Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Tôi xúc động với từng trang viết dự thi

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Thành viên Ban giám khảo Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2019.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Thành viên Ban giám khảo Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2019.

Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu những sẻ chia tâm huyết của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái (Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân) về Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm nay với tư cách thành viên Ban giám khảo”:

“Liên tiếp trong 2 năm, tôi được Bộ GD&ĐT mời tham gia Ban giám khảo cuộc thi này và phân công ở Ban sơ khảo chấm các tác phẩm báo in. Tôi thấy rất vui vì thêm một lần nữa được đọc, được chiêm nghiệm một cách thích thú những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, những bài báo chưng cất từ cuộc sống của hàng triệu thầy trò cả nước, những con chữ thấm đẫm mồ hôi nước mắt, tình yêu, sự vất vả của hàng trăm đồng nghiệp của mình khắp cả nước.

Nhưng xúc cảm tưởng bị mai một giữa bộn bề thị thành bỗng nhiên được tươi mới bởi hiện thực cuộc sống thầy trò ùa vào tâm não khiến những thành viên Ban giám khảo chúng tôi cũng thêm yêu cuộc sống này vì được sống, được yêu với nghìn lẻ một cái tốt, nghìn lẻ một điều tử tế đang diễn ra khắp nơi kia.

Tôi muốn tôn vinh những nhà báo mà từng con chữ của họ đều lấp lánh tình yêu, sự trân trọng, cảm phục đối với đội ngũ những thầy cô giáo đang lặng lẽ dâng hiến cuộc đời mình cho giáo dục. Cao hơn phản ảnh hiện thực một cách trung thực, giữa những dòng chữ kia ẩn chứa một tình yêu, nó truyền lửa ấm, truyền niềm tin đến bạn đọc.

Nhiều bài báo đọc xong thấy lòng mình rung động, thật khó cho điểm, vì khoảng cách giữa các bài báo dự thi không chênh nhau là bao. Đó là một áp lực. Bởi nếu bỏ sót hoặc cho điểm theo cảm tính, tôi hiểu mình đang làm tổn thương ngòi bút và tình yêu của những đồng nghiệp không quen biết mà đáng trọng kia.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái

So với cuộc thi lần thứ nhất năm 2018, số lượng các tác phẩm báo chí năm nay tăng vượt trội, số các cơ quan báo chí cả nước gửi tác phẩm dự thi cũng tăng cao, chứng tỏ giải báo chí của Bộ GD&ĐT được lan tỏa rộng, hấp dẫn lớn đối với những người làm báo nước nhà.

Ngoài các báo ở Trung ương như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Người Đại biều nhân dân, Tiền Phong, Thanh niên, Lao Động, Thiếu niên tiền phong..., có nhiều báo địa phương đã tích cực tham gia như báo Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long...

Dấu ấn tác nghiệp năm nay của các tác giả ấy là sự dũng cảm và dấn thân. Để có những tác phẩm báo chí như là “thư ký của cuộc sống”, người viết cũng lăn lộn, cũng “ba cùng” với thầy trò vùng núi hiểm trở, vùng xa, vùng sâu, sông nước,...

Một thế mạnh của giải năm nay, đó là xu hướng tìm tòi khá đa dạng các đề tài báo chí của các tác giả: Đối diện với sự thật, không né tránh hiện thực.

Ngoài lựa chọn mảng đề tài giáo dục miền núi vốn thiếu thốn đủ thứ triền miên bao năm, một con chữ gánh một đường trường thì nhiều nhà báo đã chọn những vấn đề khó, những vấn đề cốt tử của ngành giáo dục - đào tạo hiện nay, như tự chủ giáo dục đại học, như bạo lực học đường, như dạy và học thời kỳ 4.0, giáo dục mầm non, đời sống khó khăn của giáo viên, những thách thức mà tương lai giáo dục nước nhà phải “vắt óc” tìm giải pháp.

Và điều đáng mừng nhất là mỗi bài báo dự thi đều mang một tấm lòng và trách nhiệm của các tác giả cùng đi tìm những giải pháp cho các vấn đề giáo dục của một nhà báo có tâm.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...