Thổ Nhĩ Kỳ đi nước cờ chiến lược với Gazprom

GD&TĐ -Hợp tác với Gazprom giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm vận chuyển khí đốt chính cho cả thị trường Trung Đông và châu Âu.

Tham vọng trung tâm năng lượng thông qua dự án trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa
Tham vọng trung tâm năng lượng thông qua dự án trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar hôm 1/11 tuyên bố nước này sẽ khởi động một trung tâm khí đốt quốc tế vào năm 2025 thông qua hợp tác với gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom, Sputnik đưa tin.

"Chúng tôi đã tạo ra một cơ sở hạ tầng vững chắc để triển khai hoạt động của một sàn giao dịch trong Trung tâm tài chính Istanbul vào năm 2025 theo quan hệ đối tác Botas–Gazprom", Bộ trưởng Bayraktar nói với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Milliyet.

Đáng chú ý hơn, Bộ trưởng Alparslan cho biết giá khí đốt sẽ được xác định theo chỉ số khí đốt Istanbul.

Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng rằng, với sự phát triển của trung tâm khí đốt quốc tế, quốc gia này sẽ có được sự ưu đãi đặc biệt về giá khi hợp đồng hiện tại với Gazprom kết thúc vào năm 2025.

Theo ông, ngay cả khi Ukraine không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt của Nga, sẽ không có vấn đề gì về an ninh nguồn cung, nhưng giá khí đốt có thể tăng.

Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng rằng một trung tâm khí đốt sẽ giúp nước này trở thành trung tâm chiến lược về giá khí đốt trong khu vực và cũng tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ 50 tỷ mét khối lên 70-80 tỷ mét khối.

Ý tưởng về Trung tâm khí đốt lần đầu tiên được thảo luận vào tháng 10 năm 2022. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin đã đề xuất chuyển hướng vận chuyển khí đốt từ đường ống Nord Stream bị hư hại đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vào tháng 7, Bộ trưởng Bayraktar cho biết nước này đã gần hoàn thành dự án trung tâm khí đốt và đã có cơ sở hạ tầng cần thiết.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan của Nga rằng, cả hai nước đang tiếp tục hợp tác để tạo ra một trung tâm khí đốt và Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho Ankara.

Tham vọng lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ

Các phân tích cho thấy, trung tâm khí đốt này là trụ cột trong chính sách ngoại giao năng lượng mà Ankara đã theo đuổi nhiều năm nay.

Vốn không sở hữu các nguồn tài nguyên năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ đã mang giấc mơ có thể trở thành một trung tâm năng lượng khu vực và đã thể hiện rõ trong tư duy chính sách đối ngoại của nước này.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ đã xem xét các lựa chọn để khai thác vị trí địa lý của đất nước: Thổ Nhĩ Kỳ được kết nối với Azerbaijan và Iraq, hai quốc gia giàu năng lượng, qua một loạt đường ống dầu và với Azerbaijan, Iran, và Nga qua các đường ống khí tự nhiên. Thổ Nhĩ Kỳ là cánh cổng vào Nam Âu, dễ dàng trở thành một trung tâm thương mại năng lượng khu vực.

Ankara cũng đã hoạt động tích cực trong các thị trường khí đốt mới, xây dựng các đốt để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giúp nước này tiếp cận các thị trường từ Algeria và Ai Cập đến Nigeria và Mỹ.

map-turkey-energy-gas-dependence-9.png
Mạng lưới đường ống năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ

Vào đầu những năm 2000, khi EU đang xem xét việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh, năng lượng là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận giữa Brussels và Ankara. Và khi các cuộc đàm phán gia nhập sụp đổ vào cuối thập kỷ, hợp tác về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục.

Đường ống xuyên Adriatic (TAP) và Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP) đã được xây dựng từ năm 2015 đến năm 2020. Ngày nay, chúng là một phần của cơ sở hạ tầng cho phép xuất khẩu khí đốt đáng kể từ Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu.

Một số biến thể của dự án trung tâm khí đốt đã được xem xét trong những năm qua: chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ thu phí quá cảnh từ các đường ống phù hợp với nhu cầu hoặc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hoàn toàn các luồng thương mại năng lượng.

Kịch bản thứ 2 hấp dẫn nhất đối với Ankara, vì nó sẽ cho phép chính phủ thiết lập mức giá mà họ tái xuất khẩu khí đốt mà họ mua từ các nước láng giềng. Tầm nhìn này đã thu hút nhiều sự chú ý hơn kể từ khi Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến châu Âu phải tìm kiếm các nguồn khí đốt mới, không phải của Nga và buộc Điện Kremlin phải tìm kiếm các thị trường khí đốt mới.

Vì người châu Âu không muốn mua khí đốt của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dành lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lượng khí đốt còn lại sau khi khai thác trong nước. Ngoài ra, họ có thể trộn khí đốt từ nhiều nguồn khác nhau và đưa ra thị trường cái gọi là hỗn hợp khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ. Tất nhiên, mức giá bán ra sẽ do họ quyết định.

Trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp trở ngại gì?

Bất chấp sự lạc quan của các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ, dự án trung tâm khí đốt này vẫn phải đối mặt với một số trở ngại.

Về mặt chính trị, ý tưởng này sẽ khó được người châu Âu chấp nhận, những người mặc dù không mua khí đốt của Nga trực tiếp nhưng vẫn không muốn sử dụng khí đốt có nguồn gốc từ Nga.

Về mặt kỹ thuật, công suất của đường ống TANAP, kết nối Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu, chỉ bằng một phần nhỏ nhu cầu của châu Âu, ở mức 360 bcm (12.7 nghìn tỷ feet khối) vào năm 2022.

Về mặt lập pháp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần tiến hành cải cách pháp lý để có thể thành lập một cơ quan quản lý có thể quản lý trung tâm khí đốt. Và thật khó để tưởng tượng các khoản đầu tư của châu Âu sẽ chảy vào một dự án trung tâm khí đốt như của Thổ Nhĩ Kỳ thay vì một dự án năng lượng xanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ