Chuẩn bị cho HS ăn bán trú: An toàn thực phẩm, phòng dịch đặt lên hàng đầu

GD&TĐ - Trong tâm thế sẵn sàng đón HS, các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú trên địa bàn TP Hà Nội đã chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chí bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng dịch hiệu quả.

Ban đại diện cha mẹ HS giám sát thực phẩm trước khi đưa vào chế biến. Ảnh minh họa
Ban đại diện cha mẹ HS giám sát thực phẩm trước khi đưa vào chế biến. Ảnh minh họa

Học sinh ăn trưa tại lớp

Với khoảng 90% HS ăn bán trú tại trường, từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) lựa chọn Công ty TNHH Hương Việt Sinh là đơn vị phục vụ bữa ăn bán trú cho HS.

Theo cô Nguyễn Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng nhà trường, để cha mẹ HS hiểu rõ về nguồn gốc thực phẩm con em ăn hàng ngày, nhà trường tổ chức chuyến tham quan các trang trại trồng rau,củ, quả an toàn, trang trại lợn, quy trình giết mổ lợn, sản xuất bún, bánh phở, làm giá đỗ, đậu phụ.... của công ty tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm. Nhà trường đã thành lập Ban phụ trách công tác bán trú trong đó có thành viên là đại diện cha mẹ học sinh. Ban phụ trách công tác bán trú, hàng ngày giám sát việc giao nhận thực phẩm sống, chín, giám sát quy trình chế biến tại bếp bán trú. Ngoài việc kiểm tra định kỳ của Ban phụ trách công tác bán trú, Ban đại diện cha mẹ HS còn thường xuyên kiểm tra đột xuất việc giao nhận thực phẩm và quy trình chế biến suất ăn của nhà bếp.

Bên cạnh đó, bếp ăn của nhà trường cũng được trang bị đầy đủ dụng cụ bằng inox 304 như bàn chế biến thực phẩm, hệ thống bồn rửa rau theo quy trình 3 bước rửa thô, rửa tinh, sục ozone; tủ lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, tủ nấu cơm tự động... Dụng cụ chế biến thực phẩm sau khi rửa sạch được đưa vào tủ sấy khô. Cô Mai cho biết: Từ năm học 2019 - 2020, bếp bán trú của nhà trường được trang bị hệ thống máy rửa bát tự động sử dụng nước nóng, không sử dụng chất tẩy rửa.

Năm học 2020 - 2021, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường lên phương án cho HS ngồi ăn giãn cách, không tổ chức cho học sinh ăn ở nhà ăn tập thể mà tổ chức cho học sinh ăn tại lớp. Bữa cơm bán trú được đưa tới cửa lớp. Nhân viên bán trú tại lớp không phải đi lấy thức ăn cho HS để hạn chế tiếp xúc.

Nhân viên nhà bếp vệ sinh sấy khô khay, bát. Ảnh minh họa
Nhân viên nhà bếp vệ sinh sấy khô khay, bát. Ảnh minh họa

Ăn theo ca

Với tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho HS ăn bán trú tại trường, cô Đỗ Thị Kim Huế – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho hay: Trường có khoảng 700 - 800 HS ăn bán trú. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ những năm trước nhà trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm có giấy phép, hồ sơ năng lực được phòng y tế của huyện thẩm định. Hàng ngày, Ban đại diện cha mẹ HS phối hợp với nhà trường giám sát khâu giao nhận thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng mới giao cho nhân viên chế biến. Nhân viên nấu ăn đều được tập huấn thường xuyên và có chứng nhận về sức khỏe. Từ năm học này, nhà trường làm thẻ để Ban đại diện cha mẹ HS có thể vào trường giám sát đột xuất từ khi giao nhận thực phẩm, chế biến thức ăn, đến lúc HS ăn, vệ sinh lớp học sau ăn…

Bên cạnh việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho HS, công tác phòng dịch Covid-19 cũng được nhà trường chú trọng. Mỗi sáng, nhân viên nhà bếp được đo nhiệt độ; khu vực bếp được trang bị đầy đủ nước sát khuẩn rửa tay. Trước khi chế biến thực phẩm, nhân viên nhà bếp sẽ tiến hành lau chùi dụng cụ, sàn bếp.

Khi HS đến trường ăn bán trú, trước và sau khi ăn, nhà trường đều khử khuẩn lau bàn ghế; chia ăn theo khung thời gian, khối lớp 1, 2 sẽ ăn sớm hơn khối lớp 3, 4, 5 để bảo đảm giãn cách. “Trong thời gian dịch bệnh, nhà trường động viên, khuyến khích phụ huynh HS có điều kiện đưa con về nhà ăn trưa, trường hợp nếu phụ huynh không lo được, nhà trường tạo mọi điều kiện cho HS ăn bán trú tại trường”, cô Huế cho biết.

Là trường có số lượng HS ăn bán trú đông, cô Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Khi HS đi học, các lớp học sẽ được tổ chức vệ sinh khử khuẩn hàng ngày vào cuối buổi học. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục bổ sung  trang thiết bị theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội đề ra như: Máy đo thân nhiệt tự động, nhiệt kế cảm ứng, nước rửa tay diệt khuẩn, định vị các khoảng cách tại sân trường, trước cửa nhà vệ sinh, lắp bổ sung vòi nước rửa tay (tổng số vòi toàn trường hiện có là 118 cái).

Về công tác chuẩn bị cho HS ăn bán trú, cô Thúy thông tin: Nhà trường lên phương án chia HS ăn tại nhà ăn và lớp, vị trí ngồi ăn một chiều và giãn cách theo quy định, phù hợp với thực tế và bố trí theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người.

Để bảo đảm an toàn cho HS trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về việc phòng, chống dịch Covid-19 đầu năm học 2020 - 2021. Theo đó, với các trường có tổ chức ăn bán trú, không tổ chức ăn tập trung đông người, nên tổ chức chia làm nhiều đợt. Thực hiện ăn chín, uống sôi, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ