tên trường đi. Trường thì phải có tên. Thuê cơ sở ở đâu thì ghi vào.

Hai ông ra về lòng vui như mở hội, liền rẽ vào hàng phở trên phố Lò Đúc, mỗi người chén một bát. Vừa ăn, vừa phân công mỗi người nghĩ ra một cái tên để mai thảo luận.

Hôm sau, ông Khang đưa ra tên Lương Thế Vinh còn ông Cương thì đưa ra tên Nguyễn Trường Tộ. Bàn bạc một lúc rồi nhất trí lấy tên Lương Thế Vinh...

Tên đã có. Cơ sở cũng đã thuê xong. Nhưng lúc ấy, Bộ lại chưa hề có quy chế về trường dân lập. Ông Cương liền đề nghị với Bộ trưởng để ông soạn dự thảo về quy chế...

PGS Văn Như Cương gắn liền với ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh
PGS Văn Như Cương gắn liền với ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh

Quyết định liều lĩnh nhất, táo bạo nhất

Liên quan đến sự kiện thành lập trường, PGS Văn Như Cương đã có có bài tự sự với ngôi trường mà PGS tâm huyết gây dựng. PGS Văn Như Cương ví như bản Giao hưởng nhiều chương. Nội dung như sau:

Năm 1987 tôi vừa tròn 50 tuổi đời và 30 tuổi nghề (dạy học). Tôi có viết bài tự vịnh:

Năm chục như ta cũng khối người,

Hơn nhau chỉ bởi bộ râu thôi.

Cao nhà rộng cửa ơn nhờ Đảng,

Buộc bụng thắt lưng lỗi tại Giời.

Thơ viết dăm bài vui với bạn,

Sách in mươi cuốn góp cho đời.

Tài năng cũng muốn đem thi thố,

Chỉ sợ năm mươi đã lỗi thời !

Hai câu cuối nói lên ý định của tôi ở nửa sau của cuộc đời: thôi, không đua chen làm gì nữa, tài năng không biết có chút gì không, nhưng chắc chắn năm tuổi mươi tuổi đã lỗi thời rồi…

Thế mà không hiểu vì lí do gì, trời xui đất khiến hay sao mà ngay sau đó tôi đã đổi ý. Tôi muốn sửa câu cuối “Chỉ sợ năm mươi đã lỗi thời !” thành ra “Chẳng sợ năm mươi đã lỗi thời”.

Vì “chẳng sợ….lỗi thời” nên tôi quyết định xin mở trường Tư thục mang tên Lương Thế Vinh, nhà toán học đầu tiên của Việt Nam, tác giả cuốn sách “Đại thành Toán pháp”.

Có thể nói rằng trong cả cuộc đời của tôi, đây là quyết định liều lĩnh nhất, táo bạo nhất, phiêu lưu nhất. Hai vợ chồng với đồng lương giáo viên còm cõi, nuôi một con út đi học và một mẹ già, lương tháng nào tiêu hết tháng ấy, không có một xu gửi tiết kiệm…, thế mà dám xin mở trường Tư thục.

Bạn bè khuyên: “ Anh cứ nói cái ý tưởng ấy cho mọi người nghe, đừng có làm, thất bại là chắc chắn …”. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao , đã gửi đơn xin mở trường lên Bộ Giáo Dục rồi, báo chí đã đăng rồi…, không thể rút lui như Việt Nam ta rút lui Asiad 18 được …

Và thật không ngờ, ngày 1-6-1989 trường Lương Thế Vinh được cấp phép hoạt động , và tôi được phong chức Hiệu Trưởng. Hồi ấy kể cũng lạ, thủ tục hết sức đơn giản, chẳng ai đòi hỏi tôi phải đưa trình Đề án hoạt động, chẳng đòi hỏi ông Hiệu trưởng viết lí lịch, kê khai bằng cấp … Chỉ có Ông Giám đốc Sở Giáo dục và một vài cán bộ xuống hỏi tôi: trường ở đâu, phòng học đâu . .

Tôi trả lời rằng các phòng học đều đi thuê ở trường ĐH SP và ĐH Tổng Hợp… và dẫn họ đi xem …Chẳng ai đòi hỏi cho xem hợp đồng thuê và thời hạn được thuê, cũng chẳng ai hỏi phòng thí nghiệm đâu, thư viện đâu, phòng y tế đâu, phòng thể chất đâu , sân chơi cho học sinh đâu ???.

Mọi thủ tục hành chính đều đơn giản và nhanh chóng, chẳng ai hành mình cả . Thế là tôi và những người giúp việc có thời hạn hơn hai tháng để chuẩn bị cho khóa học đầu tiên của trường Lương thế Vinh….

Ngoài cái giấy phép được hoạt động, trường Lương Thế Vinh bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: không tiền vốn, không nhà tài trợ, không cổ đông , không cán bộ, không giáo viên, không học sinh, không bàn ghế , không bảng đen…

Nhưng cũng thật không ngờ, những “con số không” ấy đã đẻ ra một “tài sản” khổng lồ: Đơn xin vào học lên tới 1600, trong đó có 400 đơn vào lớp 10, 200 đơn vào lớp 11, 200 đơn vào lớp 12.

Sau kì thi tuyển chọn với 70 phòng thi (đi thuê), năm học đầu tiên của trường có : 10 lớp 10, 5 lớp 11, 5 lớp 12 với tổng sô 800 học sinh.

Đấy là những con số mở đầu đẹp “như mơ” và càng ngày càng tăng trưởng …, cho đến bây giờ LTV đã có 3.500 học sinh. Đúng là đối với ngành Giáo dục, không phải có nhiều tiền là có thể làm gì cũng được …

Nhiều lần đọc lại bài thơ tự vịnh lúc 50 tuổi, tôi vẫn thấy băn khoăn và ngượng ngùng vì câu thứ 7 : “Tài năng cũng muốn đem thi thố”, vì thực ra thì mình chẳng có tài năng gì đặc biệt ngoài cái tính nói thẳng , nói thật, rồi …nói ngang.

Tất cả thành công của trường Lương Thế Vinh đều quyết định bởi đội ngũ có chất lượng của thầy cô giáo và sự cố gắng chuyên cần của học sinh, ngoài ra sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh, công luận cũng rất quan trọng. Bởi thế nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập trường Lương Thế Vinh, tôi đã cho treo vế đối sau đây để khẳng định điều đó :

Mười năm qua, thầy giỏi trò hay, góp cánh hoa thơm cho đất nước

Thập kỉ tới, dân yêu bạn mến, tặng chùm qủa ngọt tới quê hương.

Khúc dạo đầu sẽ tiếp tục được lặp lại

25 năm đã trôi qua …, đó là một quãng đường dài trong cuộc đời tôi. Nhưng 25 năm chỉ là một giai đoạn mở đầu cho danh hiệu Lương Thế Vinh, nó giống như một KHÚC DẠO ĐẦU cho một bản GIAO HƯỞNG nhiều chương.

Những chương tiếp theo sẽ được viết bởi nhiều thế hệ thầy cô giáo, nhiều thế hệ học trò…Tôi tin tưởng rằng các giai điệu trong Khúc dạo đầu sẽ được lặp lại và biến tấu vang vọng hơn, đằm thắm hơn trong những chương kế tiếp .

Nhìn lại quãng đường đời đã đi qua, tôi cũng có đôi chút tự hào vì ngôi trường Lương Thế Vinh mà mình sáng lập. Nhưng sẽ không công bằng nếu không nói đến vai trò của người vợ tôi - Hiệu phó của trường, và của ba cô con gái, những trợ thủ đắc lực của vợ chồng chúng tôi.

Với trọng trách là người giữ tay hòm chìa khóa, vợ tôi đã giúp tôi thực hiện được nguyên tắc về tài chính của trường: ‘thu học phí không cao và giả tiền thầy cô không thấp”.

Với sự năng động của mình, các cô con gái đã vừa làm việc vừa học tập và quyết tâm giữ vững thương hiệu Lương Thế Vinh mãi mãi là cánh hoa thơm, chùm quả ngọt….

Theo Dân trí, Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.