Cụ thể, mức thấp nhất đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25.000 đồng/lượt thay vì 35.000 đồng/lượt như trước đây. Mức cao nhất đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit là 140.000 đồng/lượt thay vì 180.000 đồng/lượt như trước đây.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, sáng 17/10, trạm BOT Biên Hòa vẫn chưa thu phí trở lại, các phòng vé vẫn đóng kín cửa, phương tiện tự do qua lại.
Trả lời PV sáng 17/10, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Trịnh Tuấn Liêm cho biết, chưa biết chắc chắn khi nào BOT Biên Hòa sẽ thu phí trở lại. Khi nào thu lại sẽ thông tin chính thức sau.
Hơn một tháng qua, cho rằng việc đặt trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà trên quốc lộ 1 là sai vị trí, nhiều tài xế đã liên tục phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm. Việc dùng tiền lẻ trả phí khiến giao thông tại khu vực trạm BOT ách tắc nghiêm trọng, chủ đầu tư buộc phải xả trạm.
Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa được đưa vào hoạt động từ năm 2014. Vấn đề khiến người dân phản đối ở trạm BOT Biên Hoà là thu phí đường tránh nhưng lại đặt trạm trên quốc lộ 1, cách tuyến đường tránh khoảng 10 km. Việc thu phí vô lý này đã diễn ra hơn 3 năm nay khiến người dân bức xúc.
Theo Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận (chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Biên Hoà), địa điểm đặt trạm đã được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đồng ý. Dự án được đơn vị này thực hiện gồm việc xây dựng đường tránh dài hơn 12 km và xây dựng, cải tạo nền, cải tạo mặt quốc lộ 1 với chiều dài 10 km, tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 10 năm.