Làng Thời bạch thoại

GD&TĐ - LTS: Như chuyện đã kể, làng Thời nhao nhác, bất ngờ khi lý cựu mất chức. Ông lý cựu tuột triện là do lấy cớ bà lý mất xuyến bạc, sai tuần đinh câu lưu cả đêm, đánh đập thằng Mới. Uất ức vì nghi vợ mình đêm ấy được ông lý “cạo gió”, lại còn bị ăn đòn hộc máu nên thằng Mới phản đòn tố lên quan phủ việc lý cựu gian lận công điền, thuế thân. 

Làng Thời bạch thoại

Dân làng Thời còn loan tin vợ chồng ông lý cựu qua cầu rút ván, quên công quên quả, lại còn truy cùng đuổi tận thằng lý mới, hại nó mất chức nhưng ai ngờ gậy ông đập lưng ông. Vừa lên chức, thằng lý mới đã cách ngay chân thủ từ miếu thôn Trung của mụ Thúy, chủ nhà săm bên bến đò lên chợ huyện, rồi đưa chú Ba Thơ, dân ngụ cư thay vào. Gã lại còn thu ruộng làng về, tổ chức đấu khoán công điền của làng. Mụ Thúy hậm hực mất miếng cùng lão Lườn, mụ Tho dán bản cáo bạch khuyến danh giữa đình chửi thằng lý mới làm sai phép quan. Nhưng rồi cả ba mâu thuẫn nên mụ Thúy bị hai cộng sự nhét cứt trâu vào miệng. Sau đây là tâm tư của những người trong cuộc…

Kể từ thời mồ ma cụ đồ Thiết, dân làng Thời đã vỗ ngực bành bạch rằng đến con chó đất này cũng có chữ. Chẳng thế mà con khoang nhà cụ tiên chỉ vằn chữ đao trên lưng, vện chữ tâm dưới bụng. Còn bao nhiêu loại chó lăng nhăng, chữ nhí nhố thì nhiều không kể. Cụ đồ cắt nghĩa, chữ nhẫn có bộ đao ở trên, bộ tâm ở dưới. Đao đâm vào tim mà vẫn chịu được thì họa có là gan đồng, thịt sắt. Chiết tự chữ nhẫn loan truyền như vậy nên từ thằng Nhâm đánh giậm ngu si tứ chi phát triển cho đến chú Sửu buôn trâu đều biết cả.

Phúc đức cho cả làng là cụ tiên chỉ lại có cái u thịt thòi lòi trên mặt. Chữ nho, thịt là nhục nên quân ba que, xỏ lá nói cái nhẫn của dân làng Thời là nhẫn nhục. Cụ tiên chỉ cáu lắm. Cha tiên nhân bố cái quân đểu giả. Nó lại ghép mặt tiên chỉ nhất đẳng trong làng với bụng con chó thì còn tôn ti trật tự gì nữa. Phải ngày trước, ông sai tuần đinh lấy dây thép trói gô bài vị nhà chúng mày, vứt xó kho thóc công điền của làng cho ông bà, ông vải cái quân láo toét ấy không siêu thoát được. Thử xem hậu duệ, thê nhân có mở mặt mở mày được hay không. Đã thế lại có ông thầy địa lý đi qua phán thế đất làng Thời giống như cái yếm đàn bà. Hai cái quai yếm là hai dải đê mỏng quẹt, vắt ngược lên như ria mép cụ huyện. Cả vạt đất làng gồm ba thôn Thượng, Trung, Hạ ấy như cái móng lừa chùng ra mãi tận ngoài bãi sông. Quan viên làng Thời mà không biết trị nhậm dễ lâm cảnh nữ nhân loạn đảng.

Cụ tiên chỉ đã cáu rồi vậy mà hôm rằm tháng bảy, bát Tỏa đến nhà biếu cụ mấy lạng trà ngâu tấu, cái tội thượng bất kính, hạ khi dân này là của thằng lý mới. Hôm trước, bát Tỏa thấy thằng lý mới xỏ xiên nói với nhiêu Vành, từ nay nhà ông dẹp cái quán mộc tồn ở điếm canh đê đi kẻo trộm bắt hết chó. Mà hết chó thì hết nhẫn, đã hết nhẫn chỉ còn có nhục thôi. Nói thể chẳng hóa ra là xúc xiểm à. Rồi bát Tỏa cắt nhẽ, đầu tháng mụ Thúy “nhà săm, nhà thổ” uất nghẹn hầu nghẹn cổ cùng mụ Tho, lão Lườn dán bản cáo bạch giữa đình làng tố thằng lý mới đấu khoán công điền.

Gái góa lo việc triều đình, tưởng thiên hạ có ba bồ chữ thì mình có hai bồ nên muốn ăn tươi nuốt sống ngay được thằng lý mới. Hóa ra lại bị nhét cứt trâu vào mồm, ốm liệt hơn một tuần mới dậy được. Thấy bảo thằng lý mới cho trương Thìn kiểm đếm tiền dầu nhang phát hiện ra mụ Thúy khi còn làm thủ từ ăn chặn của làng mấy chục quan tiền. Chuyến này chẳng biết đứa nào bị đưa đến tòa áo xanh, áo đỏ. Thế rồi nghe nói nhà lý cựu vẫn còn căm thằng lý mới lắm vì nghi thằng này xui mõ Mới viết đơn kiện lên quan phủ đến nỗi tuột cả triện đồng. Chẳng thế mà bà lý cựu đi cầu đảo khắp đền nọ, phủ kia mượn đồng, nhờ cốt đốt bùa, đặt đá trấn yểm sao cho cái quân sấp mặt ấy rước tai, lãnh họa.

Chẳng biết có thánh, có thần nào nghe bà lý cựu tụng niệm cái chuyện hại người hay không nhưng bát Tỏa như đinh đóng cột chuyện này có thật. Là vì chính mắt gã nhìn thấy đêm mùng một tháng Tỵ, trước khi mất chức vừa rồi, vợ chồng lý cựu mượn đồng cốt về trấn yểm. Nhân lúc tuần đinh bận hộ đê, nhà lý cựu mang xôi, gà ra đình làng, thắp hương ba nơi rồi vào án gỗ thằng lý mới hay ngồi đốt bùa, đốt mã khiển âm binh về vật cái thằng tạo phản ấy.

Hẳn là căm nhau tới cùng cực rồi mới thế. Sắp thua bét tĩ rồi nên bà lý cựu xui chồng dùng cả tới thần quyền. Hơn nữa, mụ Tho, lão Lườn, nhiêu Vành vẫn canh cánh mối thâm thù với thằng lý mới. Như thế chẳng hóa ra nó tứ bề thọ địch à. Chức lý trưởng như trứng để đầu đẳng lại rơi vào thế thập diện mai phục, thằng nhõi con ấy liệu được mấy hồi. Nghe bát Tỏa nói vậy, cụ tiên chỉ vuốt râu cười nhạt. Cái mụn thịt trên mặt cụ giật giật đầy cơ mưu. Xẩm tối, đã thấy cụ tiên chỉ chống gậy đi xuống thôn Trung nắm bắt nhân tình, thế thái.

Bà lý cựu tự sự

Bọn khố dây làng Thời này quả là những quân ăn cháo đá bát. Ông lý nhà mình ăn ở phúc đức, có trên có dưới mà chúng nó lấy oán báo ân, bạc tình, bạc nghĩa. Mới mấy tuần trăng trước, từ thằng nhiêu, thằng xã đến đám hương, đám tuần nay chầu, mai chực, khăn đóng, áo dài mà nay ông lý mất triện, chẳng thấy đứa nào vo ve.

Ấy thế mà chúng còn đổ tiếng oan cho ông lý nhà mình tằng tịu với vợ thằng Mới. Của bà trắng như bông bưởi, tươi như đòng đòng thế này mà ông lý còn nguây nguẩy, phải dỗ dành mãi mới được năm thì mười họa. Chứ cái quân chân đi chữ bát, ngực phẳng như lưng ấy thì họa chim chuột với mấy thằng tuần đinh, lái lợn là cùng. Đã thế, ông lý chẳng may còn mắc bệnh đái đường thành thử vợ cũng khổ lây, răng sâu mất mấy chiếc. Bệnh ấy có yêu vợ kịch thước thợ mộc cũng như ông lý nhà mình là cùng. Giỏi lắm xuân thu nhị kỳ, còn lấy sức đâu mà ra thiên hạ. Của nhà ngọt như mật, bùi như khoai đây, ăn mãi còn chẳng hết nữa là. Mấy lần con mụ Tho thờ cả vua lẫn giặc, miệng móm trán dô thì thụt kể với bà rằng làng trên, chạ dưới ầm ĩ việc ông lý với vợ thằng Mới. Chưa dứt mồm đã bị bà mắng cho sấp mặt.

Vợ chồng bà ăn ở với nhau mấy mặt con, có nhẽ đâu thế. Bà chúng mày con gái xứ Đoài da trắng, tóc dài, kính trên, nhường dưới. Đến thầy đồng Nghênh bên làng còn phải đã nói bà chân mệnh nguyên phi Ỷ Lan, buông rèm nhiếp chính, chứ đâu phải loại mèo mả gà đồng mà quân xỏ lá kia trâu lấm, vẩy càn. Bực nhất là việc thằng Tí “chuột” thuê lều trước miếu thôn Trung làm nghề cạo răng không giữ bí mật nghề nghiệp. Răng có vàng thì bà mới nhờ mày cạo chứ sao hôm uống rượu thịt chó ở nhà nhiêu Vành, mày lại bảo bà lý đi qua vườn nhà nào là chuối chín hết. Mày đểu giả nói mồm bà hà hơi chín chuối chứ bà còn lạ gì tông môn nhà mày nữa. Thấy thằng bát Tỏa mật báo, vợ thằng lý mới còn bảo, nếu lão Tỉn “cò cử” kéo nhị nhạc hiếu ở làng mà lăn ra ốm thì cứ mời bà lý cựu đến xướng âm thay nhị, ắt hẳn hay không kém. Chúng mày tưởng bà không biết cái thói ba que, xỏ lá ấy à. Quê bà ở xứ Đoài, giọng trong veo, nghe qua tưởng không dấu. Vậy mà mày lại nói giọng bà ử ê như kéo nhị. Quân khốn nạn.

Ông lý nhà mình, khôn chẳng ra khôn, dại không ra dại. Đi huyện, về phủ, mình bày mưu cho mà làm việc quan. Cẩn tắc đến thế mà vẫn bị thằng phó lý lật mặt, thọc dao sau lưng đến nỗi mất cả chức. Ngay từ khi ông lý chưa lên chức, thằng phó lý còn giữ chân hội đồng, bà đã nhìn ra cái mầm phản của thằng này. Ấy thế nhưng dụng nhân như dụng mộc, tương kế tựu kế nên chẳng tội gì không kệ nó chạy sấp, chạy ngửa lo cái triện đồng cho chồng bà. Mỗi lần thấy nó túi lớn, túi bé đưa ông lý lên cụ tổng đốc là biết nó trúng kế rồi. Nhà bà nhân từ, chồng bà có căn, có cốt, nhà mày phải có phúc đức lắm thì mới được giúp chồng bà tới những nơi cao đường, cả miếu ấy.

Thôi thì nhà bà rộng bụng nên cho phép mày đôn đáo lo việc cho ông lý. Mà việc của ông lý là việc của làng, của nước, của dân chứ có phải riêng ai. Cứ để nắm chặt cái triện đồng trong tay rồi phép tắc như thế nào tính tiếp. Với lại nhà bà còn đang dở việc mua cho thằng cả mảnh đất cạnh chợ làng, lại sắp cho thằng hai lên huyện học, tiền đâu mà nay dâng phủ, mai lễ huyện. Cái kế mượn hoa dâng phật, nhờ rượu kính tiên ấy thì làm sao cái ngữ đầu to, óc như con cò nhà nó nghĩ ra được. Lúc xong việc, hết thỏ thì giết chó, hết chim thì bẻ cung. Nhà mày đã đọc đến sách Việt vương Câu Tiễn đâu mà biết những mưu kế thần sầu quỷ khốc ấy.

Chồng bà đã bao nhiêu năm làm phó lý, nức danh hàng tổng, hàng huyện. Ai cũng phải khen là tính thóc không nhầm một cân, thu thuế không sót một đồng. Cứ cho úp mặt vào sổ điền bạ, sổ mục kê thì ngồi cả ngày, cả đêm như tượng cũng chẳng hề hấn gì. Mà phúc cho nhà bà, ông lý chẳng cô đầu, chiếu văn, trêu hoa, ghẹo nguyệt. Đưa cho một quan tiêu vặt mà bốn tháng sau vẫn còn đến tám tiền. Bòn được đồng nào cũng chỉ chăm chắm đưa vợ. Lắm lúc cũng thương, mua hẳn cho khấu đuôi lợn cộc để bồi dưỡng vậy mà ông lý cũng cứ cằn nhằn mấy đêm liền. Nào thì mua đuôi lợn chẳng mua của vợ nhiêu Vành cho rẻ, lại đi mua của em lão bá Trinh làm gì. Dại đâu quá thể, sao lại không mua lúc xế chiều. Sáng ra đã mua thịt tươi, nó chẳng bóp lòi kèn ra ấy à. Sao không chặt ngắn ra như đốt ngón tay, nấu với khoai sọ có phải được cả nước cả cái không. Đằng này luộc lên, tọng vào họng một bữa đã hết thì mấy mà khuynh gia, bại sản. Chẳng thế mà trước mặt cả tổng, cụ huyện cứ phục lăn ra khen: “Anh lý chẳng có đức gì hơn cái đức tiết kiệm”. Nghe mà mát ruột vì chồng.

Lậy thánh mớ bái, trời phật mát tay thế nào mà chồng bà được quan trên cho cầm triện đồng. Đó là công quả của bà nay đền nọ, phủ kia chứ cái thằng nhãi ranh nhà mày giúp được mấy việc. Chồng bà giỏi việc quan, nhà bà ăn ở phúc đức nên mới công thành danh toại. Mày có quen cụ tổng đốc thật nhưng sao không tự dẫn xác lên mà ứng thí vào cái chức lý trưởng. Mày phải “núp bóng tùng quân” chồng bà làm gì. Chẳng có mày, đầu tháng cao hổ, cuối tháng sừng tê thì cũng đầy thằng xếp hàng phò tá chồng bà ra giữa đình chễm trệ, nói có người nghe, đe có kẻ sợ. Hữu xạ tự nhiên hương mà.

Đã thế, chồng bà đã bận việc quan mà nay mày thậm thụt, mai mày nhờ vả họp làng bầu cho mày chức phó lý. Ngày xưa thanh mai, trúc mã nó khác, bây giờ miếu cả, cao đường nó khác. Việc quan có phải chơi đâu mà mày cứ nghĩ như việc xó bếp. Anh em, thủ túc gì với nhà mày. Bà chẳng thiếu nhưng đến nhà cũng phải có cơi trầu, bao thuốc cho ra vẻ tận tâm, thành kính. Cứ đến tay không như thế bảo làm sao ông lý chẳng lánh mặt. Trước kia mày lo việc cho ông lý thì mày mang đi tận thượng xanh, hạ đỏ nào chứ chồng bà có tư túi gì của mày đâu mà giờ mày cứ như bắt vạ.

Ông lý lánh mặt suốt, mà chẳng biết thế nào mà cụ tổng đốc lại triệu lên tỉnh giao cho việc phải họp làng bầu thằng mặt dày ăn vạ ấy chức phó lý. Quân này sấp mặt, mày lại mượn oai thiên tử để trấn chư hầu. Mày lại giở quẻ lấy thượng đè hạ. Được, cứ chờ đấy. Mày có là phó lý thì cũng không mở mày mở mặt ra với chồng bà được. Sao lại đòi sáng hơn giăng, sân lại muốn cao hơn thềm. Mày đã biết nhục chưa, hôm họp quan viên trong làng, vợ chồng thằng Mới kê ba cái ghế cho cụ tiên chỉ, ông lý và thằng phó lý. Mày vừa đặt đít ngồi xuống đã bị chồng bà đuổi thẳng ra giải vũ ngồi với bọn trai em. Mày còn trẻ, tính như con ngựa hoang, cứ làm nhục, cứ cô lập là khắc chán. Nếu mày bỏ đi, suất phó lý bà bán cho nhà nhiêu Vành hoặc như em vợ nhà cả Tiếu mà chẳng ra được mấy khoảnh đất gần chợ làng à. Mày lo việc quan cho ông lý xong là hết phận tôi đòi, đằng này mày còn nã nhà bà chức phó lý. Có họa là hiền như trâu, như bò cũng chẳng chịu nổi nhà mày.

Mới nhậm chức phó lý mấy hôm, mày đã giở quẻ với nhà bà. Đầu tháng mày xuống thôn Hạ mời rượu hươu, rượu hoẵng từ trương tuần, khán thủ đến mấy thằng bạch đinh ngoài bãi. Giữa tháng mày đã lại ra thôn Trung để mổ trâu, mổ bò khao vọng gì mấy thằng hương già với dăm thằng nhiêu trẻ ngoài ấy nữa. Thấy vợ thằng Mới mật báo là mày nghênh nghênh, ngang ngang cầm chén rượu đi chúc, đi tụng từng người, rồi hứa, rồi hẹn. Thằng hương Nhật còn nâng chén lên tuyên bố trao hết tuần đinh, khán thủ, tay dao, tay thước thôn Hạ cho mày soái quyền. Thế chẳng hẳn mày định làm phản đấy sao.

Đã thế, việc làng là việc chung, cớ sao mày lại xin quan viên bỏ tiền túi ra để vật trâu, mua rượu. Nếu không tạo phản thì ngu gì mà bỏ bạc nén ra chơi trò “ném thóc đãi gà rừng”. Mưu tiền lễ, hậu binh kiểu Hồ Tôn Hiến vây Từ Hải ấy, bà đây chẳng lạ. Đấy là chưa kể ông lý đi thu thuế thôn Trung, mày cũng biết. Cho thuê đầm thôn Thượng, mày cũng hay. Làm phó như chó xích cột, cứ việc gì ông lý động thủ, động mỡ một tí, mày cũng dí mũi vào thế thì ai mà chịu nổi. Chồng bà có thiên lương, chứ phải bà thì bà vả vỡ mồm. Nhưng thôi, lú khắc đã có chú nó khôn, còn bà đây thì hẳn mèo nào cắn được mỉu nào.

Đấy, lũ ngu cùng đinh, bạch thủ chúng mày cứ vu cho chồng bà chim chuột với vợ thằng Mới. Tằng tịu mà thằng chồng nó không kiện ông lý chuyện trai trên gái dưới, lại kiện chuyện thu thuế, thuê ruộng à. Nếu ông lý có trên hoa, dưới nguyệt với con “hai lưng” ấy thì hẳn qua mắt bà được chắc. Cái thằng Mới dám kiện ông lý, chẳng hóa ra chuyện con kiến đi kiện củ khoai, châu chấu đá xe. Chúng mày không ngỏng cổ, vếch tai lên mà nghe bà truyền khẩu đây, không có đời lý trưởng làng Thời nào thân với cụ phủ hơn ông lý chồng bà. Chúng mày làm sao biết được, có yến khoai mật, quả ổi ương nào mà bà không lên biếu bà phủ ngày rằm, mùng một. Nếu đánh khánh vàng, đúc nhẫn ngọc lên dâng thì hóa ra lậy ông tôi ở bụi này à. Ăn thóc, bớt thuế gì mà của nả phung phí như vậy.

Chẳng thế mà bà phủ từng khen: “Vợ chồng anh lý làng Thời quả là thanh bạch. Cứ cây nhà lá vườn quanh năm thế này, cụ phủ lại chẳng xanh ruột, mát lòng mà cho chân chánh tổng chứ chẳng chơi”. Đấy, cái thằng phó lý mưu phản đã biết ngu chưa. Ngả trâu, giết bò, sắm rượu “đãi gà rừng” cho lắm vào để khi họp hội đồng làng, bọn nhiêu, bọn xã nó có bỏ cho mày phiếu nào đâu. Đúng là thuận buồm xuôi gió thì chén chú, chén anh, nước chảy loanh quanh thì b…anh, d…chú. Ông lý nhà bà đức cao, vọng trọng, mày cứ tưởng mấy bữa nhờn môi, nhờn mép ấy mà mua được sự cung cúc tận tụy của đám quan viên làng Thời này à. Mày nhầm rồi, nhãi ranh ơi. Người ta phù thịnh, ai lại phù suy. Đã vậy, bà lại xui ông lý tuần nào cũng lên gặp cụ phủ thúc việc bãi miễn chức phó lý của mày. Phiếu thế thì làm gì còn uy tín để mà làm phó lý. Để xem lúc mất cái chiếu giữa làng, mày còn nghênh ngáo rượu chè, sênh phách, cô đầu, cô đít nữa hay thôi.

Thế nhưng nhà bà phải cơn vận túng, cơn đen nên cụ Phủ lại bị quan tổng đốc điều đi trị nhậm nơi khác. Vậy nên anh hùng cái thế như chồng bà mới sa cơ chứ không phải vì đơn tố cáo của thằng mõ Mới đâu nhé. Nhưng không hiểu cơ sự thế nào, trước khi luân nhiệm có bảy ngày, cụ Phủ lại cho thêm cái trát sang cụ Án bắt nghiêm trị quan viên làng Thời. Bà vắt tay lên trán, trắng đêm mãi mà chẳng nghĩ ra. Cái tin cụ Phủ phiên quan đã có gần một năm nay. Thề có đèn giời, năm nay bão lụt liên miên nên từ khi tin dữ ấy loang ra, đến thanh bông hoa quả cũng mất mùa, nhà bà thất lộc chẳng có gì biếu cụ. Ông lý lại đau ốm suốt, cũng đã lâu lắm rồi không đi ra được khỏi làng. Lòng tưởng nhớ, tri ân cụ Phủ vẫn canh cánh trong lòng nhưng lực bất tòng tâm chứ nào phải bạc tình. Hay cụ Phủ hiểu lầm rằng do sắp đáo nhiệm nên ông lý giở mặt. Một tấm lòng son vằng vặc giữa trời, nhà bà đâu bạc như thế. Nào đâu có sấp mặt như nhà nhiêu Vành.

Mọi ngày là thủ túc tương thân với nhà bà như thế, ấy vậy mà ông lý mất chức được mấy hôm, con vợ nó đã dẩu mỏ lên cạnh phản thịt: “Chân mệnh Ỷ Lan đâu, buồng rèm nhiếp chính thế nào mà lại để chồng tụt khăn, rơi khố giữa đình. Chẳng qua là do ăn ở phúc đức quá nên thế”. Đấy, chưa gì hồ ly đã lộ mặt. Cay đắng lắm, bà nói mãi mà ông lý không nghe, cứ chủ quan, lúc nào cũng tự đắc: Nhiêu xã, trương tuần, khán thủ, tuần đinh trong làng… phục cái tài của mình nên răm rắp. Như thế, quan nào dám cách chức lý của tôi. Nếu cách thì hội đồng quan viên trong làng để yên cho chắc. Ngẫm ra thằng lý mới ngu thế nhưng lắm khi nó mượn rượu nói cũng đúng. Rằng quan viên trong làng chẳng trung thành với thằng nào cả. Họ chỉ trung thành với nồi cơm, niêu cá của họ mà thôi nên việc tống cựu nghênh tân là nhẽ thường. Trách cứ làm gì cho nhọc xác. Thì chúng mày cứ nghênh tân xem sao, hãy chờ đấy…!

Mụ Thúy tự bạch

Chẳng cứ phải làm đến thủ từ mà xưa tới nay, con ruồi bay qua mặt là bà đã biết ngay đực hay cái. Nhưng thế quái nào trong lúc tâm chấn, thần động, bà lại nghe cái bọn ba toa đồ tể, lũ thờ vua lẫn giặc là lão Lườn, mụ Tho ấy dán cái cáo bạch khuyết danh tố thằng lý mới. Khuyết danh thì chỉ được cái chửi cho sướng mồm thôi chứ huyện đông, phủ đoài nào nó xem xét đến. Phải là đơn chính danh, như thế cụ phủ, cụ án khắc phải sai lính cơ, lính lệ xuống tróc cổ thằng lý mới. Mày chỉ hơn con bà có mấy tuổi, bà sẽ trị cho mày biết mặt cao nhân. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại cũng thấy bất an. Hôm trước thằng Ba Thơ, thủ từ mới miếu thôn Trung và thằng trương Thìn pha ấm trà đặc, ngồi cả đêm cộng sổ dầu nhang.

Cái tiền thuê lều mà thằng Tí “chuột” đi đêm với bà thì mả bố nó có bật dậy cũng chẳng dám khai với ai. Thế nhưng cái món tiền sang sửa hoành phi, câu đối, tô tượng, vẽ rồng trong miếu thì quả là khó lý giải với làng. Thằng trương Thìn mấy đời nhà nó thống lĩnh tuần đinh, thính mũi khác gì con chó săn. Công thợ thuyền, tiền vôi vữa thế nào, nó lại chẳng biết. Nếu quân nghịch đảng mang chuyện này lên quan thì bà mày chắc hẳn cũng gay go. Uất nhất là hôm rằm trung thu, nghe bát Tỏa buôn chuyện, khi uống rượu ở đình làng, thằng lý mới lại ngâm nga, lấy đũa gõ nhịp theo lối văn: “Gái góa lo việc triều đình/ Nhà thổ lại thích đi rình quan viên/ Cú mèo tự ngẫm là tiên/ Ky kiệt đồng tiền lại muốn trọng sang/ Cả đời ở bụi, luồn hang/ Cứ tưởng đình làng giống việc buồng săm/ Võng đào muốn ngả lưng nằm/ Nào đâu váy rách lộ trăm rận kềnh/ Tai trâu khoe phách, khoe sênh/ Máng mương lại muốn dập dềnh súng, sen/ Anh thư, nữ kiệt đáng khen!?” .

Uất thì uất thế thôi chứ chắc nó chửi người khác, tông môn mười đời nhà nó sống dậy cũng chẳng dám chửi bà đây. Mệnh bà thanh phong, minh nguyệt chứ phải quân “váy rách rận kềnh” đâu mà vận vào mình. Nhưng dẫu có chửi người khác đi chăng nữa mà cứ động đến chữ nhà săm là bà cũng chẳng để cho mày yên. Vợ lý cựu nó dùng mưu mượn hoa dâng phật thì bà đây dùng kế mượn dao giết người. Bà sẽ tìm được đứa nào vừa ngu dốt, vừa căm phẫn nhà mày để tính sổ. Bà vẫn biết chuyện khoán công điền làng trên, chạ dưới đều làm thế cả. Bà vẫn biết cụ phủ cũng đã sức giấy cho quan viên làng Thời được đấu giá. Thế nhưng bà cứ xui bọn rận váy nó kiện, mà đã kiện là mày phải giải trình, phải mất mặt, phải kêu, phải cầu. Rồi mày lại phải lên phủ kêu oan, về làng báo oán. Rồi bà lại ở thế “tọa sơn quan hổ đấu” xem chúng mày sứt đầu mẻ trán thế nào. Thằng lý mới có đánh, có giết thì đứa đứng đơn phải chịu, bà mày vô can.

Đấy là chưa kể thằng này vướng việc quan trên hạch khảo, nó sẽ không chú tâm vào việc sai trương Thìn, Ba Thơ tính sổ dầu nhang thôn Trung. Đấy là mưu “vây Ngụy cứu Triệu” hồi mồ ma lão thầy cúng chồng bà dạy. Cũng có người khuyên bà là đã tuổi cao, bóng xế thì nên vui vầy cháu con nhưng đã trót mang phận anh thư, nữ kiệt, bà không để cho mày vùng vẫy, huênh hoang ở cái làng Thời này. Số bà phải thế thiên hành đạo, chúng mày hiểu chửa. Ấy là chưa kể, nếu thằng Ba Thơ có tố việc dầu nhang lên phủ thì cụ Án cũng phải niệm tình nghĩ ngay đến việc bà đang đấu tố thằng lý mới. Vậy nên nó trâu lấm vẩy càn, trù dập, áp bức người chống đối. Việc hạch, việc khảo, việc cung, việc hình cũng sẽ có cớ để cụ Án nới tay.

Hơn nữa, vẫn nhớ cách đây dăm năm, bà mặc cái áo cánh hoa đi lên hầu chuyện cụ Án, được mời trầu, mời thuốc hẳn hoi. Mắt cụ cứ xoáy vào cái yếm trắng xây trên cổ cao ba ngấn của bà rồi khen: “Chị thủ từ làng Thời đã ngoài ngũ thập niên mà vẫn son quá! Chẳng cóc cáy, nhăn nheo như mấy bà đồng bên làng Quải, xấp xỉ lục thập. Cái ngữ khô chân, gân mặt ấy phải cho đu đu xanh vào ninh kèm trong nồi đất, ủ trấu mấy ngày, may ra mới nhừ mà bỏ vào mồm được”. Bây giờ vẫn bà còn xoan chán. Có mệnh hệ gì bà lại áo hoa, yếm trắng đi hầu kiện thì họa có là xuân nữ thăng đường. Cụ Án là bậc trượng phu tu mi nam tử, thế nào chẳng tiếc ngọc, thương hoa.

Mất nửa tháng trời ngẫm đời, nghĩ đạo, bà mới nghĩ được ra mày, Lán ạ. Con Lán này là chị thằng Trại, con lão Lều, chăn bò ở thôn Trung. Nhà nó tên đến buồn cười: Lều, Lán, Trại. Ấy vậy mà mấy lần say rượu, lão Lều ba hoa, nếu đẻ thêm được thằng cu nữa thì đặt tên là Chuồng cho thỏa chí tang bồng. Con Lán hay vào giúp việc trong miếu, đếm tiền công đức. Thỉnh thoảng, bà cho nó mấy xu lẻ, thấy mừng quýnh như chó vện ăn chè. Phải xui con Lán này đứng đơn kiện thằng lý mới. Vừa mượn dao giết người, vừa ném đá giấu tay, hẳn thế chẳng phải mưu cao, kế sâu hay sao. Con này tính đồng bóng, nó sẽ làm quân cảm tử nhưng không thể xui khiến theo cách thông thường được.

Phải học Gia Cát Khổng Minh, khiển tướng không bằng khích tướng. Bà lại phải vận tài thao lược, văn chương viết thư khích tướng mày đây. Thế rồi bà sẽ sai thằng Tí “chuột” mang huyết thư tới để con Lán này làm cấp tiên phong cho bà. Thư của bà thế này nhé: “ Gửi Lán, bậc anh thư thôn Trung. Chị quả là ngạc nhiên khi thấy em, người con gái thùy mị, nết na lại mang chí khai sơn, phá thạch, căm hờn lũ cường hào, ác bá, căm hờn thằng lý mới. Chị cảm phục em biết nhường nào khi biết, bố em, ông lão Lều đáng kính ngày ngày miệt mài chăn bò đã nuôi dậy được nữ kiệt như em. Chị thấy tự xấu hổ khi thấy chú Trại, bán gà lại có người chị đởm lược, khí phách hơn đời. Lán ơi, làng Thời trông cậy cả vào tay em, người hội đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nhìn dáng em đi mò cua ở đầm Vực, cắt cỏ dưới chuông Hào, hót phân ở đồng Cả, chị biết ngay là bậc hào kiệt náu mình chờ vận hội. Nếu Lán ko ra tay tế độ cứu đời thì dân làng Thời nguy mất.

Thằng lý mới nó kéo bè, kết cánh, đấu khoán công điền, trù dập người ngay. Em có nhớ không, hôm hội làng em có ném cái chân giò cúng qua tường cho chú Trại về báo hiếu ông Lều. Vì không đọc sách nhị thập tứ hiếu nên thằng lý mới sỉ vả em “bần cùng sinh đạo tặc”. Vậy nên phải lấy máu đào rửa nhục, nếu em không lâm trận cứu dân thì những người đáng kính, đáng thương như bác nhiêu Vành bán thịt chó, chị mõ Mới “hai lưng”, ông Cả Tiếu cho vay nặng lãi, chú Sửu buôn trâu tốt tính, anh Nhâm đánh giậm đầu đất…rên xiết dưới tay thằng lý mới. Chị mời em đến nhà bàn việc quân, việc nước. Mong em như cờ lớn đợi gió to. Chị luôn đồng hành với em trên con đường chánh nghĩa. Cung kính!”

Bà đã biên sẵn cái đơn tố cáo thằng lý mới đây rồi. Nhân bảo như thần bảo, ngay tối hôm nhận được thư, “nữ kiệt” Lán đã đội cái nón mê rách lẻn đến “quân doanh” điểm chỉ vào đơn. Bàn việc quân có nửa canh giờ mà con Lán này đã xơi hết của bà những năm củ sắn. Quân lương hoang phí như vậy có mà nồi Thạch Sanh cũng chẳng còn với nhà mày. Vậy nên bà giục nó đi ngủ sớm để dưỡng khí, dưỡng thần nuôi sức bền chống đám cường hào, ác bá. Đuổi khéo con Lán “chăn bò” về, sáng hôm sau, bà chỉ có việc sai Tí “chuột” giả đi chơi chợ huyện, sao ra rồi gửi đơn cho cụ phủ, cụ huyện, cụ án, cụ đốc, cụ đề, cụ lại, cụ cơ, cụ lệ...Gửi càng nhiều càng tốt. Được rồi, bà đây trống mắt lên chờ ngày được nhìn thằng lý mới mất nghiệp.

Tiên chỉ tâm tình

Chẳng biết vận hạn thế nào mà ông chống gậy vừa ra khỏi ngõ nắm nhân tình, thế thái làng Thời đã bị con mực nhà thằng Nhâm đánh giậm tợp một miếng vào bắp chân. Ông tuổi dậu chứ có phải tứ hành xung thìn, tuất, sửu, mùi đâu mà giống chó nhà mày căm ông thế. Hết ghép mặt tiên chỉ với bụng chó cái, hết nhẫn đến nhục, nay lại giở thêm miếng cẩu sực này thì ai mà chịu được. Đen quá thể. Giá như chó nhà nhiêu Vành, cả Tiếu, bá Trinh cắn thì còn đến bắt vạ được rá gạo nếp. Chứ đây “thần cẩu” nhà ngài Nhâm đánh giậm ra đòn thì còn nước non gì. Đến ngày tết mà cả nhà thằng Nhâm cũng chỉ biện được đĩa cái rô nướng lên thắp hương ông bà, ông vải thì mình đây cũng phải phóng tay cho chữ đại xá. Không làng nước lại chửi cho là đã làm đến tiên chỉ còn đi bắt vạ thằng đánh giậm. Rồi thế nào con vợ thằng nhiêu Vành nó chẳng lóe xóe giữa chợ rằng, ăn ở thế nào mà đến chó nó cũng ghét nữa là người. Thôi chẳng dại.

Đấy là chưa kể mới đến đầu đình đã nghe thấy nhà bát Tỏa hớt hải chuyện chiều nay lính phủ về làng gô cổ mụ Thúy lên phủ vì tắt mắt ăn cắp vặt tiền dầu đèn miếu thôn Trung. Trước khi đóng cũi, mụ Thúy còn nài nỉ mấy chú lính lệ cho mặc cái áo cánh hoa trễ cổ để tiện đường ngoại giao. Mụ còn phân trần rằng thân với cụ án như răng với môi, khuyến cáo các chú lính phải giữ ngọc, gìn hoa. Chưa nói hết câu đã bị vả mấy cái vào mõm khẩu, máu ứa như ăn trầu.

Nghe bảo mụ Thúy ghi sổ chi kiểu gì mà lão thầy cúng chết từ năm tí mà đến năm thân vẫn ăn khoán lộc nhà đền. Quan viên trong làng chưa cho sửa miếu vậy mà tự ý làm hết hơn trăm quan. Trương Thìn nó phách vị, dẫu có xây cất gấp mười lần như thế thì công thợ thuyền, tiền gạch vữa cũng chẳng hết đến 70 quan.Vậy chẳng nuốt vào họng còn gì. Nhà lý cựu cũng đang như ngồi trên đống lửa bởi chẳng biết cụ Án có lật lại sổ sách mấy năm vừa rồi hay không. Hôm kia vợ lý cựu đi hầu đồng, đến giá ông hoàng Mười, múa may thế nào bị rơi đao, văng ra gãy cả răng chú cung văn. Đã thế còn bị thánh ốp cho rũ rượi đầu tóc trông như Xúy Vân giả dại.

Điềm này thiên hạ đại loạn, thôi thôi ông về, già rồi chẳng dại. Động vào việc làng, dân nó chửi cho rằng già rồi còn thích động cỡn. Nếu hay, nếu giỏi sao lúc cầm quyền, cầm thế, chẳng làm đi. Đến bây giờ người khác cầm triện lại thò khẩu vào rỉa rói. Rồi bọn thối mồm nó lại vu cho, chắc ra đình để nhìn ngực vợ thằng Mới hay mông con Lán nhà lão Lều. Vẫn biết con cháu nhà mình cũng là quan viên của làng nhưng nay kệ chúng mày, xấu thì chịu, tốt thì hưởng.

Thân già đi lại nhiều, chẳng “thần cẩu” nhà Nhâm đánh giậm cắn thì “thánh khuyển” nhà Sửu buôn trâu cũng chẳng tha. Đến nước đó thì biết kêu ai. Rồi làng nước nó lại giễu cho là làm tiên chỉ, chữ nghĩa đầy bồ chứ có bán thịt cầy như nhà nhiêu Vành đâu mà đến chó nó cũng thù. Đời người tre già măng mọc, kệ thằng lý mới nó trị nhậm thế nào là việc nhà nó. Khôn sống, mống chết. Từ nay vui thú điền viên rồi cạch mặt, bôi vôi vào mồm thằng bát Tỏa cái thói đâm bị thóc, chọc bị gạo. Đi qua nhà thằng lý mới, lại thấy tiếng độc huyền cầm trầm đục, giọng đào nương lảnh lót bài “Cảm hoài’ của Đặng Dung:

“Tuổi già bối rối việc đời vay/ Trời đất khôn cùng một cuộc say/ Bần tiện gặp thời lên cũng dễ/ Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay/ Vai khiêng trái đất toan phò chúa/ Giáp gột sông trời khó rạch mây/ Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”.

Cụ tiên chỉ vừa chống gậy về tới nhà, lấy khăn xô, chậu đồng ra rửa mặt. Sờ lên má, bậc nhất đẳng trong làng ngạc nhiên khi thấy u thịt teo hết cả. Đã thế dưới nhà ngang, bà vợ già rền rĩ việc con chó khoang chẳng hiểu sao bỏ cơm mấy ngày hôm nay rồi chết gục dưới gốc cau. Cụ bấm quẻ rồi cẩn thận giở mu rùa xem, thẫn thờ ngẫm nghĩ, không có lẽ từ nay, làng Thời hết khi phải nhẫn và cũng chẳng cần phải nhục!?

Hà Nội ngày 16/11/2018

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.