Thời gian 'vàng' tập thể dục hỗ trợ phòng ngừa ung thư và đột quỵ

GD&TĐ - Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, giúp ngăn ngừa lão hóa, phòng nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý đến thời gian tập.

Những người mắc bệnh tim mạch vành và cao huyết áp nên cẩn thận hơn khi tập thể dục buổi sáng. (Ảnh: ITN)
Những người mắc bệnh tim mạch vành và cao huyết áp nên cẩn thận hơn khi tập thể dục buổi sáng. (Ảnh: ITN)

Theo giới chuyên gia, tập thể dục từ 8 đến 10 giờ sáng là tốt nhất để phòng bệnh.

Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, mạch máu não

Tháng 11 năm 2022, một nghiên cứu quy mô lớn bao gồm hơn 86.000 người được công bố trên "Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu" cho thấy rằng bất kể tổng lượng hoạt động thể chất hàng ngày, việc tập thể dục buổi sáng (khoảng 8 đến 10 giờ sáng) đều có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và đột quỵ thấp nhất.

Theo đó, những người tập thể dục trong khoảng thời gian này giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành 16% và nguy cơ đột quỵ 17%.

Ngăn ngừa ung thư

Trước đây, một nghiên cứu bệnh chứng đăng trên “Tạp chí Ung thư Quốc tế” cho thấy so với những người không tập thể dục, tập thể dục lúc 8 đến 10 giờ sáng có tác dụng bảo vệ ung thư vú và tuyến tiền liệt, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh này khoảng 26% - 27%.

2 nhóm người không nên tập thể dục quá sớm

Cần lưu ý, nhiệt độ thấp vào sáng sớm mùa lạnh có thể kích thích hưng phấn thần kinh giao cảm, tăng cường co thắt mạch máu, dễ gây biến động huyết áp và gây cấp cứu tim mạch.

Vì vậy, những người mắc bệnh tim mạch vành và cao huyết áp nên cẩn thận hơn, không nên tập thể dục vào sáng sớm, tốt nhất nên sắp xếp thời gian tập thể dục trong khoảng từ 4 giờ chiều đến 6 giờ chiều.

Lưu ý 3 điều khi tập thể dục buổi sáng

2-tot-nhat-khong-nen-nhin-an-1926.jpg
Tốt nhất không nên nhịn ăn hoàn toàn trước khi tập. (Ảnh: ITN)

Đừng để bụng đói

Tốt nhất không nên nhịn ăn hoàn toàn trước khi tập, cũng không nên ăn quá nhiều. Bạn có thể uống nước và ăn một số thực phẩm chứa carbohydrate như bánh ngọt để bổ sung năng lượng. Tập thể dục buổi sáng khi bụng đói có thể dễ dàng dẫn đến rối loạn nhịp tim, thậm chí đột tử.

Đừng ngủ thêm sau khi tập thể dục

Một số người có thói quen “ngủ lại” sau khi tập thể dục. Trên thực tế, điều này có hại cho sức khỏe. Khi tập thể dục buổi sáng, các hoạt động của cơ, khớp và xương của con người tăng tốc, tim bơm máu nhanh hơn, máu lưu thông nhanh hơn nếu sau khi tập thể dục mà đi ngủ sẽ dễ gây thiếu máu cục bộ, thiếu oxy ở tim, não, phổi, gây bất lợi cho việc phục hồi chức năng tim phổi.

Ngoài ra, việc “ngủ lại” sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ về đêm, khiến bạn buồn ngủ hơn vào ban ngày, hình thành một vòng luẩn quẩn.

Ngừng tập nếu cảm thấy không khỏe

Việc tập thể dục cần phải được xác định theo tình hình cụ thể của từng cá nhân. Nếu bạn cảm thấy không khỏe, chẳng hạn như bị cảm, sốt và các triệu chứng khác, hoặc nếu một số bệnh đang ở giai đoạn cấp tính hoặc khởi phát, bạn nên tránh tập thể dục. Những người ngủ kém ngày hôm trước cũng nên tạm dừng tập thể dục.

5 môn thể thao mùa lạnh bạn không thể bỏ lỡ

Đi bộ

Người trung niên, người già và thanh niên có thể lực tốt thích hợp đi bộ nhanh, tốc độ 5 đến 6 km/h và khoảng 120 bước/phút.

Người cao tuổi thể chất yếu nên chọn cách đi bộ chậm, khoảng 80 bước/phút, tốc độ 2 đến 3 km/giờ.

Giãn cơ

Điều tốt nhất nên làm trong mùa lạnh và chớm lạnh là giãn cơ để đánh thức cơ thể. Tốt nhất là người trẻ nên tập yoga, người già nên tập khí công.

Chạy bộ

Chạy bộ có thể làm tăng sự hấp thụ oxy, giảm huyết áp, loại bỏ mỡ trong cơ thể và cải thiện chức năng tim.

Leo núi

Leo núi là một bài tập aerobic tuyệt vời có thể giúp giảm căng thẳng khi tập luyện. Tuy nhiên, những người thừa cân và khớp gối yếu nên giảm số lượng và thời gian leo núi, đồng thời sử dụng gậy trekking để giúp chia sẻ trọng lượng và giảm gánh nặng cho khớp gối.

Thả diều

Sự phối hợp tay mắt khi thả diều có thể thông kinh, điều hòa khí huyết, bồi bổ cơ thể. Động tác ngửa cổ giúp duy trì sự căng cơ của đốt sống cổ và cột sống, đồng thời thư giãn các cơ cổ.

Cần lưu ý, người trung niên, người già và người mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ không nên tựa lưng quá lâu.

Theo njglyy.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ