Thời điểm virus bệnh dại phát triển mạnh

GD&TĐ - Theo chuyên gia, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng, từ tháng 5 tới tháng 8 hằng năm do thời tiết nóng ẩm làm virus dại phát triển.

Thời tiết nóng ẩm khiến virus dại phát triển mạnh hơn. (Ảnh minh họa)
Thời tiết nóng ẩm khiến virus dại phát triển mạnh hơn. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến tháng 7, cả nước ghi nhận 45 trường hợp tử vong do bệnh dại trong năm nay.

Trong đó, miền Bắc ghi nhận số ca tử vong cao nhất (20 ca) so với các khu vực khác (miền Nam 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca).

Ngày 18/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tiếp nhận thông tin về việc 1 bé trai 6 tuổi ngụ tại huyện miền núi Hướng Hóa tử vong nghi do mắc bệnh dại.

Nạn nhân là cháu H.Đ.P. (6 tuổi, ngụ tại khóm 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa). Trước đó, cháu P. bị một con chó cắn ở gò má phải. Người nhà xử lý vết thương bằng cách dùng nước lã rửa sạch vết cắn.

Sau đó, dùng lá ớt đắp vào vết thương, nhưng không đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh, vaccine kháng dại. Trong thời gian từ khi bị chó cắn đến lúc phát bệnh, cháu P. vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Gần 1 tháng sau, cháu P. bị sốt, sợ nước, sợ gió. Ngày hôm sau, cháu P. sốt cao 39 độ C, co giật, tức ngực, khó thở, nói sảng, sợ uống nước, sợ ánh sáng… Sau đó, người nhà đưa trẻ đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa.

Tại đây, cháu P. được chỉ định chuyển tuyến trên điều trị, nhưng gia đình tự ý đưa cháu về nhà, điều trị bằng thuốc Đông y.

Sau vài ngày điều trị, người nhà thấy cháu P. ngừng thở, tím tái nên lo lắng đưa vào viện. Khi vào bệnh viện, cháu P. đã ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Trao đổi về thực trạng các ca bệnh dại liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây, BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết, bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Gần như 100% bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại.

Tại Việt Nam, việc quản lý nuôi, nhốt chó, mèo còn hạn chế. Chó, mèo không được tiêm phòng dại đầy đủ, không rọ mõm và thường xuyên thả rông. Do đó, nguy cơ người dân tiếp xúc với virus dại khá cao.

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng, từ tháng 5 tới tháng 8 hằng năm do thời tiết nóng ẩm làm virus dại phát triển.

“Đáng lo ngại hơn, hiện nay vẫn còn nhiều người dân có quan niệm vết thương chảy máu mới gây dại.

Hoặc, có quan niệm nguy hiểm rằng, bệnh dại có thể chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc. Có trường hợp còn từ chối tiêm vaccine dại vì sợ làm mất trí nhớ, kém thông minh...”, chuyên gia cho biết.

Bác sĩ khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại.

Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, khi bị vật nuôi cắn, cào, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng 10 - 15 phút và sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn i-ốt.

Sau đó, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vaccine phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại theo tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt, đúng và đủ liều theo phác đồ điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ