Thoát nghèo nhờ cây dược liệu

GD&TĐ - 3 năm qua, huyện Tu Mơ Rông có gần 2.000 hộ thoát nghèo nhờ vào trồng, mua và bán dược liệu. Bên cạnh đó có nhiều hộ làm giàu từ sâm Ngọc Linh.

Người dân Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế và làm giàu.
Người dân Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế và làm giàu.

Trồng sâm gắn với bảo vệ rừng

Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt. Trong những năm qua nhiều hộ dân đã trồng, liên kết trồng sâm với công ty, doanh nghiệp nhằm thoát nghèo và phát triển kinh tế.

Qua thống kê, huyện Tu Mơ Rông có gần 40 nhóm hộ của 300 hộ tham gia liên kết trồng sâm với Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Bên cạnh đó là hàng chục tổ của dân, cán bộ, viên chức tự liên kết trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Trong đó, mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum với người dân khá hiệu quả, bền vững. Công ty được hưởng lợi từ kinh nghiệm trồng sâm của dân, còn dân khi liên kết được công ty trả lương và tặng thêm 100 cây sâm giống/năm.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, trên địa bàn huyện, cây dược liệu là cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực của địa phương.

Theo ông Mạnh, thực tế là nhờ trồng dược liệu người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Trong 3 năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu. Ngoài ra, nhiều hộ đã làm giàu từ sâm Ngọc linh và dược liệu. Chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây, trong năm 2022 đã có gần 70 hộ làm giàu, với mức thu nhập từ 500 triệu đến 10 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, rừng là môi trường sống và phát triển của sâm Ngọc Linh, cây dược liệu. Do đó, những năm qua, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có và gia tăng diện tích rừng trồng là vấn đề ưu tiên, cấp bách của địa phương. Đối với diện tích rừng tự nhiên, huyện xác định phải giữ bằng được và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, khuyến khích người dân trồng sâm dưới tán rừng, từ đó giúp bà con thấy được lợi ích của rừng. Song song với đó, việc trồng rừng trên diện tích đất trống, đồi trọc thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp cũng được huyện khuyến khích người dân tham gia. Huyện chọn những cây đa mục tiêu, có giá trị cao để dân trồng nhằm nâng cao hiệu quả. Để mang lại lợi ích cho người dân, huyện Tu Mơ Rông đang kiến nghị nâng mức hỗ trợ để dân yên tâm với nghề trồng rừng.

Sớm đưa sâm Ngọc Linh ra thế giới

Người dân bày bán sâm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh lần 1.
Người dân bày bán sâm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh lần 1.

Theo ông Võ Trung Mạnh, cây trồng chính của huyện Tu Mơ Rông là sâm Ngọc Linh và phát triển du lịch là hướng đi mới của địa phương. Hiện huyện Tu Mơ Rông đang tập trung khai thác du lịch cảnh quan kết hợp tham quan vườn sâm Ngọc Linh. Sự kết hợp của mô hình này là sản phẩm du lịch riêng của huyện mà các địa phương khác không thể có. Hiện nay, 3 xã trồng sâm Ngọc Linh và có tiềm năng phát triển du lịch cảnh quan lớn nhất của huyện là Tê Xăng, Măng Ri và Ngọk Lây. Tuy nhiên, cả 3 xã này đều nằm trong khu vực an toàn khu, điều này gây hạn chế trong việc thu hút khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến tham quan và quảng bá sâm Ngọc Linh ra Thế giới. Do đó, muốn khai thác tốt hoạt động du lịch và quảng bá sâm Ngọc Linh ra nước ngoài, cần khoanh vùng hợp lý khu vực an toàn khu. Từ đó dành một vùng nhất định để khai thác du lịch gắn với phát triển dược liệu quý.

“Ngoài ra để quy hoạch du lịch của huyện đi đúng hướng, sát với thực tiễn, địa phương rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ngành du lịch tỉnh trong thời gian tới”, ông Mạnh chia sẻ.

Đối với huyện Tu Mơ Rông nói riêng và Kon Tum nói chung, sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của Việt Nam. Xác định đây là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu nhằm nâng cao vị thế của tỉnh cũng như cơ hội để quảng bá vùng đất, văn hoá, con người Tu Mơ Rông. Do đó huyện đang phối hợp và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đẩy mạnh hoàn thiện sản phẩm chất lượng cao nhằm sớm đưa sâm Ngọc Linh xuất ra thị trường thế giới.

Ông Mạnh cho hay, trên địa bàn huyện đã phát triển được 2.937ha cây dược liệu. Trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715ha, còn lại là các cây khác. Huyện có 30 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó 19 sản phẩm liên quan đến dược liệu.

"Hiện tại, đa phần các sản phẩm dược liệu của người dân, doanh nghiệp, HXT chủ yếu bán tại thị trường trong nước. Số ít còn lại đã xuất khẩu qua Trung Quốc, Châu Âu”, ông Mạnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ