An toàn vệ sinh thực phẩm học đường: Canh cánh nỗi lo

GD&TĐ - Năm học mới bắt đầu được hơn tuần, tại một số địa phương xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) liên quan tới học sinh. Gần đây nhất là vụ NĐTP ở 2 trường tiểu học tại TPHCM và Hà Nội, khiến nhiều học sinh (HS) phải nhập viện. Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm (ATTP) học đường.

Nhân viên nấu ăn chuẩn bị bữa ăn trưa cho HS Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Nhân viên nấu ăn chuẩn bị bữa ăn trưa cho HS Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Học sinh nhập viện sau bữa xế

UBND Quận 2 TPHCM có thông tin liên quan đến vụ NĐTP ngày 11/9, khiến nhiều HS tại Trường Tiểu học (TH) Bình Trưng Đông (Quận 2) nhập viện. Bác sĩ Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế Quận 2, Phó ban An toàn thực phẩm Quận 2 thông tin: Ngày 13 - 14/9, có hơn 50 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm. Trong đó có 49 HS, 1 giáo viên, 1 bảo mẫu và 1 bé 2 tuổi (là em của học sinh lớp 3) phải nhập viện theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Quận 2 và 1 HS đang được chăm sóc điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Sau khi nắm thông tin, tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo Phòng Y tế, Phòng GD&ĐT, Trung tâm y tế, UBND quận, Trạm Y tế phường Bình Trưng Đông được thành lập tiếp cận bếp ăn, xử lý khoanh vùng, lấy mẫu lưu thực phẩm gửi xét nghiệm để tìm nguyên nhân (10 -14 ngày nữa mới có kết quả).

Công Ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ & Phát triển Vĩnh Thịnh là đơn vị cung cấp đồ ăn cho 3 trường trên địa bàn quận 2. Trong ngày thứ Sáu (11/9), cả Trường TH Bình Trưng Đông và Trường TH Nguyễn Văn Trỗi đều sử dụng chung món bánh canh tôm thịt.

Tuy nhiên, bữa ăn xế tại Trường TH Bình Trưng Tây lại là bánh su kem (do hộ kinh doanh Gia Bảo 1 cung cấp lần đầu tiên), còn bữa xế tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi là bánh flan (do Vĩnh Thịnh cung cấp).

Đặc biệt, có một trường hợp HS không ăn bánh su kem, nhưng đem về cho em ăn và em đã phải nhập viện. Do đó, cơ quan chức năng nghi vấn nguyên nhân do bánh su kem của hộ kinh doanh Gia Bảo, bởi không có HS nào của Trường TH Nguyễn Văn Trỗi bị ngộ độc.

Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý phải chờ kết quả xét nghiệm để xử lý vi phạm nếu có. Do đó, ban đầu cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Vĩnh Thịnh ngưng nhận các sản phẩm từ hộ kinh doanh Gia Bảo, ngưng cung cấp bữa ăn xế cho các trường học trên địa bàn Quận 2. Công ty Vĩnh Thịnh  tiếp tục nấu suất ăn cho các trường dưới sự tham gia của tổ giám sát tại Trường TH Bình Trưng Đông.

Theo Giám đốc Bệnh viện Quận 2, ông Trần Văn Khanh, ngày 15/9 có 13 em xuất viện, ngày 16/9 có thêm 10 em xuất viện. Các em còn lại  hiện đáp ứng thuốc tốt và sẽ sớm xuất viện trong thời gian tới.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, toàn thành phố có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, 883 căng-tin phục vụ HS trong các trường học. Tuy nhiên, lo ngại nhất vẫn là bữa ăn xế, đa số các trường chọn thực phẩm cho HS thường là bánh, sữa, chè... (dễ bị ôi thiu trong thời tiết nắng nóng).

“Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ NĐTP, chúng tôi đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các trường. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học. Nhưng thực tế, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không, phụ huynh không thể biết được”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

Để tăng cường bảo đảm ATTP học đường, Ban Quản lý ATTP TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM ký kết kế hoạch liên tịch, khuyến khích thực phẩm đưa vào trường học phải được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố, hoặc cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP. Các bếp ăn được nấu tại trường, cũng như những đơn vị nấu nơi khác mang đến và cung cấp thức ăn vào trường (đơn vị chế biến suất ăn sẵn), đều phải tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP, kể cả quy định về nguyên liệu thực phẩm đạt chuẩn…

Theo thống kê, TP Cần Thơ có 84/176 trường dạy 2 buổi/ngày tổ chức bếp ăn bán trú với hơn 35.800 học sinh (tỷ lệ khoảng 45,48%). Trong đó, cấp học mầm non và tiểu học có học sinh ăn bán trú nhiều nhất. Vào đầu năm học, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều được tham gia tập huấn kiến thức, quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo cô Phan Đình Hồng Quyên, Hiệu trưởng Trường TH An Nghiệp (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), công tác vệ sinh ATTP luôn được nhà trường quan tâm. Ngoài việc bảo đảm dinh dưỡng cho các em, nhà trường chú trọng công tác vệ sinh bếp ăn, nhà ăn và nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Song song đó, cơ quan y tế địa phương cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ công tác bảo quản, chế biến thức ăn trong trường học…

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều năm qua TP Cần Thơ khuyến khích các trường tổ chức nấu ăn tại chỗ. Ngành Giáo dục và Y tế luôn song hành, kiểm soát công tác vệ sinh thực phẩm. Nhiều trường học tổ chức bếp ăn ngay tại trường để phụ huynh và nhà trường có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm, quy trình chế biến và an toàn thực phẩm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ