Giúp học sinh “thoát ly” văn mẫu

GD&TĐ - Cô Lê Thị Hồng An – giáo viên Trường tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) – chia sẻ một số kinh nghiệm để học sinh “thoát ly” văn mẫu.

Cô Lê Thị Hồng An cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC.
Cô Lê Thị Hồng An cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Theo cô An, bài tập làm văn là sản phẩm của sự vận dụng tổng hợp nhiều kiến thức, kĩ năng tiếp nhận trong quá trình học tập. Từ đó nâng cao năng lực tư duy, giáo dục tình cảm, thẩm mỹ cho học sinh.

Nhận thức của học sinh tiểu học là tư duy cụ thể, khả năng diễn đạt của các em còn hạn chế. Vì vậy, tập làm văn là môn học khó với các em.

Từ thực tế giảng dạy cô An nhận thấy, khuyết điểm lớn nhất là bệnh công thức, khuôn sáo, thiếu tính chân thực trong bài văn; ít có sắc thái  riêng biệt của đối tượng được tả.

Vì thế, để bài văn miêu tả có kết quả tốt, cần có phương pháp dạy học phù hợp theo nội dung, yêu cầu của từng bài. Từ đó giúp học sinh rèn luyện phương pháp suy nghĩ, kỹ năng quan sát, tư duy, sáng tạo và cuối cùng là kỹ năng diễn đạt cho các em.

Theo cô An, cần bồi dưỡng cho học sinh kỹ năng làm bài văn miêu tả tốt, lột tả được vẻ đẹp nội dung mang tính hiện thực, giúp các em tự tin hơn với khả năng quan sát, nhìn nhận của mình. Đó cũng chính là mục tiêu của mỗi giáo viên trong dạy học văn miêu tả.

Muốn học sinh sáng tạo và viết được những bài văn chân thực, “thoát ly” khỏi văn mẫu, cần dạy các em biết phân tích bài văn, hiểu được cái hay, cái đẹp của bài văn; dạy các em làm quen với các thuật ngữ: đại ý, bố cục, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, ý nghĩa, tư tưởng….

Theo kinh nghiệm của cô An, để học sinh có thể làm được một bài văn miêu tả  đủ, đúng nội dung và hay, cần rèn luyện cho các em một số kỹ năng như:

Thứ nhất là kĩ năng nói theo yêu cầu đề ra ở môn tiếng Việt: Từ mức độ thấp như: phát âm đúng, dùng từ ngữ chính xác, đặt câu đúng quy tắc ngữ pháp… đến những mức độ cao hơn là phát biểu ý kiến, trình bày một nội dung rành mạch, rõ ràng, làm cho người nghe tiếp nhận được một cách tốt nhất.

Ngoài ra, hướng dẫn học sinh biết sử dụng giọng nói (ngữ điệu), điệu bộ diễn tả nhằm hỗ trợ cho sự thể hiện nội dung… Nếu được tập nói và rút kinh nghiệm về nói (một đoạn hay cả bài), học sinh sẽ có cơ sở để viết bài văn tốt hơn.

Quan tâm đến cách trình bày mạch lạc các ý, tạo được sự thuyết phục đối với người nghe (từ tư thế, tác phong khi nói, đến giọng nói vừa phải – phù hợp nội dung diễn tả, thái độ thoải mái, tự nhiên...).

Vì vậy, trong giờ tập làm văn miệng, giáo viên cần tạo ra không khí hào hứng, kích thích học sinh muốn nói và mạnh dạn nói; từ đó hướng dẫn các em nói sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Ở mỗi ý, mỗi phần, giáo viên nên cho 2-3 học sinh tập nói. Sau đó, giáo viên yêu cầu học sinh khác nhận xét kết quả trình bày của bạn về ý đã đúng, đủ, cụ thể hay chưa? và về lời (dùng từ, đặt câu, diễn đạt có chính xác không, có điểm nào hay...). Giáo viên tóm tắt những ý học sinh đã nói, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm; đặc biệt là biểu dương học sinh trình bày tốt hoặc có nhiều cố gắng.

Giáo viên hướng dẫn học sinh biết sử dụng những câu gợi mở, dẫn dắt ý hoặc gợi ý tìm từ ngữ để diễn đạt mỗi khi các em lúng túng. Kiên trì hướng dẫn học sinh tập nói theo dàn bài (không “đọc” bài văn đã chuẩn bị trước), giúp học sinh tập trình bày bài nói một cách tự nhiên, thoải mái, chú ý nghe bạn trình bày để nhận xét, rút kinh nghiệm cho bản thân (tự học trên lớp).

Cô Lê Thị Hồng An được Liên đoàn Lao động quận Ba Đình (Hà Nội) tuyên dương khen thưởng
Cô Lê Thị Hồng An được Liên đoàn Lao động quận Ba Đình (Hà Nội) tuyên dương khen thưởng

Thứ hai là rèn kĩ năng viết. Theo đó, gáo viên hướng dẫn học sinh biết cách viết câu, viết đoạn văn, biết dùng các biện pháp tu từ trong khi viết.

Kinh nghiệm của cô An là hướng dẫn học sinh từng bước như: Rèn học sinh cách viết câu. Câu văn là một bộ phận của bài văn. Vì vậy, muốn có một đoạn văn hay thì phải có các câu văn hay. Muốn viết được câu văn hay, ngoài việc dùng từ chính xác, câu văn cần phải có hình ảnh. Có hình ảnh, câu văn sẽ có màu sắc, đường nét, hình khối,...

Để câu văn có hình ảnh, các em cần lưu ý sử dụng các từ ngữ gợi tả, gợi cảm và các biện pháp nghệ thuật như: so sánh, nhân hoá, điệp ngữ, đảo ngữ,...

Các hình thức nghệ thuật này sẽ làm cho câu văn trở nên sinh động hơn rất nhiều. Với cùng một nội dung thông báo, song với mỗi cách viết lại có một cách hiểu khác nhau.

VD:  Với nội dung: Con sông chảy qua một cánh đồng, ta có thể diễn tả bằng nhiều cách như: Con sông nằm uốn khúc giữa cánh đồng xanh mướt lúa khoai. Hoặc con sông khoan thai nằm phơi mình trên cánh đồng xanh mướt lúa khoai. Hoặc con sông mềm như một dải lụa vắt ngang qua ánh đồng xanh mướt lúa khoai.

Như vậy, ý của câu văn hoàn toàn phụ thuộc vào ngụ ý của người viết. Với mỗi một cách diễn đạt khác nhau lại cho một giá trị biểu cảm khác nhau.

Cùng với đó, giáo viên cần rèn kĩ năng viết đoạn cho học sinh, bởi đoạn văn là một bộ phận của bài văn. Một bài văn hoàn chỉnh phải có ít nhất 3 đoạn: Mở bài, thân bài và kết bài. Phần mở bài và kết bài thường trình bày thành 1 đoạn. Riêng phần thân bài, có thể tách thành 2 - 3 đoạn, tuỳ theo từng yêu cầu của đề.

Đoạn văn gồm nhiều câu văn được liên kết chặt chẽ cả về nội dung và hình thức ( ý và lời). Vì vậy, khi viết đoạn, chúng ta cần đảm bảo được sự liên kết chặt chẽ đó. Sự liên kết về ý thể hiện ở chỗ nội dung của mỗi câu cùng hướng về, nói về một đối tượng.

Sự liên kết về lời thể hiện ở các phép liên kết câu (phép lặp, phép thế, phép nối, phép liên tưởng...). Đoạn nào không bảo đảm được sự liên kết đó thì đoạn văn sẽ trở lên lộn xộn, thiếu mạch lạc. Các đoạn văn trong một bài văn lại liên kết với nhau thành một bài văn hoàn chỉnh.

Liên kết đoạn văn làm cho nội dung bài văn (văn bản) chặt chẽ và liền mạch. Cách liên kết đoạn cũng tương tự như liên kết câu. Có thể dùng từ ngữ có tác dụng nối, dùng câu nối... và có thể liên kết theo không gian hoặc thời gian.

Theo cô An, cái hay của một đoạn văn thể hiện rõ nét nhất ở ý. Ý càng mới mẻ, càng sâu sắc, độc đáo thì đoạn văn càng có sức thuyết phục. Ý phải diễn đạt thành lời. Ý hay mà không biết cách diễn đạt thì lời văn trở nên sáo rỗng. Lời văn hay là lời văn chân thành, trong sáng, giản dị, có hình ảnh, có âm thanh, có nhạc điệu...và có cách sắp xếp (bố cục) chặt chẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ