Thời cắp sách của Tom Brown

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Thời cắp sách của Tom Brown' là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Thomas Hughes nói về học sinh Rugby Public School (Vương quốc Anh).

Tom lên đường tới trường. Ảnh: ITN
Tom lên đường tới trường. Ảnh: ITN

LTS:

“Thời cắp sách của Tom Brown” (Tom Brown’s Schooldays) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Thomas Hughes nói về học sinh Rugby Public School (Vương quốc Anh).

Tiểu thuyết khắc họa thành công lối sống rất học trò với những trò đùa ngỗ nghịch nhưng lại được rèn luyện về đạo đức, cách cư xử, đấu tranh chống kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, năng động trong hoạt động thể chất, xây dựng một tiềm năng trí tuệ cho cuộc đời sau này.

Tác phẩm gần gũi và hấp dẫn tuổi học trò và góp phần nâng cao năng lực đọc sách, tạo cơ hội tiếp cận với các tác phẩm lớn của các nhà văn lớn trong nền văn học Anh. Đây không phải là tác phẩm nguyên bản mà là trích đoạn theo dòng chảy của câu chuyện được Nguyễn Quốc Hùng, MA lược dịch.

Báo Giáo dục & Thời đại trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Kỳ 1:

Thomas Hughes (1822 - 1896) là một luật sư và nhà văn Anh, con của một gia đình danh giá. Ông học truờng công ở Rugby, nơi đang tiến hành cải cách giáo dục. Thomas trưởng thành nhờ sự dẫn dắt của ông Hiệu trưởng Thomas Arnold, một nhà cải cách giáo dục, một người cứu vớt danh tiếng của trường công trong lịch sử của đạo Thiên Chúa. Arnold đã đào tạo Hughes và nhiều học sinh khác trở thành những công dân Anh hữu ích và có đạo đức, hình ảnh còn lưu mãi một sản phẩm của trường phổ thông, những con người được giáo dục kết hợp những nguyên tắc đạo đức với hoạt động thể chất, năng động, can đảm và có tinh thần thể thao trong nền Đế chế Anh thời đại Victoria. Những trải nghiệm qua cuộc đời một học trò trường công của Thomas Hughes sau này trở thành nguồn cảm hứng của ông để viết cuốn tiểu thuyết “Thời cắp sách của Tom Brown”.

Trường tư mà Tom được gửi đến học là trường bình thường. Trường có một hiệu trưởng và một hiệu phó. Toàn bộ quy trình đào tạo của trường ngoài giờ học nằm trong tay hai giám thị. Một người theo học sinh ra sân chơi, trong khuôn viên trường, vào bữa cơm, có nghĩa là mọi lúc mọi nơi cho đến khi học sinh đi ngủ. Đó là điển hình của trường tư, và về mặt này nó khác hẳn với các trường công (public school)*.

Mục đích của các nhà gửi con đến trường đó không phải chỉ để học tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, mà là để rèn chúng thành người tốt, công dân tốt trong tương lai. Thật không may, hai giám thị không phải người đàng hoàng. Họ ít học và đến trường chỉ để kiếm sống. Họ không phải là người xấu nhưng tấm lòng của họ không để vào công việc. Giao nhiệm vụ quan trọng cho những con người ấy là coi thường mảng khó khăn nhất của việc giáo dục trẻ.

Tối hôm mới đến trường, Tom cố gắng viết đầy hai trang giấy viết thư. Cậu viết để nói với mẹ là cậu rất yêu mẹ, ở trường rất vui và nhất định làm theo những điều mẹ muốn. Với sự giúp đỡ của cậu bạn ngồi cạnh, Tom định dán kín bức thư theo đúng cách, nhưng không có hồ dán và cậu không muốn phá vỡ không khí yên lặng trong phòng để đi ra ngoài tìm giám thị xin hồ dán.

Tom đáng thương không biết nói gì, cầm bức thư dán lại và gửi đi. Tom thấy cổ như nghẹn lại. Cậu chạy ra một góc sân vắng và òa lên khóc. Cứ nghĩ đến mẹ chờ thư từng ngày như mình đã hứa là đến trường sẽ viết thư cho mẹ ngay Tom thấy không thể chịu đựng được. Có lẽ mẹ cho rằng mình quên mẹ. Một cảm giác mà cậu bé bị dằn vặt tới nhiều năm sau.

Thấy Tom ngồi khóc một mình hai tay học sinh lớn dừng sát ngay gần Tom. Tên béo chế giễu và chửi Tom. Tom cảm thấy xấu hổ và tức giận, cậu đấm thẳng vào mũi tên béo một cú rất mạnh làm nó chảy máu. Tom có thể bị phạt nặng nhưng cậu thoát nạn vì năn nỉ rằng đây là lần đầu cậu mắc lỗi. Sau đó, Tom viết lá thư thứ hai cho mẹ và không quên dán kín. Sau chuyện này, Tom tiếp tục sống vui vẻ trở lại.

Nửa ngày dã ngoại là một sự kiện lớn trong tuần. Gần trường có một khu rừng nhỏ có nhiều chim và bướm. Bọn trẻ tản ra tứ phía và đến giờ quy định phải quay lại đi cùng hai giám thị về trường. Chúng chỉ được chơi quanh khu đồi hoặc vào rừng. Vào làng bị cấm tuyệt đối vì bọn trẻ có thể dùng tiền mua kẹo cứng và kẹo bạc hà.

Bọn trẻ thích chơi trò chơi gọi là “mud patties”. Chúng chia làm nhiều đội, mỗi đội một người đứng đầu. Mỗi đội chiếm một ngọn đồi. Các đội kia dùng dao cắt bánh mì cắt cỏ, dùng các nắm cỏ đó tấn công. Đội nào lên được đỉnh đồi trước, đội ấy thắng.

Những trẻ không chơi chạy quanh các ngọn đồi tìm tổ ong và hang chuột. Một số trẻ đi bắt bướm và tìm trứng chim. Nhưng những trẻ hiếu động như Tom thích làm các việc có tính phiêu lưu. Cậu và anh bạn mới phá luật tiến vào làng và đến quán bán kẹo mua đầy túi. Trên đường về, chúng chia kho tàng ấy cho các bạn khác. Ông trợ lý phát hiện ngay ra mùi lạ. Tom và cậu học trò kia bị khám túi, sai phạm bị phát hiện.

Bọn trẻ đi ngủ vào lúc tám giờ và đêm nào cũng vậy chúng lần lượt kể chuyện ma hàng một hai tiếng đồng hồ. Một hôm đến lượt anh bạn mới của Tom, cậu ta nói mình có thể làm cho một bàn tay hiện lên trên cửa. Trước sự ngạc nhiên của bọn trẻ trong phòng một bàn tay hiện lên trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo. Ngày hôm sau, bọn trẻ ở các phòng khác nghe chuyện và tỏ ra không tin.

Nhà ảo thuật tuyên bố là đêm hôm đó bàn tay sẽ hiện lên ở tất cả các phòng và đúng như vậy. Một trong những giám thị nghe chuyện và phát hiện một tên bịp đã mặc áo choàng đen và tay cầm hộp phốt pho đang làm trò đó. Cậu chàng bị ăn đòn nhưng trở nên nổi tiếng.

Tom học được nhiều tiếng Latinh và Hy Lạp nhưng cậu cảm thấy mình không thể hòa mình vào những chuyện hàng ngày này của trường tư. Trong dịp nghỉ Hè về nhà, Tom năn nỉ bố mẹ cho đi học ở trường công. Cuối cùng bố mẹ Tom cũng chịu và sắp xếp cho Tom vào một trường public school.

*

* *

Trên đường tới trường mới, khi đến quán Peacock Inn, Tom rất vui thấy bố gọi một bữa ăn khổng lồ. Trong lúc đó cậu chạy ra cửa sổ nhìn ngắm cảnh các loại xe cộ đi lại, còn bố ngồi đọc báo. Đây là lần đầu tiên Tom đến London. Thật là một ngày đáng nhớ! Đã gần chín giờ tối.

Ông Squirel Brown bảo cô dọn phòng đưa cậu bé về phòng ngủ. Bố nói với Tom vài lời: “Tom con, con đang đến ngôi trường theo nguyện ước của con. Điều này xảy ra sớm hơn dự định của bố mẹ. Con sẽ nhìn thấy nhiều điều xấu, nghe nhiều lời bậy bạ.

Nhưng đừng sợ. Hãy luôn luôn nói thật, xây dựng tính dũng cảm và giữ gìn lòng tử tế của mình. Nhớ một điều, không bao giờ nghe hoặc nói điều gì mà con không muốn bố mẹ nghe thấy. Có như thế con sẽ không bao giờ hổ thẹn khi về thăm nhà hoặc khi bố mẹ đến thăm con”.

Tom thấy nước mắt trào ra khi nghe nói đến mẹ và rất muốn ôm hôn bố. Nhưng quyết tâm làm người lớn làm cho cậu chững lại. Cậu chỉ siết chặt tay bố và nói:

“Con sẽ cố gắng, bố ạ!”.

“Bố biết, con ạ” - ông Squirel Brown nói – “Xem xem tiền đã cất vào chỗ an toàn chưa, con. Chìa khóa nữa”.

“Rồi ạ, bố” - Tom nói.

“Thôi đi ngủ nhé. Chúa ban phúc lành cho con! Sáng mai bố sẽ tiễn con”.

Trước khi đi ngủ. Tom chân thành nguyện rằng mình sẽ không bao giờ làm những người thân yêu trong gia đình phải hổ thẹn hay tiếc nuối.

*

* *

Sáng hôm sau, Tom đang ăn sáng thì nghe tiếng còi xe ngựa. Xe

Tally-ho đã đến. Tom bắt tay bố một lần nữa và nói:

“Chào bố. Cho con gửi lời thăm mọi người trong nhà”.

“Toot! Toot! Toot!”, ông xà ích thả cương và Tally-ho* dần dần biến vào trong màn đêm.

Khi ánh sáng ban ngày tràn đến chiếc xe đỗ tại một quán bên đường, ông xà ích bảo Tom: “Cậu nhảy xuống nào. Tôi sẽ có thứ làm giảm cái lạnh cho cậu”.

'Thời cắp sách của Tom Brown' kể về học sinh Rugby Public School (Vương quốc Anh). Ảnh: Rugby School

'Thời cắp sách của Tom Brown' kể về học sinh Rugby Public School (Vương quốc Anh). Ảnh: Rugby School

Tom đi theo các hành khách khác vào quán. Ở đây, cô bán hàng mời mỗi người một cốc bia đắng. Nó làm ấm bụng Tom. Lại đến giờ tiếp tục cuộc hành trình. Đồng hồ điểm tám giờ sáng thì thị trấn đó đã lùi xa về phía sau. Tom bắt đầu nói chuyện với ông xà ích vì cậu muốn biết về nơi ở mới của mình.

“Ông có biết rõ Rugby không, ông?”, Tom hỏi.

“Biết chứ, ngày nào tôi chẳng qua đó”.

“Chỗ ấy thế nào ông?”.

“Một nơi ít giao thương, mỗi ngày chỉ có ba chuyến xe chạy qua. Cậu ở trường ấy à?”.

Tom rất thích khi thấy người ta tưởng mình là học sinh cũ của trường nhưng với bản chất chân thật, cậu nói,

“Tôi đang đến đó thôi. Tôi là học sinh mới, mà ông”.

“Thế thì cậu nhập trường hơi chậm. Sắp hết một học kỳ rồi, cậu ạ”.

Tom giải thích cậu được ông hiệu trưởng nhận đặc biệt. Ông xà ích kể cho Tom nghe về những học sinh của Trường Rugby đã từng đi xe của ông.

“Chúng tiêu tiền thoải mái lắm. Và, ôi Chúa, trò chơi ưa thích của chúng khi nhàn rỗi là phun hạt đậu”.

“Là gì, hả ông?”, Tom hào hứng hỏi.

“Chúng ngậm đầy mồm hạt đậu và phun vào mặt người đi đường. Một lần có mấy người Ái Nhĩ Lan đang làm việc trên đường, đến một khoảng cách thuận lợi chúng phun hạt đậu vào họ. Họ nổi giận và hét tướng lên. Họ ném đá vào xe. Nhiều đứa bị đau. Mấy đứa bị sứt đầu. Mũ của tôi bị tung ra. Chúng tôi phải đền “hai pao* mười” vì xe bị hư. Bọn trẻ trả số tiền này, chúng còn cho tôi và anh xà ích mỗi người nửa “Sovereign” (đồng tiền vàng)”.

Tom reo lên cho đó là chuyện vui. Cậu ta thấy tự hào nếu khai thác được những người bạn tương lai này và chờ mong được nhập bọn chơi những trò chơi phiêu lưu. Ông xà ích nói: “Nó không vui với những người bị xúc phạm đâu, cậu ạ!”.

Tom rất quan tâm đến câu chuyện. Cậu mong đó là chuyện thật. Cậu rất thích phiêu lưu và tình huống nguy hiểm mà bọn trẻ lứa tuổi cậu thường có, nhưng cậu lại bị sốc vì hành vi đáng thất vọng và vô luật pháp của hầu hết các câu chuyện. Đến thị trấn là mười hai giờ kém mười phút. Tom hít một hơi thở sâu và nghĩ rằng chưa bao giờ mình có một ngày hạnh phúc như thế.

(Còn nữa)

Nguyễn Quốc Hùng, MA (giới thiệu và lược dịch)

-----------------

*Public school: Public school ở Anh vào thế kỷ 19 là những trường nội trú miễn phí, dành cho học sinh trong độ tuổi từ 11 trở lên. Thời đó, có 9 trường công danh tiếng nhất là nơi thực hiện chính sách cải cách giáo dục, trong đó có Rugby Public School. Được trở thành một học sinh của các trường đó là một niềm tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ