Là tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp rực rỡ của ông, khi xuất bản thành sách, Chân dung của Dorian Gray cũng đã khiến nhiều người đọc đương thời nổi giận vì những quan điểm, câu chữ “vi phạm đạo đức xã hội”.
Nhưng rồi qua thời gian, tác phẩm đã chứng tỏ được giá trị thông qua sức sống lâu bền của nó, không chỉ trong những thư phòng kinh viện mà còn trong nền văn hóa đại chúng.
Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng, nhưng cũng là một thử thách đối với việc chuyển ngữ. Vì vậy phải đến năm 2021, sau rất nhiều thời gian chuẩn bị của dịch giả và tổ chức xuất bản, bản dịch của tác phẩm kinh điển này mới được ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Bản dịch Chân dung của Dorian Gray do dịch giả Nham Hoa thực hiện, được dịch từ bản 20 chương in năm 1891, đầy đủ và tỉ mỉ, dù hào hứng và phóng khoáng. Hy vọng sẽ mang lại cho độc giả tiếng Việt một trải nghiệm đọc hài lòng.
Tác phẩm được xuất lần đầu tiên năm 1890, gồm 13 chương, đăng thành nhiều kỳ trên nguyệt san Lippincott"s (Lippincott’s Monthly Magazine). Năm 1891, sau khi qua chỉnh sửa, kiểm duyệt, tiểu thuyết được xuất bản thành sách, mở rộng ra thành 20 chương. Tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất này của ông đã làm dấy lên rất nhiều tranh luận trong xã hội, tuy không mang lại mấy tiền bạc.
Câu chuyện xoay quanh một chàng trai trẻ tuấn tú, Dorian Gray. Bằng vẻ đẹp trác tuyệt của mình, chàng đã truyền cho họa sĩ Basil nguồn cảm hứng sáng tác dào dạt. Mọi thứ vẫn thật tuyệt diệu cho đến khi Dorian gặp Huân tước Henry và bị mê hoặc bởi quan điểm này: Chỉ có tuổi trẻ là thứ đáng để theo đuổi ở đời. Chàng ước gì bức tranh sẽ già và xấu đi thay cho mình, và bằng một cách nào đó điều ấy đã thành hiện thực.
Phần còn lại của tác phẩm tập trung khắc họa cuộc sống và đời sống nội tâm cuộn xoáy của Dorian giữa tuổi trẻ vĩnh cửu và đạo đức suy đồi.
Không phải nhân vật trung tâm, nhưng những trích dẫn thú vị và sâu sắc nhất của câu chuyện lại đến từ Huân tước Henry Wotton, một người đàn ông thiếu lương tâm nhưng thừa thông thái, độc hại nhưng lôi cuốn.
Chính Huân tước Henry là người đã dắt Dorian đi bước đầu tiên vào con đường mà chàng đã đi, cũng là người thúc chàng dấn bước tới kết cục của chàng với những lập luận hùng hồn và đáng suy nghĩ về xã hội và con người.
Ở Chân dung của Dorian Gray, những đối thoại dí dỏm, thông minh, đậm chất kịch chiếm phần lớn dung lượng cuốn sách. Có thể kể ra vô số câu thoại ‘’ngược ngạo’’, khó làm hài lòng nhiều người của Huân tước Henry (một lý do không nhỏ dẫn đến ‘’gạch đá’’ của dư luận, đặc biệt xét trong bối cảnh ra đời của cuốn sách: thế kỷ mười chín, khi tư tưởng về tình yêu, hôn nhân còn tương đối bảo thủ):
“Phụ nữ làm hỏng mọi cuộc tình bằng cách cố biến nó thành mãi mãi. Đó cũng là một từ vô nghĩa".
“Những kẻ suốt đời chỉ yêu một lần mới là phường nông cạn. Cái họ gọi là trung thành và chung thủy, tôi gọi đó hoặc là sự trì trệ của tập quán, hoặc là sự thiếu hụt trí tưởng tượng".
“Hôn nhân có một sự hấp dẫn ấy là khiến việc sống một cuộc đời lừa dối trở nên tuyệt đối cần thiết cho cả hai bên".
“Trên đời chỉ có một điều tồi tệ hơn việc bị đem ra đàm tiếu, đó là chẳng được ai đàm tiếu".
Và có lẽ chính một số ý trong lời tựa của Oscar Wilde về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đạo đức, luân lý đã khiến nhiều người nhận định rằng Chân dung của Dorian Gray là bản tuyên ngôn cho trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
“Chẳng có sách nào là đạo đức hay vô đạo đức. Chỉ có sách viết hay và sách viết dở. Vậy thôi".
“Nghệ sĩ chẳng ai là bệnh hoạn. Biểu đạt mọi thứ là quyền của nghệ sĩ".
“Đồi trụy lẫn đạo đức đều là chất liệu nghệ thuật của nghệ sĩ".
“Gây ra nhiều ý kiến khác biệt, ấy là một tác phẩm nghệ thuật mới, phức tạp và giàu sức sống".
Trong cuốn tiểu thuyết duy nhất này của mình, dường như Oscar Wilde không mấy chú tâm vào việc tái hiện các chi tiết của thế giới thực hoặc kiến tạo nên một thế giới mới đáng tin như các tiểu thuyết gia có khuynh hướng xây dựng khác.
Xuất phát từ ý tưởng về một bức họa đẹp thay ta già đi, thay ta mục ruỗng sau mỗi lần sa đọa, ông đơn giản chỉ kể một câu chuyện, nhưng nó xuất sắc đến nỗi mặc dù chưa bao giờ là nhà văn cổ súy cho nghệ thuật vị nhân sinh, ông đã khiến người đọc suy nghĩ về chính thế giới mà ta đang sống, dù ở bất cứ thời đại nào. Một cách sâu sắc.
Năm 1891, năm Chân dung của Dorian Gray được xuất bản thành sách. Cùng năm này, ông gặp Lord Alfred Douglas và nhanh chóng phải lòng anh. Mối tình đồng tính ấy đã khiến ông rơi vào một scandal chấn động, kết thúc bằng việc ông bị đưa ra tòa năm 1895, rồi bị kết án hai năm tù khổ sai.
Một năm trước phiên tòa định mệnh, Oscar Wilde từng viết trong một bức thư: Tôi nghĩ mình là Basil Hallward, người đời nghĩ tôi là Huân tước Henry, nhưng Dorian mới là những gì tôi muốn trở thành - ở một thời đại khác, có lẽ. Năm 1900, ông qua đời tại Paris vì viêm màng não và được chôn cất tại nghĩa trang Lachaise, Paris.
Chân dung của Dorian Gray được coi là tác phẩm mang đậm nhất dấu ấn cá nhân của Oscar Wilde. Trước khi đến với cái kết đột ngột, choáng váng, phi thực nhưng thuyết phục, Chân dung của Dorian Gray là một cuộc trình diễn ngôn ngữ hoa mỹ mà sắc sảo, cầu kỳ mà mạch lạc.
Oscar Wilde, tên đầy đủ là Fingal O’Flahertie Wills Wilde, sinh ngày 16/10/1854 trong một gia đình trí thức Dublin, Ireland. Cha ông là một bác sĩ nổi tiếng, còn mẹ là một nhà báo kiêm nhà thơ. Thời đi học, ông luôn là một học sinh xuất sắc, từng giành được học bổng tại Trinity College, Dublin, và sau đó là học bổng tại Magdalen College, Oxford.
Tại thời điểm bối cảnh của Dorian Gray, mùa xuân năm 1884, Wilde đang chuẩn bị cho đám cưới với Constance Lloyd vào ngày 29/5. Ngôi nhà của họ tại London được trang hoàng xa hoa đầy thẩm mỹ, và ngay lập tức khiến họ rơi vào cảnh nợ nần.
Năm 1885, nước Anh thông qua đạo luật chống đồng tính, đặt mối quan hệ đồng giới vào tội hình sự. Đến tháng 11/1886, Oscar Wilde đã có hai con trai. Đây cũng là năm mà các nhà nghiên cứu tin rằng ông đã gặp Robert Ross, một sinh viên Oxford trẻ tuổi, rồi bị cuốn vào mối quan hệ đồng giới đầu tiên.