"Với thiên nhiên, lắng xúc động tột cùng
là mưa nắng, là vui buồn hết mực
là tình yêu, cũng đến cùng rạo rực
là cuộc đời, tha thiết, buồn vui…
Riêng một triết lý, vậy thôi
với thức đập nỗi đời, giản dị
Bao vinh dự định sánh cùng, bởi thế
đá vẫn lặng im.
Triết lý và thức nhận, mạch tim
đá thức đập nỗi người, giản dị
Bao giông gió định sánh cùng, bởi thế
đá vẫn lặng im.
Sự lặng im vô thường
riêng đá".
(10/2007)
Bài thơ trên tôi viết về thơ của Tiến sĩ Toán học Nguyễn Văn Vọng - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trước khi ông kết thúc nhiệm vụ tại công sở chừng nửa tháng và sau một ngày bộn bề công việc. Tôi còn nhớ khi ấy là khoảng chừng gần 18 giờ, ông gọi vào máy bàn, nói tôi đến phòng làm việc của ông, mời tôi uống nước rồi đưa cho tôi mấy bài thơ viết tay kẹp trong xấp báo ngày, nhẹ nhàng bảo: “Lúc nào rảnh, cậu đọc xem mình làm thơ được không?”. Tối đó tôi về đọc, rồi chợt nảy ra những chữ như trên và vẫn giữ trong máy tính. Cũng không thể nghĩ một ngày nào đó ông cho in tập thơ “Rơm vàng đường gió” (NXB Hội Nhà văn, 2012).
Cầm tập thơ của một người đã qua cái tuổi lục tuần và đã nghỉ hưu, người ta thường hay nghĩ đến sự chiêm nghiệm, đúc kết sau một chặng đời từng trải. Tác giả của “Rơm vàng đường gió” cũng không phải là một ngoại lệ, nhưng lại hoàn toàn không chỉ thế.. Bởi vì, ông không dành nhiều tâm trí vào việc đó, dù vẫn thấy thấp thoáng trong một số bài, trong đó có bài “Về thôi em”: Em ơi thu xếp về thôi/ Trở về với đất với trời làng quê/ Mát trong giếng đá trăng thề/ Thơm tho cỏ nội thỏa thuê gió đồng…
Em ơi thu xếp về thôi/ Tắt đèn đã có ánh trời trăng sao. Không thấy thật rõ ràng dấu vết của những tháng năm bươn trải nhân sinh, gian khổ tu nghiệp ở trời Âu kể cả những tháng năm về Hà Nội với bao trọng trách và áp lực của thành viên lãnh đạo một ngành. Chỉ thấy một tâm thế điềm nhiên tĩnh tại, thiết tha gắn bó máu thịt với cảnh với người, với đồng đất quê hương thời thơ ấu. Tôi cứ hình dung rằng khi viết những câu thơ đó, trên gương mặt ông ẩn hiện ánh mắt đăm chiêu quyết đoán và nụ cười lành hiền đôn hậu. Những câu thơ trĩu nặng bao hàm ý vị của cả đời người mà sao diễn đạt qua những câu lục bát nhẹ tênh!
Phần đậm nhất trong tập thơ, tác giả dành cảm hứng cho kỉ niệm, người thân. Chính mạch cảm xúc này đưa người đọc đến những miền kí ức vừa thắm tươi vừa cổ kính nơi làng quê trung du Bắc Bộ của ông. Tác giả không say sưa tái hiện kí ức để rồi cường điệu và hướng vào tiếc nuối như vẫn gặp ở những trường hợp tương tự, mà thường đan xen, kết nối tinh tế để tạo một sức biểu hiện riêng. Điều này dẫn đến hệ quả là, ở nhiều câu thơ, bài thơ có vẻ như nghiêng về miêu tả, nhưng không thể đọc nhanh, vì nó có một dấu nối bao hàm một nét nghĩa tiềm ẩn. Chẳng hạn một nét “Vườn trưa”: Vườn trưa lặng lẽ xanh ngời/ Cây nghiêng nghiêng bóng tràn rơi ánh vàng/ Đá xanh xao giấc trễ tràng/ Cỏ hoa thức đợi nhẹ nhàng thả hương…
Nếu cứ trôi theo dẫn dắt mở hướng của ý thơ và trường liên tưởng, sẽ khó cảm được “độ dừng” của hơi thơ và “khúc nhôi” của ý tưởng: Bỗng đâu ngọn gió vô thường/ Như vương đôi chút nhớ thương xa vời… “Thi nhãn” chính là ở đây, ở cái trạng huống “bỗng dưng” và mức độ thông tin tưởng chừng rất mỏng manh “như - vương - đôi chút nhớ thương - xa vời” ấy lại tạo nên sức nặng, độ chùng, khúc quanh của mạch lục bát tưởng như chỉ đang dào dạt chảy xuôi. Chính câu này tạo tiền đề cho nhịp đọc phải rất chậm ở câu cuối: Lá vàng theo gió rơi rơi/ Vườn trưa càng lặng càng ngời sắc xanh.
Khu vườn kí ức như cuốn phim quay chậm, vừa đồng hiện vừa mờ chồng, rưng rưng hương sắc. Cách lập tứ này người đọc còn gặp ở các bài “Tháng Ba”, “Trung du”, “Ban mai”, “Nguồn cơn”…
Trong cái âm hưởng chủ đạo ấy, nếu thiên nhiên cảnh vật là những nét chấm phá chủ yếu mang tính khơi gợi thì hình ảnh và kí ức về những người thân lại tựa như những chặng dừng, nốt lặng của cung trầm. Đây là kí ức về “Cha già”: Cha già/ Tùng biếc/ Thông xanh/ Dạy con/ Dáng thẳng/ Đất lành/ Trời cao. Những câu thơ ngắn, cô đúc nhưng ngay từ đồ hình của bài thơ đã khắc họa rõ nét cốt cách, khát vọng có tính chất tượng hình về người cha với ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tác giả. Cũng có khi, thông qua hình ảnh người thân, lại thấy được chính cuộc đời của tác giả qua những hình ảnh mang tính biểu tượng.
Chẳng hạn, bài “Cùng em”: Từ em ta có sông Cầu/ Vời xa ra biển thẳm sâu về nguồn/ Bao nhiêu nắng đổ mưa tuôn/ Không sâu biết chở vui buồn về đâu/ Qua sông một thuở không cầu/ Cùng em chèo chống vực sâu thế thường/ Từ em ta có sông Thương/ Bến xưa heo hút nẻo đường đìu hiu/ Nương theo vượn hót chim kêu/ Một em thăm thẳm những chiều sương sa/ Gừng cay muối mặn đâu là/ Thả dòng trong đục theo ra biển trời/ Cùng em ta vượt sông đời/ Xếp buồm dựng quán thảnh thơi bến lành. Bảy câu lục bát xếp thành ba khổ có tính độc lập tương đối như khái quát một chặng đời, khái quát một ý tưởng, khái quát một triết lí nhân sinh. Lấy “điểm tựa” là người bạn đời với nghĩa tào khang, tác giả triển khai mạch liên tưởng: Em – sông Cầu – biển thẳm – về nguồn. Tất cả tạo thành một hình dung "thi cảm" khép kín có thủy có chung.
Đồng thời, với nghĩa biểu tượng phát sinh của tên gọi hai con sông gắn với quê hương tác giả: “Sông Cầu – ra biển thẳm sâu”, “sông Thương – bến xưa heo hút nẻo đường đìu hiu” tác giả cũng tạo thêm những liên tưởng ý vị độc đáo, bất ngờ.
Trong tập thơ, cùng với cảm hứng về kỉ niệm là những đề tài mang tính chất ngẫu hứng, khi phác vẽ một cảnh sinh hoạt hay phong cảnh thiên nhiên làng quê (Đăng đó, Chuồn kim), khi phảng phất sắc màu ngâm vịnh (Đỗ quyên, Hoàng Lan, Ngọc bút, Dành dành…), khi bời bời nỗi niềm nhân sinh thế sự (Sông ơi, Sấm thi, Hoa Lư mây trắng, Thương đá, Nguyện cầu, Trở về nắm đất…).
Ở đây, tác giả không chỉ thử sức ở nhiều lĩnh vực đề tài mà còn tạo nên giọng thơ khá đa dạng. Đặc biệt, chính những ngẫu hứng ấy cũng góp phần tạo nên sự đa dạng của bút pháp, đó là các trường hợp “Giao mùa”, “Thơ cỏ”, “Tiêu Tương”, “Tình đá”. Riêng ở “Tiêu Tương”, việc cấu trúc các hình ảnh thơ theo trình tự gián cách và hợp nghĩa các nét biểu tượng đã tạo nên hiệu ứng liên tưởng thẩm mĩ vừa phong phú vừa sâu sắc.
Cũng xin nói thêm, vì yêu môn Toán từ bé, nên cũng từ bé tôi cứ ám ảnh đinh ninh rằng nói đến toán học là chỉ nói đến sự rành mạch. Nhưng càng sau này càng thấy không chỉ vậy. Minh chứng cho điều này là những câu thơ trong “Rơm vàng đường gió” của tiến sĩ toán học Nguyễn Văn Vọng: Tháng Ba hoa dại nở vàng/ Cài trên khuông nhạc mấy hàng dậu thưa/ Hồn ơi sao cứ la đà/ Như ôm lấy đá, như hòa với cây/ Bước chân về đến cuối trời/ Mấy câu thơ cỏ thả chơi theo dòng. Thay vì sự phân định mạch lạc là một nhịp tự nhiên của tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây, nửa như thơ thới nửa như giằng níu (trách chi thi sĩ tài danh Nguyễn Bính cũng từng “Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành”, nhưng vẫn đau đáu một hồn quê trong vắt)!
Nhà giáo Nguyễn Văn Vọng sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc, một vùng văn hóa của người Việt cổ. Có phải vì thế mà nét thâm trầm và nét tài hoa luôn đan quyện và tạo nên chất thơ ông trong tập “Rơm vàng đường gió”; một chất thơ luôn vừa tĩnh vừa động trong những khôn nguôi kết lắng về tình đời, tình người, giàu khả năng khơi gợi và lan tỏa dư ba.q
Hà Nội, thu 2017