Thiếu sức hút đầu tư vào ngành điện

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng điện tăng cao song giá điện vẫn “dậm chân tại chỗ”, còn ngành điện vẫn không thu hút được nhà đầu tư, khiến áp lực cung ứng điện càng đè nặng lên vai ngành điện và cả nền kinh tế. 

Thiếu sức hút đầu tư vào ngành điện

Tuy nhiên, nếu tăng giá điện sẽ tác động lên lạm phát, nhưng nếu vẫn tiếp tục dồn nén giá điện sẽ rất khó có thể đảm bảo nguồn điện và càng khó thu hút được đầu tư vào nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

“Khát” vốn đầu tư

Theo các chuyên gia ngành điện, trong 5 năm tới, nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và mức tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân gia tăng rất mạnh. Do đó, cần phải có khối lượng dự án đầu tư nguồn điện lớn ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, tới 90% tổng nguồn điện hiện có tại Việt Nam được đầu tư bởi các doanh nghiệp Nhà nước với nguồn ngân sách chủ yếu vẫn phải vay nước ngoài, nhưng cũng đang dần cạn kiệt.

Vì vậy, việc huy động vốn trong nước lúc này thực sự rất cần thiết, nhất là thu hút đầu tư từ khối tư nhân được các chuyên gia kinh tế đánh giá như một trong những giải pháp hàng đầu. Theo tính toán của ngành điện, đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW. Do đó, ngành điện cần đưa thêm vào 21.650 MW. Như vậy, số tiền đầu tư cho các nhà máy điện trong 5 năm tới sẽ gần 30 tỷ USD. Nếu tính thêm việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải, tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020 là 40 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, theo dự toán, mỗi năm Việt Nam cần 7,9 tỷ USD để truyền tải và phát điện. Với giá điện hiện nay, việc thu hút được 70% nguồn vốn từ tư nhân như dự kiến vô cùng khó khăn. Các chuyên gia phân tích, điều này có liên quan tới biểu giá điện. Biểu giá hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư trong tương lai. Do đó các nhà quản lý phải tính tới cân bằng năng lượng trên cơ sở giá điện, không nương theo dư luận xã hội. Nếu không tính tới lợi ích tổng thể, muốn nhiều điện lại muốn giá rẻ thì sẽ không thể thu hút được vốn vào ngành điện.

Cần cơ chế thông thoáng hơn

Trước những thách thức, khó khăn về vốn đầu tư, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cần kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính, bổ sung cho nguồn vốn đầu tư, đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án nguồn điện.

Ưu tiên vay nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài. Đồng thời, cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị nội địa. Cũng như có một cơ chế đặc thù trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế...

Đặc biệt, VEA kiến nghị NHNN xem xét chỉ đạo các NHTM trong nước về nguồn vốn qua việc cho vay tái cấp vốn với thời hạn dài, lãi suất hợp lý, trình Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo đảm tiền vay... cho các dự án điện trọng điểm quốc gia.

Theo các chuyên gia, giải pháp tháo gỡ vốn hiệu quả nhất hiện nay là để các “trụ cột năng lượng” tự quyết định giá theo cơ chế thị trường, từ đó có thêm cơ hội kêu gọi đầu tư vào các dự án điện. Bởi hiện giá bán điện tại các nước trong khu vực khoảng 11 - 12 cent/kWh, thậm chí Campuchia tới 15 - 22 cent/kWh tuỳ từng vùng. Trong khi ở Việt Nam, giá bán điện vẫn do Chính phủ quyết định với mức trung bình khoảng 7 cent/kWh. Việc bao cấp giá điện quá lâu, thậm chí bao cấp cho cả doanh nghiệp nước ngoài. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi giá nhiên liệu đầu vào đang áp sát giá thị trường, giá đầu ra do Chính phủ áp trần khiến giá thành điện nhiều khi cao hơn giá bán, các doanh nghiệp điện lực nếu có lợi nhuận thì rất khiêm tốn...

Hiện giá điện đang ở tình thế “lưỡng nan” bởi nếu giá điện cao sẽ dẫn tới cả xã hội phản ứng gay gắt, do các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng theo. Cùng với đó, nền kinh tế đất nước cũng bị ảnh hưởng vì lạm phát tăng là điều không tránh khỏi. Theo các chuyên gia, việc cân nhắc những ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh giá điện lên lạm phát là đúng, song cần tính tới mặt trái của việc trì hoãn tăng giá điện đối với sự phát triển chung trong dài hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.