Bệnh than

GD&TĐ - Mỗi lần thấy số máy của anh Than hiện hình trên điện thoại, là tôi lại muốn ngắt máy, dù biết làm thế là thất lễ với anh. Nhưng nếu tôi nghe cuộc gọi của anh, thì lập tức tôi sẽ mất ít nhất nửa tiếng vàng ngọc để nghe anh than thở. Tôi gọi anh là người mắc căn bệnh thời đại: Bệnh than!

Bệnh than

Quả thực thời nay có nhiều người cứ mở miệng là than. Bệnh than là bệnh dễ lây lan nhất. Khi chị mở lời than, thì em than, anh than, cô bác cũng chen miệng vào than. Người ta có bao nỗi cần than thở: Nào là lương thấp, sếp ngu, con lười biếng, vợ tiêu hoang, chồng nghiện ngập, hàng xóm xấu bụng, thức ăn ô nhiễm độc hại…

Tôi đang nghĩ tới đây thì lại thấy điện thoại nhấp nháy số máy anh Than. Bệnh than quả là nguy hại, chỉ cần mới nghĩ đến nó là nó tới ngay tắp lự. Tôi bật máy lên nghe, thì anh Than hỏi:

- Anh đau bao tử quá cô ạ. Cô xem có lấy được loại thuốc của bà lang hàng xóm nhà cô cho anh không, anh sẽ đến tìm cô ngay.

- Sao anh không bảo vợ anh đi lấy thuốc cho anh, em đã cho chị ấy số điện thoại rồi cơ mà!

- Trời ơi, cô còn không hiểu vợ anh sao? Bà ấy chỉ muốn bỏ thuốc độc cho anh chết ngay thì bà ấy mới hài lòng chứ, làm gì có chuyện bà ấy đi lấy thuốc chữa bệnh cho anh? Bà ấy đi lễ chùa với bạn rồi, có ở nhà đâu em. Chắc kiếp trước anh nợ bà ấy cái gì nên kiếp này anh lấy phải bà vợ vừa lắm điều vừa lười biếng lại chuyên móc túi chồng. Anh chẳng còn xu nào em ạ. Quỹ đen của anh bà ấy cũng moi ra bằng được. Tại sao lại có loại đàn bà gớm ghê, nghĩ đến anh đã sởn gai ốc. Cuộc đời chán quá em ạ…

“Bài ca than thở” của anh cứ thế kéo dài. Tôi phải bật loa lên để có thể vừa nghe điện thoại, vừa tranh thủ thu dọn bếp cùng con gái.

Anh vẫn đang than tiếp thì điện thoại tôi hết pin. Tôi chẳng muốn sạc pin nữa để khỏi nghe anh than thở. Con gái tôi bảo:

- Mẹ này, liệu mẹ có chữa được bệnh than cho bác ấy không?

- Mẹ không dám chắc – Tôi trả lời.

- Thế thì tại sao mẹ lại cứ cầm điện thoại nghe bác ấy than làm gì? Bác ấy đang tỏa ra thứ năng lượng xấu và nó ám vào mẹ, lây lan sang mẹ làm mẹ mệt tinh thần đó, mẹ biết không?

- Ừ thì mẹ cũng biết thế. Nhưng mẹ nể bác ấy quá.

- Cả nể cũng là thứ bệnh hại người ta không kém gì bệnh than đâu mẹ. Con thấy bạn nào mắc bệnh than, con bảo họ phải ngừng, nếu không ngừng thì cắt quan hệ. Bởi nếu tiếp tục chơi với họ, mà mình không thay đổi được họ, thì sớm muộn mình nhiễm bệnh than theo họ thôi.

- Vậy bạn của con toàn những người tích cực?

- Đúng thế, không nhiều lắm, chỉ 5 người thôi. Nhưng chúng con có quy tắc, là chỉ nói những điều tích cực, vui vẻ, đem lại động lực phát triển bản thân và sống hạnh phúc. Kể cả có chuyện tồi tệ xảy ra thì cũng không than thở, mà phải nhìn chuyện đó ở những góc nhìn khác để tìm ra giải pháp thông thái, để sửa chữa hoặc phát triển lên.

Tôi mừng vì con gái tư duy được như thế. “Thay lời thì đổi đời”. Hãy quan sát mà xem, xung quanh bạn, người nào mang nét mặt tươi vui, luôn nói những điều tích cực, thì họ dường như luôn gặp may mắn, đạt hết thành công này tới thành công khác. Còn những người nét mặt u ám, mở miệng ra là than thở, mắc bệnh than trầm trọng, thì dường như họ luôn gặp tai ương, cuộc đời họ toàn thất bại.

Là bởi vì, lời bạn nói ra ám vào tiềm thức bạn, thúc giục bạn hành động theo lời nói đó. Vậy nên, chớ mắc bệnh than để đời tàn rụi. Hãy tươi cười hàng ngày, nói những điều tốt đẹp. Và khi ai đó hỏi:

- Ngày hôm nay của bạn thế nào?

Thì bạn hãy trả lời:

- “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.