Thơ văn trong sáng

Thơ văn trong sáng

Kỳ III

(GD&TĐ) - Thanh Tịnh thuộc về những nhà văn, nhà thơ viết không nhiều, nhưng trong những gì ông viết ra có những dòng đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc. Có hai chân dung Thanh Tịnh, một Thanh Tịnh của thời tiền chiến và một Thanh Tịnh của thời văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. 

->> Kỳ I: Thanh Tịnh – chuyện xưa chuyện nay

->> Kỳ II: Bảo lãnh cho chồng sau của vợ

Không gian văn chương

Thanh Tịnh, (giữa) Bùi Xuân Phái, Văn Cao
Thanh Tịnh, (giữa) Bùi Xuân Phái, Văn Cao
 

Thời kỳ 1930 –1945, Thanh Tịnh đưa thi ca trộn lẫn vào văn xuôi để có được những áng văn đẹp như một bài thơ, bàng bạc những nỗi niềm của một quá khứ đã mất, nhưng vẫn còn gợi lại trong ký ức bao điều xao xuyến, khó tìm lại được. Thạch Lam đã có một nhận xét khá xác đáng về thơ và văn Thanh Tịnh thời tiền chiến “truyện ngắn nào hay của ông đều có chất thơ bên trong và bài thơ nào hay cũng đều có cốt truyện lồng theo”. 

Truyện ngắn của ông tràn đầy chất thơ, đã tạo ra một không gian văn chương riêng biệt. Văn thơ ông có nét riêng, thơ mộng và lãng mạn. Sự thật ngôi làng Mỹ Lý của ông chỉ có trong tưởng tượng, nhưng là không gian của một sự thay đổi, từ những cuộc đời vốn sống êm ả nhưng nay, buổi giao thời giữa cái mới và cái cũ, lại phải chao đảo do cái cũ và mới đối nghịch nhau, Thanh Tịnh tuy vẫn phê phán những tục lệ cổ hủ nhưng vẫn nâng niu và bênh vực những tập quán tốt đẹp của ngày trước, của những đời sống yên bình đã kéo dài từ lâu. 

Thanh Tịnh viết về ngôi làng trong “Quê mẹ” gồm những câu chuyện “vụn vặt” giản dị. Nơi đó có dòng sông, có những bến đò, có bờ sông xanh ngắt cây cỏ, có những con người bình dị với những hoài vọng âm thầm… Điểm tô bằng những tình ca, những điệu hò mái đẩy, quê hương trong văn của ông là nơi chốn thơ mộng, huyền ảo, của những câu chuyện lãng mạn thăng hoa thành ngôn ngữ. Đọc lại những câu văn mang âm hưởng thi ca với văn phong tùy bút bay bổng, trí tưởng tượng bị kích thích và đi xa hơn những hình ảnh tầm thường quen thuộc, gợi lại biết bao nhiêu nỗi niềm…

Thời niên thiếu của Thanh Tịnh, chữ Nho dần dần được chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thay thế. Những trang viết về tuổi học trò, ông vẽ lại một thời kỳ những trường học mái ngói đỏ au dần dần thay thế những lớp ê a câu Tam Tự kinh. Những thầy giáo, những ông đốc học mang ánh sáng văn minh đến tuổi học trò thay thế những cụ đồ già của thời cổ xưa ngồi trên phản ôm xe điếu với những câu “chi hồ giã dã”. Những đứa trẻ cùng thời với ông, lớn lên, say sưa với những biểu tượng của thời đại mới, thích thú trái bóng tròn qua những cầu thủ trong “đội bạn nhà quê”, và chúng nhìn những chuyến tàu đi qua làng với cái háo hức tìm kiếm điều mới lạ từ phương xa. 

Khuynh hướng “trong - sáng”

Lễ cải táng Thanh Tịnh về Huế
Lễ cải táng Thanh Tịnh về Huế
 

Thời ấy, đời sống đã có thay đổi, nên phong tục cũng theo thời thế mà thay đổi. Hình ảnh ông đồ trong truyện ngắn Thanh Tịnh là người thất thế, điển hình như hình ảnh ông Hậu, con của ông Hoàng chủ nhân của một dinh cơ nguy nga, một thời lừng lẫy nay phải đi viết câu đối Tết kiếm tiền ở phiên chợ cuối năm, dù “chữ của ông ta viết đẹp lắm” nhưng chỉ là hình ảnh gợi trí tò mò của những lũ trẻ con xúm nhau vây quanh nhìn ông ta viết một cách lơ đãng không hứng thú. Hay nhân vật chính trong “Chú tôi”, một thầy đồ của còn sót lại, thích nói những câu văn hoa buồn cười và giữ lối sống hủ lậu đang dần dần tàn tạ, trong khi buổi giao thời, mọi giá trị đều bị thay đổi. Trong lòng những người hoài cổ không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi nhớ về những màn cúng tế, những buổi họp làng họp tổng… Với sự thay đổi như thế, tâm lý con người như bị những lực đối kháng, một mặt, chối bỏ những điều cũ kỹ, nhưng một mặt, vẫn thấy bâng khuâng ngậm ngùi trước thời cuộc xoay vần thay đổi.

Truyện ngắn và thơ Thanh Tịnh sâu sắc. Hình như trong tất cả văn mạch của ông đều phảng phất nỗi buồn “thiên bẩm”. Điểm lại những chặng đường đã đi qua, có vẻ như ông luôn luôn nhìn sâu vào con người mình, từ những câu chuyện quá khứ nho nhỏ, những thành công và thất bại, để rồi tỏ vẻ trầm tư và đăm chiêu, bâng khuâng tiếc nuối pha lẫn với tự hào, hãnh diện. Ông đôi khi không giấu giếm sự muộn phiền vì bất lực, khi thấy thời gian đi quá nhanh, mình đã muộn màng. Ông viết:

Nghề nghiệp quá dài, đời quá ngắn

Biết đời, đời hết, biết làm sao.

Thành công khá sớm, tập thơ đầu tay - Hận chiến trường, đã đưa ông lên hàng những nhà thơ nổi tiếng đương thời với Tự lực văn đoàn. Nhiều bài thơ khác còn được đăng trên các báo Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa, Tiểu thuyết thứ Năm… trong số đó có 2 bài gây được tiếng vang lớn: Mòn mỏi và Tơ trời với tơ lòng. Năm 1936, mới 25 tuổi, Thanh Tịnh là người đoạt giải nhất cuộc thi Thơ do Hà Nội Báo tổ chức. Với Thanh Tịnh, về hình thức, thơ văn ông thường biểu hiện ưa  chuộng sự trong sáng, cú pháp minh bạch, từ vựng giản dị, nôm na nhưng phong phú. Vào thời điểm 1940, với những tính từ: Bàng bạc, nao nức, quang đãng… cách dùng của ông đã rất mới mẻ như: “Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi”. Câu văn trong truyện ngắn của ông thường chú trọng đến cách chấm câu uyển chuyển, thong thả, nhịp điệu kéo dài, để đưa đến một câu kết thật ngắn: “Hôm nay tôi đi học”. 

Nguồn cảm hứng, thậm chí “đóng khung” khuôn mẫu nghệ thuật của thơ, văn Thanh Tịnh là ca dao, dân ca. Ông nhìn làng mạc qua câu hát dân gian, cho nên thơ văn ông từ cảnh đến người đã tái hiện dưới sự chiếu rọi ánh sáng lý tưởng, nổi bật những nét thi vị... 

Thanh Tịnh khác với những người cùng thời, thi nhau viết tiểu thuyết luận đề hay hiện thực xã hội, ông chỉ làm cái công việc “thuần túy” một nhà văn trong thơ và ngược lại. Tầm nhìn thi vị và tấm lòng nhân ái của Thanh Tịnh đã hóa giải hầu hết những tranh chấp cá nhân và xã hội đương thời. Với tư tưởng nghệ thuật như thế, ông chọn lọc và chỉ giữ lại vẻ đẹp trong sáng nhất…

VŨ HÀO 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ