Giai thoại thú vị về PGS Văn Như Cương

GD&TĐ - Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ thông tin PGS Văn Như Cương bị ốm khiến mọi người không khỏi lo lắng cho sức khỏe của thầy. PGS Văn Như Cương luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Ở thầy cũng có nhiều giai thoại đầy thú vị.

PGS Văn Như Cương (ngoài cùng bên phải). Ảnh minh họa/internet
PGS Văn Như Cương (ngoài cùng bên phải). Ảnh minh họa/internet

Bị lập biên bản vì nuôi lợn

Báo An ninh Thủ đô có kể lại một giai thoại hết sức thú vị về PGS Văn Như Cương. Cách đây khoảng hơn 40 năm, thầy giáo Văn Như Cương (SN 1937) bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên Xô cũ - 1971); trở về dạy học ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ngày đó, do kinh tế còn khó khăn, để vượt qua cái “sĩ” của mình không phải dễ, nhưng thầy Cương không nề hà tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền. Mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ ngày đó. Nên thầy Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có 2 tiến sĩ, một là tôi và một là lợn.

Thế rồi, sau những lần bị lập biên bản về chuyện làm “ảnh hưởng môi trường tập thể”, thầy Cương phải từ bỏ công việc cải thiện thu nhập của mình. Khi bạn bè đến chơi, đùa hỏi: “Tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?”. Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: “Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “Tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh.

Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.

Hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên

Chia sẻ trên báo Dân trí, PGS Văn Như Cương bồi hồi nhớ lại: Sau Đại hội Đảng VI, đổi mới đã len vào mọi ngành nghề, trừ giáo dục. Hồi đó ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Chính thời điểm ấy, thầy đã quyết định cùng một người bạn vong niên của mình là Nguyễn Xuân Khang - giảng viên của Trường ĐH Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), đứng ra mở trường tư thục.

Ý tưởng của hai người đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó, GS Phạm Minh Hạc, ủng hộ. Ngày 1/6/1989, sau nhiều khó khăn về quy chế, thuê mướn cơ sở vật chất, hợp đồng với các thầy, cô giáo, về cả tư duy cũ của không ít lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Tâm Đan, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã ký quyết định đồng ý thành lập Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh.

“Đêm 1/6/1989, ông Khang chạy sang ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Thầy ơi... ký rồi!”. Nước mắt tôi trào ra vì sung sướng. Cuối cùng thì niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực” - PGS kể lại.

PGS Văn Như Cương nhớ lại, năm đầu tiên, tôi đã tính nếu có trên 100 học sinh là được, dưới 100 là đóng cửa trường. Thế nhưng không ngờ có tới hơn 1.000 em đăng ký vào Trường Lương Thế Vinh, đến nỗi chúng tôi phải tổ chức một cuộc thi tuyển để nhận khoảng 800 em.

Tình yêu đẹp với cô học trò

Vợ chồng thầy Văn Như Cương
Vợ chồng thầy Văn Như Cương

Báo An ninh Thủ đô có viết lại một giai thoại về chuyện tình của PGS Văn Như Cương với một nữ sinh – sau này là người bạn đời của thầy. Bài báo có viết:

Riêng về chuyện tình yêu của thầy Văn Như Cương còn đẹp hơn cả một giai thoại. Tất nhiên khi ấy thầy chưa để râu vì là sinh viên năm cuối. Thầy mạnh dạn vào thực tập ở trường Trưng Vương, toàn nữ ngày ấy (năm 1957).

Có cô học trò, tên là Đào Kiều Oanh, một tiểu thư Hà thành, bất ngờ bị hút hồn bởi anh chàng sinh viên thực tập. Chàng có cách truyền đạt đầy biểu cảm và dễ hiểu. Cô học trò ấy thường xuyên mang sách vở lên hỏi thầy và rất chăm chỉ học tập. Hai thầy trò mến nhau từ đó.

Ra trường, thầy giáo trẻ Văn Như Cương được giữ lại làm giáo viên trợ giảng. Từ đó tình yêu nảy sinh, chàng giáo viên nghèo này được gia đình cô Oanh chấp nhận. Nhưng có chuyện bất ngờ xảy ra, khi thầy giáo Văn Như Cương được nhà trường quyết định cử vào Nghệ An, xây dựng trường đại học đầu tiên ở đây (năm 1959).

Khi đó gia đình cô gái đã đồng ý cho cô theo thầy giáo trẻ vào Vinh để tiếp tục học tập. Năm 1961, khi cô Oanh nhận tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc thầy giáo Văn Như Cương xin cưới.

Hai người nên vợ nên chồng từ đó và cùng nghề dạy học. Đến nay đã 54 năm trọn tình, trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời nhưng họ vẫn gắn bó hạnh phúc bên nhau.

Theo dân trí/Anninhthudo/kenh14

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.