Mở điện bình nóng lạnh khi tắm
Đây là thói quen của rất nhiều người khi tắm vì cho rằng bình nóng lạnh có rơ le tự ngắt điện nên sẽ đảm bảo an toàn ngay cả khi vẫn mở điện.
Thực tế, rơ le chỉ có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ cho nước trong bình. Khi nhiệt độ nước thấp thì rơ le sẽ cấp điện để làm nóng lại và khi nhiệt độ nước đã đủ cao thì rơ le sẽ ngừng cấp điện. Do đó, rơ le không hề có tác dụng ngăn chặn dòng điện truyền vào nước khi tắm.
Hơn nữa, sau một thời gian dài sử dụng, các thiết bị trong bình có thể bị hỏng hóc dẫn đến việc điện bị rò rỉ. Nếu không ngắt điện, rất có thể sẽ dẫn đến giật điện, gây nguy hiểm chết người.
Bật bình nóng lạnh 24/24.
Nhiều người cho rằng bình nóng lạnh không dùng sẽ tự ngắt điện và để tránh việc bật lên bật xuống nhiều lần làm tốn điện nên thường có thói quen bật bình nóng lạnh 24/24.
Tuy nhiên đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, việc bật bình liên tục trong ngày sẽ làm bào mòn lớp cách điện, làm tăng khả năng rò điện ra bên ngoài.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như duy trì độ bền lâu của bình, nên bật bình trước khi sử dụng khoảng 30-45 phút. Khi tắm thì ngắt điện để tránh các sự cố rò rỉ điện gây giật.
Không dùng dây nối tiếp đất cho bình
Khi lắp đặt bình nóng lạnh, rất ít gia đình chú ý tới dây nối tiếp đất trong khi đây là một bộ phận quan trọng giúp tránh rò rỉ điện từ bình và giảm nguy cơ giật điện.
Sử dụng bình nóng lạnh an toàn
- Cẩn thận khi sử dụng nước nóng vào mùa đông, đặc biệt trong nhà có trẻ nhỏ. Nhiệt độ nước từ 48 độ trở lên có thể gây bỏng nên chú ý giữ các bé tránh xa vòi nước vào mùa đông.
- Bình nóng lạnh cần được bảo trì hàng năm để hoạt động tốt. Những bình nước sử dụng lâu ngày có nguy cơ rò rỉ điện cực kì nguy hiểm. Trước mỗi mùa đông, gia đình cần thuê thợ kiểm tra hoặc dùng bút thử điện chạm vào vòi nước bằng sắt ở gần bình nhất.
- Giữ cho khu vực xung quanh bình đun nước nóng sạch sẽ và không có các vật liệu dễ cháy.
- Khi cả gia đình đi vắng, cần tắt bình nóng lạnh để tránh gây ra chập cháy.
- Tắt bình nóng lạnh trước khi sử dụng để tránh các nguy cơ bị điện giật.
Theo tiến sĩ Trần Văn Thịnh, bộ môn Thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội, bình nóng lạnh là một trong những thiết bị gây tốn nhiều điện cho sinh hoạt gia đình trong mùa đông. Điều này khá dễ hiểu, để đun được một thùng nước lạnh (khoảng 20-30 lít) cần mất nhiều điện.
Dù bình bật liên tục thì nhiệt trong bình cũng sẽ giảm dần (do tỏa nhiệt ra môi trường xung quanh, cũng như phích nước để qua đêm đông sẽ bớt nóng hơn nhiều). Khi đó, theo quy tắc, bình lại đun để đạt đến nhiệt độ nào đó, và mỗi lần như vậy rất tốn điện.
Tiến sĩ Thịnh cho rằng, cũng như bất cứ thiết bị điện nào, yếu tố đầu tiên cần quan tâm khi sử dụng bình nóng lạnh là bảo đảm tính an toàn, sau đó mới tính chuyện tiết kiệm.
Những bình nóng lạnh dùng lâu dễ bị rò điện ra vỏ, ra đường ống. Vì thế, nên ngắt điện trước khi sử dụng bình để tránh gặp phải nguy cơ bị điện giật. Đặc biệt, với các loại bình đời cũ không có rơle ngắt điện tự động và bình đã sử dụng quá lâu thì hệ thống này thường không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đã có không ít cái chết thương tâm từ việc không ngắt bình nóng lạnh.
Theo ông, để kiểm tra bình nóng lạnh nhà mình có bị rò điện hay không, trước khi dùng nước nóng, thử đụng mu bàn tay hay tốt nhất là dùng bút thử điện chạm vào vòi nước bằng sắt ở gần bình nhất. Khi đã bật vòi, bước vào phòng tắm rồi mà điện rò thì không còn kịp tránh nữa.