Ngày 16/8, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã yêu cầu Sở, ngành liên quan và UBND các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei có giải pháp hỗ trợ người trồng sâm Ngọc Linh bị thiệt hại.
Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở NN-PTNT tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei xử lý các vấn đề liên quan đến quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh. Qua đó hạn chế tối đa việc sâm Ngọc Linh bị bệnh và chết như thời gian qua.
Đối với UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, UBND tỉnh yêu cầu làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để được hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ cho người dân có sâm Ngọc Linh bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, liên hệ với một số công ty để học tập kinh nghiệm, phương pháp trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân có sâm Ngọc Linh trên địa bàn về quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp UBND huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có giải pháp hỗ trợ, xử lý nợ bị rủi ro đối với các khách hàng vay vốn tín dụng chính sách để trồng sâm Ngọc Linh. Còn các doanh nghiệp có giải pháp cung ứng giống với giá hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn khắc phục thiệt hại và trồng mới sâm Ngọc Linh.
Trước đó, như đã đưa tin, do ảnh hưởng của thời tiết và nấm bệnh, hàng loạt cây sâm Ngọc Linh của người dân Kon Tum chết rũ rượi, kéo theo đó hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên vì số nợ vay mượn chưa kịp trả.
Theo thống kê của UBND huyện Tu Mơ Rông hiện đã có 39.224 cây sâm Ngọc Linh của 408 hộ dân bị thiệt hại, ước tính khoảng hơn 20,8 tỷ đồng. Trong đó, số lượng cây bị sâu, bệnh hại là 38.412 của 393 hộ nằm ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngok Lây, Văn Xuôi với số tiền bị thiệt hại khoảng 20,4 tỷ đồng. Số lượng cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 812 cây của 27 hộ các xã Măng Ri, Đắk Sao, với thiệt hại khoảng hơn 324 triệu đồng.