Việc làm những tháng cuối năm: Người lao động có nhiều cơ hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thị trường lao động những tháng cuối năm 2023 được kỳ vọng tích cực.

Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Ảnh minh họa
Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Ảnh minh họa

Tín hiệu vui là vẫn có những doanh nghiệp tìm kiếm được đơn hàng mới, từ đó tăng tuyển dụng, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tăng nhu cầu tuyển dụng lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, lực lượng lao động, số người có việc làm trong quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ, thôi việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc; cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội thành phố thời gian qua tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất nông, lâm nghiệp hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở các ngành, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực… Nhờ vậy đã giúp thị trường lao động tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn góp phần giải quyết việc làm.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực.

Số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ, thường chiếm 90% tổng nhu cầu tuyển dụng, ngoài ra là khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự biến động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường, kỳ vọng của khách hàng… nên sẽ yêu cầu cao về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên.

Là một trong những địa phương có số lao động bị mất việc, giãn việc nhiều nhất trong quý III vừa qua, Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM nhận định, những tháng cuối năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM đã đạt được một số kết quả tích cực với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2023 của TPHCM cần 75.500 đến 81.500 lao động, tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ, chiếm hơn 70% tổng số việc làm, ngoài ra là nhóm công nghiệp xây dựng, nông - lâm thủy sản.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

“Khát” lao động có tay nghề

Ông Trần Quang Châu, phụ trách quản lý nhân sự Công ty TNHH đầu tư Hà Thành chia sẻ: “Năm ngoái, ảnh hưởng từ sau đợt dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Năm nay, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm và đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi tuyển dụng khoảng 40 lao động, ở các vị trí từ lao động phổ thông, lao động kỹ thuật đến quản lý cấp trung. Với đối tượng lao động phổ thông tuyển dụng cũng tương đối đều, khó nhất là tuyển lao động kỹ thuật có tay nghề”.

Theo ông Châu, nhiều doanh nghiệp đều cần lao động có tay nghề, những người có kinh nghiệm làm ổn định thường không muốn nhảy việc vào cuối năm. Do đó, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn. Trong lúc chờ tuyển dụng lao động chính thức, công ty đã tuyển thực tập sinh năm thứ 3 tại các trường đại học, cao đẳng.

“Để thu hút người lao động, ngoài tiền lương cơ bản theo mặt bằng chung, chúng tôi có thêm các khoản phụ cấp chuyên cần, đặc thù cho các công việc nặng nhọc, hỗ trợ tiền nhà trọ, điện thoại…”, ông Châu cho biết.

Bà Nguyễn Diệu Hà, đại diện Công ty TNHH Bình Minh cho biết: Công ty chuyên thi công lắp đặt hệ thống điều hòa không khí ở các nhà máy, nhà xưởng, nhà cao tầng, khoảng thời gian cuối năm là lúc vào “mùa việc” nên rất cần nhân lực. Hiện, công ty có nhu cầu tuyển dụng 30 người lao động tốt nghiệp các nghề như điện lạnh, điện công nghiệp, cơ khí…

“Đối với người lao động qua đào tạo đã nắm được các lý thuyết, thực hành thì công ty không mất nhiều thời gian để đào tạo lại mà có thể bắt tay ngay vào công việc, nhất là có cơ hội thăng tiến trong công việc rất cao. Chúng tôi cũng có chế độ ưu đãi đối với người lao động có tay nghề như thời gian thử việc và thời gian xét tăng lương ngắn, trung bình 2 - 3 tháng, còn lao động phổ thông phải mất từ 3 - 6 tháng”, bà Hà chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết được bài toán nguồn lao động, đối với các doanh nghiệp cần chú trọng khâu đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp theo sát nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó là việc tận dụng tốt lượng lao động đi xuất khẩu lao động từ nước ngoài trở về bởi đây là lực lượng vừa có tay nghề, kinh nghiệm, vừa có kỹ năng tốt, lại có tác phong, thái độ chuyên nghiệp và đặc biệt là ngoại ngữ tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ