Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
40 trường hợp tử vong do dại
Theo Bộ Y tế, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong ở người cao nhất trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Hằng năm, thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2017 - 2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong do dại, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.
Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong).
Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ghi nhận 40 trường hợp tử vong do dại. Số trường hợp tử vong từ năm 2017 - 2021 vẫn tăng ở 20 tỉnh so với giai đoạn 2011 - 2016.
Bộ Y tế phân tích, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là vì người bị động vật dại cắn không tiêm phòng vắc-xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên chó, mèo còn thấp; công tác quản lý chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người, cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất là 70% trong 2 năm liên tiếp. Bộ Y tế nhận định, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.
Nhận diện tình trạng giả dại
Chia sẻ về bệnh dại, BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC - cho biết, khi phát, bệnh sẽ có 2 thể chính. Trong đó, thể viêm não sẽ gây triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn.
Đồng thời, xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ.
Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và tử vong nhanh. Với thể liệt, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ tử vong.
“Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động, âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả dại. Trên thực tế, người bị dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại”, bác sĩ Chính giải thích.
Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó.
Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Bác sĩ Chính cho biết, ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12 - 24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
“Mặc dù hiếm gặp, nhưng y khoa đã ghi nhận trường hợp bệnh dại lây truyền trực tiếp từ người sang người. Các nguy cơ lây nhiễm từ người sang người chủ yếu thông qua vùng da bị tổn thương, niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc dại. Tuy nhiên, việc lây nhiễm dại từ người sang người không phổ biến, chủ yếu trong số đó thông qua các ca ghép tạng”, bác sĩ Chính chia sẻ.
Ngoài ra, đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy bệnh dại xảy ra trên người do uống sữa hay ăn thịt động vật đã nấu chín. Tuy nhiên, những người làm nghề giết mổ gia súc chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận khác nhiễm virus.
“Người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại. Không phải 100% người bị chó cắn đều mắc bệnh dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất”, bác sĩ Chính khuyến cáo.