Cuộc đảo chính hôm 15-7-2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ kéo dài được vài giờ là thất bại, sau khi người dân và các lực lượng trung thành với chính phủ tấn công phe đảo chính.
Ngay sau đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim đã tuyên bố họ sẽ xem xét khôi phục lại án tử hình ở đất nước này, như một phần trong lời hứa “trừng phạt không thương tiếc” đối với bất kỳ ai tham gia đảo chính.
Tuy nhiên, điều này đang khiến nhiều quốc gia ở châu Âu lo ngại.
Những ai ủng hộ cuộc đảo chính bất thành đang rất lo lắng cho số phận của mình
“Đương nhiên, việc đưa trở lại hình phạt tử hình rõ ràng là không thể chấp nhận được. Thổ Nhĩ Kỳ phải hiểu rõ rằng việc duy trì hình phạt đó bị chúng tôi phản đối, và coi như hình phạt vô nhân đạo, độc ác”, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz bày tỏ.
Ngoài ra, ông Kurz còn cho biết, mặc dù tham gia đảo chính nhưng những người bị cáo buộc cũng chỉ nên bị phạt trong khuôn khổ pháp luật.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, án tử hình đã bị bãi bỏ từ năm 2004, để phù hợp với các tiêu chuẩn của EU. Nhưng nay, khả năng đưa trở lại hình phạt này đang ngày càng hiện hữu.
Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim tuyên bố họ đã nhận diện được tất cả nghi phạm có liên quan tới đảo chính, và sẽ trừng phạt thích đáng “không sót một ai” sau khi tình hình đất nước ổn định.
Trong 1 diễn biến có liên quan, hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lột bỏ đồng phục quân đội, trói quặt tay ra sau và nằm sấp trên nền nhà , sau khi bị bắt vì tham gia cuộc đảo chính.
Trước đó, một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đám đông ủng hộ chính phủ chặt đầu trên cầu treo Bosphorus ở Istanbul, sau khi cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bị thất bại hôm 16-7.