Thói quen xấu khi tham gia giao thông

GD&TĐ - Hàng ngày khi đi đường, tôi thường nhìn thấy có không ít người thể hiện thói quen xấu khi tham gia giao thông. Nhiều nhất, dễ thấy nhất vẫn là thói quen tùy tiện khi dừng chờ tín hiệu đèn giao thông, khi rẽ sang đường… theo ý muốn tùy tiện mà không hề để ý, tôn trọng người khác.

Thói quen xấu khi tham gia giao thông

Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định của pháp luật… chỉ diễn ra khi có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát giao thông. Thế nhưng, lực lượng này không thể hiện diện hết trên các tuyến đường. Khi đó, tình hình trật tự rất lộn xộn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ô tô đỗ cách khu vực ngã ba hay ngã tư đường chỉ khoảng vài mét, chiếm đến hơn một phần ba làn đường; điều khiển mô tô, xe máy đi thẳng vào đường ngược chiều; dừng xe lấn hẳn sang phần đường dành cho chiều ngược lại khi chờ tín hiệu đèn giao thông… là điều rất dễ nhìn thấy. Chưa kể, tình trạng thường gặp nhất trên đường, đó là: Vượt đèn tín hiệu vàng, thậm chí là khi mới chuyển sang đèn đỏ ở rất nhiều ngã tư đường, khi người ta cố cho phương tiện vượt đi.

Một biểu hiện cho sự tùy tiện khác, đó là điều khiển phương tiện đi ngược chiều. Nhiều người điều khiển xe máy thường có tâm lý: Tranh thủ đi ngược chiều một đoạn đường cũng không sao, đỡ phải đi vòng mất thời gian lắm. Không ít người đi ngược chiều không chỉ một đoạn, mà họ còn đi cả khúc đường dài cả một vài cây số, khiến không chỉ ảnh hưởng cho các phương tiện giao thông đúng chiều, mà còn nguy hiểm cho tính mạng của chính người đi ngược chiều. Chính vì sự tùy tiện không chịu tuân thủ chấp hành luật lệ giao thông của nhiều người nên số vụ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.

Rồi nữa, một vấn đề cực kỳ bức xúc trong những năm gần đây, đó là tình trạng hễ dưới lòng đường có dấu hiệu tắc đường kẹt xe một chút là không ít người không chịu chờ đợi, mà họ cho xe leo lên vỉa hè để vượt đi, khiến cho khách bộ hàng bị khốn khổ vì bị chiếm lối đi. Chẳng vậy mà có khá nhiều vụ tai nạn hi hữu khi người đi bộ trên vỉa hè cũng bị xe tông làm gãy chân tay, chấn thương!

Một thói quen xấu nữa không thể không kể tới, đó là khi tham gia giao thông nhiều người chạy xe máy đã cố tình vi phạm luật khi chở theo 2, thậm chí “kẹp” 3 người. Việc chở quá số người theo quy định, cũng như chở hàng hóa cồng kềnh trên xe làm che khuất tầm quan sát cũng là một trong các nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông...

Thiết nghĩ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên thay đổi thói quen tùy tiện của mình; cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, như: Dừng đúng phần đường khi chờ đèn tín hiệu giao thông; không đi ngược chiều, không cho xe leo vỉa hè… để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vì hạnh phúc của chính mình và của mọi người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ