Ngay sau sự việc xảy ra, phóng viên được các phụ huynh học sinh lớp 5B cung cấp hình ảnh chai nước ngọt nghi là con em họ đã được uống. Đó là chai nước có tên “nước tăng lực Warrior Sirawberry” của một nhà sản xuất có địa trong TP Hồ Chí Minh. Theo thông tin từ cô H, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, thùng nước ngọt này được con gái cô đặt mua qua mạng. Gia đình dùng không hết, ngày 15/5 cô H đã mang lên lớp cho học sinh uống.
Theo quan sát của phóng viên, trên vỏ chai nước ngọt được cho là học sinh trường Tiểu học Quốc Tuấn đã uống có ghi ngày sản xuất là 16/9/19 hạn sử dụng ngày 15/5/20.
Tra nhãn hiệu chai nước trên mạng, hàng loạt hình ảnh và thông tin về sản phẩm hiện lên. Sản phẩm được quảng cáo là nước tăng lực có gá với hương vị dâu thơm ngon, có chứa nhân sâm, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Mỗi thùng nước loại này được đóng 24 chai, mỗi chai có thể tích 330ml.
Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Hải Phòng chia sẻ, đến trưa ngày 18/5, còn 1 học sinh trong số các em có hiểu hiện ngộ độc ở lại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng do có bệnh dạ dày, các học sinh khác đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Ông Toản cũng cho hay, ngay khi sự việc xảy ra các cơ quan chức năng thu được 18 vỏ chai nhưng các chai không còn giọt nước nào. Hiện, Chi cục đang phối hợp để điều tra làm rõ.
Theo ông Nguyễn Văn Toản, vào dịp hè oi bức, nhu cầu sử dụng nước giải khát của người dân là rất lớn. Đặc biệt, 6 tháng trở lại đây, học sinh tiểu học, học sinh THCS sử dụng nhiều sản phẩm nước uống có màu xanh, đỏ, tìm, vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Gần nhất có vụ việc học sinh tại quận Lê Chân cũng có biểu hiện ngộ độc cũng do uống chai nước ngọt được bạn học cho nhưng không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm khuyên người dân nên có những hiểu biết nhất định khi chọn mua những thực phẩm, nhất là mua hàng qua mạng. Tất cả thực phẩm đồ ăn, đồ uống (trừ đồ ăn nhanh chế biến trong ngày) đều phải có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ. Thực phẩm được phép lưu hành trên thị trường phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, tự công bố chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam, nơi sản xuất, thời gian, sản xuất, hạn sử dụng, chế độ bảo quản cũng như cách sử dụng như thế nào.
Đối với học sinh không dùng những đồ ăn thức uống bán ở những nơi công cộng không có hồ sơ xuất xứ nguồn gốc, những cơ sở không được kiểm soát vệ sinh thực phẩm. Đối với người tiêu dùng, trước khi sử dụng sản phẩm nào đấy, phải đọc tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách sử dụng đặc biệt phải bảo quản đúng quy cách nhà sản xuất đưa ra.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều mặt hàng, đặc biệt đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, thậm chí làm giả nhãn mác, thương hiệu của các hãng nổi tiếng. Vì thế, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Toản khuyên, tốt nhất, người tiêu dùng nên tìm đến các địa chỉ uy tín để mua như các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đối với những thực phẩm được cấp phép cũng vẫn khó để khẳng định là hàng chính hãng hay hàng nhái khi trải qua quá trình vận chuyển (ship hàng).
Ông Toản cũng cho hay, sắp tới Chi cục VSATTP sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn.