Bảo đảm quản lý hiệu quả các dự án BOT giao thông

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục đầu tư xây dựng, quản lý khai thác có hiệu quả các dự án BOT giao thông, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn các địa phương.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội, chúng ta đã tạo được diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ và hàng không.

Các công trình giao thông đã từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tăng năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành một số dự án BOT thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí.

Việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu vẫn là chỉ định thầu, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế; công tác huy động vốn còn nhiều tồn tại; thời gian thi công một số công trình còn kéo dài, chất lượng một số công trình chưa đạt yêu cầu; công tác khai thác, vận hành công trình chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: Hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, hợp đồng BOT nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, thiếu kinh nghiệm, hiệu quả chưa cao; quy hoạch trạm thu phí chưa khoa học;...

Để kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh, được dư luận quan tâm, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP); giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh, cho phép triển khai thí điểm hình thức thu phí không dừng,...

Các Bộ, ngành và các địa phương liên quan đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, liên quan đến việc xây dựng và quản lý khai thác các dự án BOT giao thông như: tính toán lại và rà soát quyết toán của tất cả các dự án để tính lại thời gian thu phí; rà soát lại toàn bộ hệ thống trạm thu phí để xử lý những bất cập, bố trí lại một số trạm thu phí cho hợp lý,...

Để tiếp tục đầu tư xây dựng, quản lý khai thác có hiệu quả các dự án BOT giao thông, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, địa phương làm cơ sở kế hoạch hoá đầu tư theo giai đoạn; tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, trong đó có đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là cơ chế huy động vốn của các tổ chức tín dụng cho phát triển hạ tầng giao thông; các chính sách đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để hỗ trợ cho việc giảm thời gian thu phí của các dự án.

Đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng các công trình giao thông, rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư và kiểm soát chất lượng các dự án hạ tầng giao thông từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, thiết kế, thi công, nghiệm thu, kiểm toán, khai thác sử dụng…

Trong đó phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí… nhằm bảo đảm quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với các Bộ,cơ quan và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát tất cả các dự án BOT đã và đang đầu tư, bảo đảm chính xác về khối lượng và chi phí, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, từ đó xác định chính xác thời gian thu, giá dịch vụ; đồng thời, rà soát vị trí đặt trạm để khẳng định những vị trí phù hợp hoặc chưa phù hợp theo quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải quản lý tốt công tác khai thác, sử dụng các công trình giao thông, đặc biệt công tác quản lý việc thu phí, kiểm soát giá phí.

Cụ thể, phải chủ động cung cấp thông tin đầy đủ về đầu tư các công trình giao thông nói chung, các dự án BOT nói riêng, chỉ rõ mặt được và những tồn tại; nêu rõ quan điểm của Bộ Giao thông vận tải về các ý kiến khác nhau qua phản ánh của dư luận, đặc biệt là vấn đề tổng mức đầu tư, vị trí trạm thu phí và mức giá phí;

Cần chủ động tham vấn ý kiến của các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp để đưa ra cơ sở khoa học và thực tiễn trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT; chủ động làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông về các nội dung cần tuyên truyền, đặc biệt là các vấn đề đang được dư luận quan tâm;

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu giá dịch vụ theo hình thức điện tử tự động không dừng trên tất cả các trạm thu phí BOT trên toàn quốc; tổng hợp, rà soát lại phương án đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho phù hợp, bảo đảm đặt đúng vị trí của dự án trên cơ sở đánh giá tổng thể, khách quan, khoa học, công bằng giữa các nhóm đối tượng...

Xử lý nghiêm hành vi gây rối tại các trạm thu phí

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm quản lý chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả đầu tư các dự án PPP. Nghiên cứu, quy định cụ thể quyền lựa chọn của người sử dụng hạ tầng, dịch vụ trong chính sách đầu tư PPP.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (trong đó nghiên cứu, đánh giá sự hợp lý, cơ sở khoa học của quy định khoảng cách giữa hai trạm).

Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ để chống ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.