Đặt mục tiêu trong việc nuôi dạy con

GD&TĐ - Làm cha mẹ là một trong những vai trò đầy thử thách. Phụ huynh nào cũng muốn điều tốt nhất cho con mình.

Các mục tiêu có thể đạt được là thực tế và nằm trong tầm kiểm soát của phụ huynh. Ảnh: INT
Các mục tiêu có thể đạt được là thực tế và nằm trong tầm kiểm soát của phụ huynh. Ảnh: INT

Song, đôi khi trách nhiệm hằng ngày có thể khiến các cha mẹ quên mất mục tiêu nuôi dạy con lâu dài. Đây chính là lúc việc đặt ra các mục tiêu nuôi dạy con hiệu quả phát huy tác dụng.

Hiểu về các mục tiêu nuôi dạy con

Mục tiêu nuôi dạy con là các mục tiêu hoặc mục đích cụ thể mà cha mẹ đặt ra để định hướng cách tiếp cận trong việc giáo dục trẻ. Những mục tiêu này đóng vai trò như một lộ trình, giúp cha mẹ điều hướng hành trình nuôi dạy con phức tạp với mục đích và định hướng rõ ràng. Chúng bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ, bao gồm thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức.

Đặt ra mục tiêu nuôi dạy con là rất quan trọng. Bởi, mục tiêu mang lại sự rõ ràng và tập trung, cho phép cha mẹ ưu tiên các nỗ lực và nguồn lực của mình. Thay vì cảm thấy choáng ngợp trước vô số lời khuyên nuôi dạy con và kỳ vọng của xã hội, việc có mục tiêu rõ ràng giúp các phụ huynh đưa ra quyết định phù hợp với giá trị và nguyện vọng của gia đình.

Đồng thời, mục tiêu nuôi dạy con thúc đẩy sự nhất quán trong các hoạt động giáo dục trẻ. Khi cha mẹ có mục tiêu được xác định rõ ràng, họ có nhiều khả năng duy trì cách tiếp cận nhất quán. Điều này rất cần thiết cho cảm giác an toàn và hiểu biết về ranh giới của trẻ. Sự nhất quán này cũng giúp giảm căng thẳng và xung đột của cha mẹ. Bởi, cả cha và mẹ có thể cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung.

Việc đặt ra mục tiêu nuôi dạy con khuyến khích sự suy ngẫm và phát triển. Điều đó thúc đẩy cha mẹ thường xuyên đánh giá các chiến lược nuôi dạy con của mình và xác định lĩnh vực cần cải thiện. Quá trình đánh giá và điều chỉnh liên tục này thúc đẩy tư duy phát triển ở cả cha mẹ và con. Từ đó, tạo ra động lực gia đình tích cực tập trung vào việc học tập và phát triển liên tục.

Các loại mục tiêu

Mục tiêu nuôi dạy con có thể được chia thành ba loại chính: Hành vi, phát triển và mối quan hệ. Hiểu được các loại này có thể giúp cha mẹ tạo ra một phương pháp toàn diện để nuôi dạy con.

Mục tiêu về hành vi tập trung vào việc định hình hành động và thói quen của trẻ. Những mục tiêu này thường đề cập đến những hành vi cụ thể mà cha mẹ muốn khuyến khích hoặc ngăn cản. Ví dụ, bao gồm dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ lịch sự, thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh hoặc giảm thời gian sử dụng màn hình. Mục tiêu về hành vi thường là thứ cụ thể và dễ đo lường nhất. Do đó, chúng được coi là điểm khởi đầu tốt cho phụ huynh mới bắt đầu đặt mục tiêu.

Mục tiêu phát triển nhằm hỗ trợ sự phát triển của trẻ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thể chất, nhận thức, cảm xúc và xã hội. Những mục tiêu này thường phù hợp với các mốc phát triển và kỹ năng ở từng độ tuổi. Ví dụ, cha mẹ có thể đặt mục tiêu giúp trẻ mới biết đi phát triển các kỹ năng vận động tinh, khuyến khích trẻ trong độ tuổi đi học tự đọc hoặc hỗ trợ trẻ vị thành niên phát triển kỹ năng quản lý thời gian. Mục tiêu phát triển yêu cầu cha mẹ phải hiểu được khả năng hiện tại của con mình. Từ đó, đưa ra những thử thách và hỗ trợ phù hợp.

Mục tiêu về mối quan hệ tập trung vào việc nuôi dưỡng các mối quan hệ bền chặt, tích cực trong gia đình. Những mục tiêu này nhấn mạnh vào việc xây dựng lòng tin, cải thiện giao tiếp và thúc đẩy mối quan hệ tình cảm. Ví dụ, bao gồm dành thời gian riêng tư chất lượng cho từng trẻ, tạo ra truyền thống gia đình hoặc cải thiện kỹ năng giải quyết xung đột. Mục tiêu về mối quan hệ rất quan trọng để tạo ra một môi trường gia đình hỗ trợ thúc đẩy sức khỏe tổng thể và khả năng phục hồi ở trẻ em. Bằng cách đặt mục tiêu, cha mẹ có thể giải quyết mọi khía cạnh trong quá trình phát triển và trưởng thành của con mình, cũng như củng cố các mối quan hệ gia đình.

dat muc tieu trong viec nuoi day con (1).png
Mục tiêu nuôi dạy con có thể được chia thành ba loại chính: Hành vi, phát triển và mối quan hệ.

Đặc điểm của nuôi dạy con hiệu quả

Mục tiêu nuôi dạy con hiệu quả có chung một số đặc điểm khiến phụ huynh có khả năng đạt được hơn và có tác động tích cực đến cuộc sống gia đình. Một khuôn khổ hữu ích để tạo ra các mục tiêu nuôi dạy con mạnh mẽ là tiêu chí: Cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, có liên quan và có giới hạn thời gian.

Các mục tiêu cụ thể xác định rõ ràng những gì phụ huynh muốn đạt được. Thay vì một mục tiêu mơ hồ như trở thành cha mẹ tốt hơn, một mục tiêu cụ thể có thể là “dành 15 phút thời gian riêng tư với trẻ mỗi ngày”. Các mục tiêu có thể đo lường được cho phép cha mẹ theo dõi tiến trình. Ví dụ: “giảm thời gian sử dụng màn hình của gia đình xuống 30% trong tháng tới” là có thể đo lường được, trong khi “dành ít thời gian hơn cho các thiết bị” thì không.

Các mục tiêu có thể đạt được là thực tế và nằm trong tầm kiểm soát của phụ huynh. Đặt mục tiêu cao là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, việc đặt ra những mục tiêu không thể đạt được có thể dẫn đến sự thất vọng. Ví dụ, “đảm bảo con tôi không bao giờ gặp thất bại” là không thực tế. Tuy nhiên, “dạy con tôi các chiến lược đối phó với sự thất vọng” là điều có thể đạt được. Các mục tiêu có liên quan phải phù hợp với giá trị và nhu cầu hiện tại của gia đình. Các mục tiêu có giới hạn thời gian cụ thể, tạo ra cảm giác cấp bách và giúp duy trì sự tập trung.

Các mục tiêu nuôi dạy con hiệu quả phải đủ linh hoạt để thích ứng với nhu cầu thay đổi của gia đình. Đồng thời, mục tiêu cần đưa ra định hướng rõ ràng cho các nỗ lực nuôi dạy con của phụ huynh.

dat muc tieu trong viec nuoi day con (1).jpeg
Phụ huynh cần thống nhất trong cách nuôi dạy con. Ảnh: INT

Cách thiết lập và ưu tiên các mục tiêu

Việc thiết lập và ưu tiên các mục tiêu nuôi dạy con bắt đầu bằng việc đánh giá chu đáo những nhu cầu và giá trị của gia đình. Bắt đầu bằng cách suy ngẫm về động lực, điểm mạnh và thách thức hiện tại của gia đình. Xem xét tầm nhìn dài hạn của phụ huynh đối với gia đình và các giá trị muốn truyền đạt cho con mình. Quá trình suy ngẫm này có thể bao gồm các cuộc thảo luận với vợ/chồng. Từ đó, đảm bảo cả hai đều thống nhất trong cách tiếp cận nuôi dạy con.

Tiếp theo, xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Đây có thể là các khía cạnh của cuộc sống gia đình gây ra căng thẳng, những hành vi phụ huynh muốn thay đổi hoặc kỹ năng cha mẹ muốn con mình phát triển. Hãy trung thực về khía cạnh đang gặp khó khăn và yếu tố có cơ hội để phát triển. Việc ghi nhật ký hoặc lập danh sách các quan sát trong một hoặc hai tuần có thể hữu ích để có được bức tranh rõ ràng về tình trạng hiện tại của gia đình.

Khi xác định được các mục tiêu tiềm năng, đã đến lúc ưu tiên chúng. Hãy cân nhắc cả tầm quan trọng và tính cấp thiết khi xếp hạng các mục tiêu. Các mục tiêu quan trọng phù hợp chặt chẽ với giá trị cốt lõi của phụ huynh và có tác động đáng kể dài hạn đến hạnh phúc gia đình. Mục tiêu cấp bách giải quyết các vấn đề cần được quan tâm để ngăn ngừa vấn đề tiếp theo.

Phụ huynh cần tập trung vào một vài mục tiêu chính cùng một lúc, thay vì cố gắng thay đổi mọi thứ cùng một lúc. Hãy bắt đầu với một hoặc hai mục tiêu có mức độ ưu tiên cao. Khi đạt được tiến bộ, phụ huynh có thể dần đưa ra các mục tiêu bổ sung.

Chiến lược để đạt được mục tiêu

Để đạt được mục tiêu nuôi dạy con thành công, cha mẹ cần kết hợp các chiến lược hiệu quả và nỗ lực nhất quán. Trong đó, giao tiếp và hợp tác là nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu nuôi dạy con. Phụ huynh cần duy trì cuộc đối thoại cởi mở, trung thực về mục tiêu và tiến độ. Thường xuyên thảo luận về những thách thức và thành công, sẵn sàng điều chỉnh cách tiếp cận khi cần thiết.

Sự nhất quán là rất quan trọng khi hướng tới mục tiêu nuôi dạy con, đặc biệt là những mục tiêu liên quan đến hành vi. Cha mẹ cần thiết lập kỳ vọng và ranh giới rõ ràng, thực hiện chúng một cách nhất quán. Phụ huynh có thể tạo ra những lời nhắc nhở trực quan, sử dụng biểu đồ thói quen hoặc thiết lập hệ thống khen thưởng cho những hành vi tích cực. Hãy nhớ rằng, sự nhất quán không có nghĩa là cứng nhắc. Thay vào đó, cần có những ngoại lệ hợp lý trong từng tình huống.

Một chiến lược hiệu quả khác là chia nhỏ các mục tiêu lớn thành các bước nhỏ, dễ quản lý hơn. Cách tiếp cận này giúp tiến trình trở nên rõ ràng và duy trì động lực.

Cuối cùng, cha mẹ hãy làm gương về các hành vi và thái độ mà mình muốn thấy ở con. Trẻ em học từ những tấm gương. Vì vậy, việc thể hiện các phẩm chất và kỹ năng mà phụ huynh đang cố gắng truyền đạt có thể hiệu quả hơn là chỉ hướng dẫn bằng lời.

Theo Quenza

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ