Thổi bùng lòng nhân ái trong trái tim người đọc

(GD&TĐ) - “Em vô cùng cảm ơn báo Giáo dục và Thời đại đã đem tới cho gia đình em nguồn hạnh phúc bất ngờ, lớn lao, mở ra cho em con đường vào cánh cổng trường đại học ở phía trước. Đọc xong bài viết, bố em cảm động quá ngồi khóc lặng lẽ.

Rồi sau đó là những cuộc điện thoại liên tục gọi tới thăm hỏi, chúc mừng, động viên. Tới nay em đã nhận được nhiều sự trợ giúp với số tiền đủ để đi học”. Lời lẽ mộc mạc đến cảm động trên đây là của em Nguyễn Thái Hiền ở Đại Đồng (Đại Lộc, Quảng Nam) - thí sinh khuyết tật bởi chất độc da cam, gia cảnh nghèo khó vẫn thi đậu vào 2 trường đại học trong đợt tuyển sinh 2013 vừa qua.

Sau khi bài viết  “Vầng trăng khuyết” thi đậu hai trường đại học đăng trên báo Giáo dục và Thời đại, em đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều tấm lòng nhân ái, đặc biệt là được nhận học bổng “Tiếp sức tới trường” để có thể thực hiện được giấc mơ vào đại học của bản thân.

Có thể nói, gần một tháng qua, kể từ khi các trường đại học công bố điểm thi vào đại học, trên các trang báo liên tiếp xuất hiện những tấm gương điển hình về hoàn cảnh học sinh khuyết tật, khiếm thị, học sinh nghèo vượt khó giành được những kết quả cao. Hiệu ứng từ những trang viết ấy thể hiện rất rõ ở việc các tấm gương về ý chí, nghị lực vươn lên thắng số phận nghiệt ngã đều được bạn đọc khắp mọi miền đất nước cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ bằng cả tinh thần và vật chất. Qua đó, có thể thấy, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và báo chí có một sức công phá đặc biệt tới những trái tim.

Tuy nhiên, từ tâm sự của em Thái Hiền nêu trên, tôi chợt phát hiện ra rằng, nên chăng, tương ứng với những tấm gương học sinh giàu nghị lực vượt khó, cũng nên có những tấm gương về tấm lòng nhân ái, bao dung của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện để nhân rộng nghĩa cử cao đẹp của họ. Tiếc thay, còn quá hiếm hoi những bài viết về những “tấm lòng vàng” trên báo chí. Trong khi đó, những phụ huynh, học sinh lại không biết phải làm thế nào để bày tỏ cho hết tình cảm, niềm biết ơn đối với họ. 

Trường hợp của em Phạm Thị Sự ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là một ví dụ. Mẹ mất, cha đi lấy vợ khác, bà nội già yếu, ốm đau, Sự phải vừa học, vừa đi làm thuê nuôi 2 em nhỏ. Hẳn em sẽ không giờ dám nuôi giấc mơ vào đại học nếu như không có sự nhạy cảm, tinh tế từ những  tấm lòng giàu tình thương yêu như thầy Hiệu trưởng Ngô Quang Vinh và cô giáo chủ nhiệm, dạy Văn Phạm Thị Anh Hương ở Trường THPT Trần Kỳ Phong. Phát hiện ra hoàn cảnh khó giãi bày của em từ một bài tập làm văn, cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng luôn kề cận động viên, giúp đỡ em. Đặc biệt, thầy Vinh đã vận động từ những người bạn cũ là những nhà kinh doanh hiệu quả để có tiền giúp cô học trò đáng thương vào đại học. 

Tiếp theo đó, sau khi có bài viết “Hành trình đến giảng đường của cô bé mồ côi” đăng trên báo, em Sự đã nhận được sự tài trợ từ khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào ở nước ngoài. Để kết thúc, xin được trích dẫn một đoạn thư của em  gửi cho cô giáo chủ nhiệm: “Cô ơi, vừa rồi con nhận được từ thầy Vinh 10 triệu đồng mà con cứ ngỡ là mơ vậy. Chắc không có khoản tiền đó, cánh cửa vào đại học con sẽ không thể nào mở nổi… Cô giống như cô tiên trong truyện cổ tích mà con được học ở trường. Có số tiền này để nhập học con sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng bà nội, không phụ lòng cô và các thầy cô giáo, đặc biệt là thầy Vinh. Con thật may mắn có một người thầy hiệu trưởng tuyệt vời như thầy”. 

Hãy viết nhiều hơn về những kỹ sư tâm hồn như thầy Vinh, cô Hương - để bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng trong cuộc sống của mỗi con người. 

  Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ