Mạo hiểm trồng cam lạ
Sinh ra trong gia đình thuần nông, nên ngay từ nhỏ ông Sơn đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ban đầu, ông trồng mận, nhưng được một thời gian mận rớt giá thê thảm, chỉ có thể lấy công làm lời, nhiều lúc bán không được giá nên ông cũng chẳng buồn chăm sóc và quản lý, bởi vậy mà bao nhiêu tiền của tích cóp được đều “đội nón ra đi”.
Năm 2012, trong một lần đến tham quan hội chợ nông nghiệp tại Cần Thơ, ông Sơn bị thu hút bởi gian hàng bán giống cam ruột đỏ. Sau khi tìm hiểu, biết loại cam này còn được gọi là cam Cara, có xuất xứ từ nước ngoài, được một số nông dân lai tạo và trồng thành công với số lượng lớn ở Đà Lạt nên ông Sơn quyết định lấy hết tiền túi để mua vài cây giống về trồng thử nghiệm trên vùng đất Tân Quới của mình.
Được biết, cam Cara là loại cây ngoại nhập bắt nguồn từ Venezuela. Trước khi có mặt tại Việt Nam thì giống cam này đã được nhập qua Mỹ và sau đó là đến Úc. Trải qua quá trình chọn lựa và lai tạo thì các nhà chọn giống đã tạo ra được giống cam cara không hạt cho mùi vị thơm ngon và cực kì giàu dinh dưỡng.
Theo tài liệu nghiên cứu và giới thiệu của các nhà khoa học, cam ruột đỏ không hạt còn là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với những loại cam thông thường. Cam cara có màu đỏ đặc trưng là do bên trong thành phần có chứa hàm lượng dưỡng chất Lycopene ( một chất chống oxy hóa cao) rất tốt cho sức khỏe con người. Nếu so với một quả cam thông thường cùng trọng lượng thì hàm lượng Vitamin C của cây cam cara ruột đỏ nhiều hơn gấp rưỡi (150%). Đặc biệt hơn nữa là hàm lượng acid trong cam cara ruột đỏ thấp hơn so với các loại cam thông thường do đó bạn có thể ăn nhiều hơn mà không có cảm giác ợ nóng thường thấy khi ăn quá nhiều cam hoặc sản phẩm có chất acid của họ cam quýt.
Kể lại quyết định của mình khi đó, ông Huỳnh Hoàng Sơn cho biết:“Lúc đó tôi thấy đây là giống cây có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, do tại vùng đất miền Tây ít ai trồng loại cam này. Chính vì vậy, tôi quyết định làm liều, móc hết tiền túi mua luôn 10 nhánh cam về trồng thử nghiệm, để xem cây cam ruột đỏ có thích ứng với khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng đất miền Tây hay không", ông Huỳnh Hoàng Sơn kể lại những ngày đầu quyết định táo bạo khi chọn giống mới.
Khi mới bắt tay vào trồng thử nghiệm, ông Sơn gặp khá nhiều trở ngại. Bởi vùng đất Lai Vung quê ông vốn nức tiếng với các loại cam xoàn, cam mật, cam dây. Ai cũng cho rằng ông quá mạo hiểm khi đem loại cam lạ trồng trên vùng đất này. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm trồng cam ruột đỏ, với niềm tin loại cam này sẽ làm nên chuyện.
Cây trái không phụ lòng người, chỉ hơn một năm chăm sóc, cây cam ruột đỏ bắt đầu cho những trái đầu tiên. Do thích nghi với thổ nhưỡng ở Lai Vung nên cây cam phát triển khá mạnh.
Thấy khả quan, ông tìm mua thêm 100 cây cam giống với giá 60.000 đồng/cây về trồng, nhưng trong quá trình vận chuyển về vườn, số giống mua về bị gãy bo hết 40 cây. Để khắc phục, ông tự nhân giống để rồi tự trồng phủ khắp mảnh vườn rộng 1.500 m2 của gia đình.
"Dám nghĩ dám làm" mang về thu nhập trăm triệu
Theo ông Huỳnh Hoàng Sơn, cách trồng cây cam ruột đỏ cũng khá đơn giản. Giống cam này thuộc họ cam dây, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao nên ít tốn công chăm sóc, có khả năng sinh trưởng tốt. Cam ruột đỏ cũng có nhiều đặc điểm khác biệt so với các giống cam thông thường và dễ nhận diện bằng mắt thường. Điểm đặc biệt của loại cam này là cây trồng càng lâu lại cho năng suất càng cao.
Ông Huỳnh Hoàng Sơn cho biết, cây trồng chỉ từ 1 – 1,5 năm đã cho trái, một cây có thể cho từ 80 – 100kg trái/năm. Cam ruột đỏ khi còn non ruột có màu hồng nhạt, khi chín vỏ sẽ ngả sang màu vàng, ruột màu đỏ đậm, trông rất đẹp mắt. Cam không có hạt, tép cam mọng nước và dễ bóc, dễ ăn, có vị ngọt dịu đặc biệt, vị chua nhẹ, hương thơm làm nhiều người liên tưởng đến hương vị bưởi.
Với đặc trưng là trái rất nhiều nước, khi xẻ ra nước như trực trào ra bên ngoài, vị ngọt khá lạ. Bên cạnh đó, hàm lượng Vitamin C trong cam ruột đỏ vượt trội, rất tốt cho da, giúp chống lão hóa.
Đến nay, Vườn cam ruột đỏ của ông Huỳnh Hoàng Sơn không ngừng được mở rộng. Hiện ông sở hữu hơn 1ha diện tích trồng cam. Do cây cho trái “chuyền” nên cứ khoảng 2,5 tháng cho thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu được vài trăm kg trái. Với giá bán từ 38.000 – 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm), cao hơn nhiều so với các loại cam khác. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về hàng trăm triệu đồng từ vườn cam ruột đỏ.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn xã Phong Hòa cho biết: “Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây cam mới, lạ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, cũng giúp bà con trong vùng chuyển đổi trồng cam ruột đỏ để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế cho thấy, cây cam ruột đỏ kháng bệnh rất tốt so với một số loại cây có múi khác như cam xoàn, quýt… Lại bán được giá khá cao, cũng như được nhiều khách hàng ưa chuộng”.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.