Song, thực tế, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại.
Những cái chết thương tâm
Sáng 22/3, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó cắn rồi phát bệnh dại. Cả hai trẻ đều đã tử vong.
Trước đó bé L.B.T. (hơn 3 tuổi, ngụ huyện Quế Phong, Nghệ An) xuất hiện các triệu chứng nôn nhiều kèm co giật nên được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến huyện khám.
Bé T. sau đó được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước. Các bác sĩ nhận định bệnh nhi phát bệnh dại. Dù được tích cực điều trị, bé T. đã không qua khỏi không lâu sau khi nhập viện.
Trường hợp thứ hai là cháu V.Q.H. (9 tuổi, ngụ huyện Tân Kỳ, Nghệ An) được người thân đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu ngày 10/3 với chẩn đoán bị bệnh dại. Bé H. không tiêm phòng vắc-xin sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh. Bé cũng không qua khỏi.
Chiều ngày 16/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên cho biết đã ghi nhận trường hợp có triệu chứng sốt, mệt mỏi, uống thuốc không giảm. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại. Người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà, tử vong sáng 14/3.
Không ít trường hợp tử vong do không tiêm vắc-xin dại. Thậm chí, nhiều trường hợp tìm đến... thầy lang, thuốc nam để điều trị bệnh dại. Trước đó, trường hợp của bé trai 12 tuổi ở Kiến Xương (Thái Bình) đã tử vong vì lên cơn dại.
Khi bị chó nhà cắn vào bắp chân, lo lắng con chó bị dại, sau 7 ngày gia đình đã tính chuyện cho em đi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, sợ vắc-xin làm ảnh hưởng xấu, nên gia đình đã đưa con đến thầy lang. Song, 26 ngày sau, bệnh nhi bỗng sợ nước, sợ gió, khó thở. Gia đình đưa trẻ đến viện nhưng không kịp.
Biện pháp duy nhất và hiệu quả
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), bệnh dại do virus gây ra. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm nhất. Bởi, khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%.
Mặc dù đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả, nhưng trong vòng 10 năm qua, ước tính mỗi năm tại Việt Nam vẫn có khoảng 70 - 110 người tử vong vì bệnh dại. Để không tử vong do bệnh dại, khi bị chó mèo cắn, người dân cần nhanh chóng xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế.
Virus dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu cho thấy nhiễm bệnh. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại.
Virus dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Sau đó, phá hủy hệ thần kinh khiến bệnh nhân lên cơn dại.
Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều tử vong. Mặc dù nguy hiểm, nhưng bệnh hoàn toàn có thể được ngăn chặn bằng biện pháp tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại.
HCDC nhận định, hiện nay, đa số người dân đều hiểu về các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật. Song, vẫn còn một số người chủ quan với suy nghĩ “chắc con chó đó không bị bệnh”. Hoặc, nhiều người sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng mà không tới cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Bác sĩ Trần Văn Cương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại.
Vắc-xin không ảnh hưởng sức khỏe
Trong khi đó, BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ, vắc-xin dại thế hệ mới hiệu quả cao hơn, không chứa tế bào thần kinh. Do đó, vắc-xin không ảnh hưởng đến sức khỏe, thần kinh của người dùng.
Theo chuyên gia này, một thực tế đáng lo ngại là nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, có những trường hợp không tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn.
Thay vào đó, họ lựa chọn tự lấy nọc tại nhà theo các phương pháp dân gian, thỉnh những thầy lang nổi tiếng trong dân gian về nhà để chữa trị. “Tất cả những quan niệm sai lầm này đang gián tiếp “chắp tay” cho những cái chết đầy thương tâm, đau đớn và đáng tiếc”, BS Chính cho biết.
Do đó, người dân nên tiêm vắc-xin dự phòng dại càng sớm càng tốt, trước cả thời điểm phơi nhiễm để chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Không đợi đến khi bị chó, mèo cắn rồi mới tiêm vắc-xin. Khi đó, virus dại đã xâm nhập cơ thể, di chuyển rất nhanh đến hệ thần kinh trung ương. Chỉ cần chậm trong điều trị, khi virus đến não thì đã muộn.
Ngoài ra, trong điều kiện môi trường thuận lợi, virus gây bệnh dại có thể “ngủ đông” từ 3 đến 4 năm. Do đó, chúng ta cần phải chủ động ngăn ngừa bệnh bằng việc chủ động tuyên truyền giáo dục sức khỏe.
Cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc.
Đồng thời, cần báo cáo với cơ quan thú y nơi có động vật bị bệnh dại. Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo. Tiêm vắc-xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.
Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại… cần được gây miễn dịch bằng vắc-xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.
BS Chính khuyến cáo, cần tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc. Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo… Những gia đình có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng cho chúng. Không cho vật nuôi chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.