Thoát ly văn mẫu: Cô giáo dạy Văn bằng sơ đồ tư duy

GD&TĐ - Để văn mẫu không làm thui chột sự sáng tạo của học sinh, nhiều giáo viên đã không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp. Tất cả cùng hướng tới dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học trò.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà quan sát học sinh lớp 9B, Trường THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa triển khai sơ đồ tư duy ở môn Ngữ văn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà quan sát học sinh lớp 9B, Trường THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa triển khai sơ đồ tư duy ở môn Ngữ văn.

Vẽ sơ đồ tư duy

“Chưa bao giờ tôi có chủ trương cho học sinh thân yêu của mình học văn mẫu. Thậm chí, tôi còn rất sợ bởi văn mẫu sẽ làm thui chột sự sáng tạo của các em”. Đây là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Huệ - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Thanh Hóa).

Cũng chính từ những hạn chế này của văn mẫu, cô Huệ đã dành nhiều thời gian để tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ đó, có thể giúp học trò tiếp cận môn học một cách phong phú và có sự đam mê.

Từ kinh nghiệm và niềm đam mê Văn học trong suốt hơn 30 năm gắn bó đã thôi thúc cô Nguyễn Thị Huệ tìm tòi, nảy sinh những phương pháp giảng dạy tích cực.

Một trong những phương pháp được cô Huệ sử dụng là dạy theo công thức, luận điểm. Từ công thức này để vẽ ra sơ đồ tư duy, giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức nhưng lại không gây nhàm chán.

“Với học sinh chuyên khối Tự nhiên, phương pháp giảng dạy theo công thức vô cùng hiệu quả. Bởi, các em vốn dĩ có tư duy logic, tư duy Toán học,… Vì vậy, nếu bài giảng được chia thành các luận điểm thông qua sơ đồ tư duy có thể giúp học trò dễ dàng ghi nhớ mà không phải học thuộc lòng”, cô Huệ nói.

Giờ học sinh động của cô, trò Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.
Giờ học sinh động của cô, trò Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Để không xảy ra tình trạng áp đặt kiến thức, cô Huệ thường chia học sinh các nhóm để đặt câu hỏi. Trong trường học nhóm này chưa trả lời được có thể chuyển qua nhóm khác. Cách làm này giúp giáo viên dễ dàng quan sát, đánh giá được khả năng tìm tòi và sáng tạo của học sinh.

“Ngữ văn là môn học đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng nhìn nhận, phát hiện ra cái đẹp của ngôn ngữ, cuộc sống. Vì vậy, điều giáo viên cần làm là khơi nguồn cảm hứng, giúp học trò phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Chẳng hạn, bộ quần áo lao động của người phụ nữ thể hiện sự lam lũ, khó nhọc. Tuy nhiên, nhiều em lại cảm nhận được đó là minh chứng của tình yêu thương,…”, cô Huệ chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Ngữ văn - Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) cũng cho rằng, lạm dụng văn mẫu có thể dẫn tới tình trạng lười suy nghĩ, lười tư duy ở học sinh.

Vì vậy, đối với giờ học Ngữ văn của mình, cô Hà thường áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh, từ đại trà đến mũi nhọn. Kết hợp giữa bình giảng truyền thống và vẽ sơ đồ tư duy.

Giờ học Ngữ văn sinh động tại Trườn THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa.
Giờ học Ngữ văn sinh động tại Trườn THCS Cù Chính Lan, TP Thanh Hóa.

“Giảng dạy theo sơ đồ tư duy với các nhánh kiến thức vừa tạo sự hứng thú vừa giúp các em dễ dàng ghi nhớ nội dung, dàn ý. Từ đó phát triển thành câu văn, đoạn văn bằng chính suy nghĩ, kiến thức của mình”, cô Hà chia sẻ.

Đa dạng phương pháp

Ngoài giảng dạy theo sơ đồ tư duy, giờ học Ngữ văn của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà còn có sự kết hợp các thể loại: Ca dao, âm nhạc, kể chuyện, thơ, hội họa,… Tất cả hòa quyện nên một tiết học đầy hứng khởi, sinh động.

“Để tăng sự sinh động cho môn học, cô trò còn có những hoạt động ngoại khóa với các buổi tham quan tại phòng truyền thống, viện bảo tàng,… Đây chính là những nơi có nguồn tư liệu văn chương phong phú giúp các em phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình”, cô Hà bộc bạch.

Đổi mới phương pháp cũng là điều cô Chu Thị Nhung, giáo viên Ngữ văn – Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) chú trọng trong suốt quá trình dạy học.

Cô Nhung cũng là trong trong những giáo viên của nhà trường tạo được sự đột phá thông qua các bài giảng thử nghiệm về chủ đề: Phong cách ngôn ngữ báo chí trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ và học trò của mình. Trong quá trình giảng dạy, cô Huệ không có chủ trương sử dụng văn mẫu.
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ và học trò của mình. Trong quá trình giảng dạy, cô Huệ không có chủ trương sử dụng văn mẫu.

Cụ thể, bài giảng về chủ đề này sẽ tập trung hướng đến các kỹ năng thực tế của học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm. Chẳng hạn như: kỹ năng viết quảng cáo, viết tin, phóng sự,…

Đồng thời, kết hợp linh hoạt các phương pháp, như: Thảo luận nhóm, đóng vai, phương pháp kích thích tư duy kết hợp với các kỹ thuật dạy học tích cực như lồng ghép trò chơi....

“Việc kết hợp linh hoạt các phương pháp giúp tạo nên giờ học sôi nổi, thoải mái, không khuôn sáo và gò bó cho các em. Hơn nữa, còn giúp các em kích thích tư duy, rèn luyện kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm,…”, cô Nhung chia sẻ.

Em Phạm Thị Nguyệt, học sinh lớp 9B3 – Trường THCS Nguyễn Du (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) chia sẻ: “Đối với em, văn mẫu vừa có lợi nhưng cũng có hại. Bởi, nếu lệ thuộc vào nó sẽ không phát triển được tư duy sáng tạo.

Cũng vì vậy, cô Nguyễn Thị Huệ không khuyến khích chúng em sử dụng văn mẫu. Thay vào đó, cô sử dụng nhiều phương pháp để chúng em tự sáng tạo nội dung theo cách của mình”.

“Ngữ văn là môn học có vai trò vô cùng quan trọng với học sinh hiện nay. Bởi, đây là môn học giúp chúng em phát triển tư duy sáng tạo, giúp chúng ta thấu hiểu nhau và có những suy nghĩ tích cực”, em Nguyễn Thị Nguyệt, học sinh lớp 9B3 – Trường THCS Nguyễn Du bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ