Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa

GD&TĐ -Chưa đến ngày Tết trung thu nhưng vừa qua, các em nhỏ tại Làng Sen Việt Nam (Long An) vừa có một đêm hội trăng rằm đầy ý nghĩa.  

Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa
Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa ảnh 1Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa ảnh 2Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa ảnh 3Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa ảnh 4Thiếu nhi Làng Sen Việt Nam vui trung thu tìm hiểu văn hóa ảnh 5

Bên cạnh các hoạt động vui chơi trung thu lành mạnh và bổ ích, các bạn thiếu nhi còn được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc về ý nghĩa của ngầy hội Tết trung thu mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ.

Nhiều em nhỏ còn chia sẻ mặc dù rất háo hức mỗi dịp tết trung thu nhưng đây là lần đầu tiên các em hiểu được ý nghĩa của đèn trung thu, bánh trung thu và các trò chơi dân gian đều gắn với nếp giáo dục, nhắc nhở của người xưa.

Ý nghĩa của đèn trung thu

Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, đèn trung thu Việt Nam thường là đèn xếp theo hình Quẻ Thiên Trạch Lý (Quẻ thứ 10 trong Kinh dịch). Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê có giải thích Quẻ Lý tượng trưng Lễ Nghĩa. Vì thế, đèn trung thu ngoài ý nghĩa là đồ chơi cho trẻ em còn là phương pháp giáo dục về lễ nghĩa nhân sinh.

Đây là ý tưởng của một dân tộc biết sử dụng kinh dịch rất tài giỏi, nhận thức về nhân sinh quan, vũ trụ quan từ rất sớm nên triết lý vuông tròn Bánh Chưng - Bánh Giày vẫn còn phong tục đến hôm nay.

Càng về sau này, đèn Trung Thu được tạo hình của con vật như con thỏ, con gà, cá chép, con rồng hay hình con tàu và ghi những câu về chủ quyền biển đảo Việt Nam… Tuy nhiên dù biến đổi thế nào thì màu sắc và lung linh của ngọn nến luôn tạo sự vui mắt, nhất là cho trẻ con.

Đối với gia đình nghèo khó, còn thể hiện sự sáng tạo bằng cách lấy lon sữa bò hoặc vỏ lon bia để tạo thành đèn lồng, tỏa ánh sáng rất đẹp vừa mang ý tưởng sáng tạo, ý tưởng tái sinh và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ ngọn nến cháy cũng giống như bảo vệ ý chí, nghị lực của con người, luôn có nghị lực và ý chí thì luôn vững vàng trên đường đời, cũng như bảo vệ ngọn đèn trước cơn gió bão.

Trăng trung thu cũng nhắc ta nhớ mùa thu Tháng 8 năm 1945, từ tình yêu quê hương đất nước, thúc giục chiến sĩ Việt Minh kháng chiến chống Pháp tạo nên bước ngoặc thành công giải phóng dân tộc. Cây đa vốn có tên Hán Tự là Đa Căn Mộc (cây nhiều rễ) nhưng hình dáng cũng giống như tình đoàn kết, chống đỡ tương thân tương ái của dân tộc ta. Vì thế hình ảnh "cây đa-bến nước-sân đình" trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng người con đất Việt.

Ý nghĩa của bánh trung thu

Bánh trung thu Việt Nam rõ ràng nhất về hình ảnh và ý nghĩa vì có hình vuông tượng trưng mặt đất, hoặc hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Khi cắt bánh ra có màu hổ phách sáng đẹp như ánh sáng đêm rằm và có lòng trứng đỏ tượng trưng hình mặt trăng.

Lòng trứng đỏ còn tượng trưng lòng son sắc về tình yêu quê hương đất nước trong văn hóa truyền thống. Cắt chiếc bánh thơm cúng kính ông bà xong, pha một bình trà cùng đàm đạo chuyện đời với bạn hữu, nhìn trẻ con nô đùa dưới vầng trăng sáng thì không còn gì bằng.

Trăng Việt Nam còn gắn liền với kinh nghiêm sống của nền nông nghiệp lúa nước lâu đời như:

Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.

Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.

Trăng còn được hình tượng hóa bằng hình ảnh chú Cuội là một nông dân giàu lòng nhân ái, từ khi vào rừng thấy cọp mẹ hái lá đa cứu sống con, Cuội đã mang phương pháp này cứu sống nhiều người. Cây đa vì chỉ sống với người hiền lương trung hậu và chỉ sống nơi thanh sạch. Cuối cùng vì tính hậu đậu của vợ anh Cuội sau khi được cứu sống nhờ thay bằng ruột chó nên quên trước quên sau, cây đã bị nhiễm sự dơ bẩn đã bay về trời. Cuội đã bay theo cây cũng như tâm hồn con người Việt Nam luôn quyết tâm đấu tranh bảo vệ sự thanh cao của tâm hồn mình, bảo vệ lòng nhân ái.

Trẻ em trở về thế giới cổ tích vui trung thu

Câu chuyện dân gian liên quan đến trăng của Việt Nam là hình ảnh chú Cuội, trong khi đó các quốc gia khác là hình ảnh Hằng Nga trong chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ, hoặc chuyện vua Đường lên cung Quảng Hàn.

CLB Nghiên cứu và Vinh Danh Văn Hóa Nam Bộ đã sáng tác nhiều bài ca và chặp cải lương để nói về chủ đề Trung Thu vui cùng hội đèn với các em thiếu nhi. Qua đó tái hiện câu chuyện Chú Cuội Cung Trăng (tác giả Hồ Nhựt Quang) dựa theo truyện cổ tích nhưng có chút biến tấu vừa vui nhộn, đồng thời lồng ghép vào đó là những bài học cho các em thêm yêu môi trường sống, nâng cao ý thức văn minh tôn trọng luật pháp, trọng nhân nghĩa.

Tiếp đến là tác phẩm Quang Trung Hoàng Đế nhắc một sự tích về điệu hát Trống Quân, năm 1788 khi vua Quang Trung tiến ra Bắc Hà kháng chiến chống quân Thanh. Trên đường đi, binh sĩ nghe gió Tết mà nhớ quê hương, vua đã cho lễ hội hát Trống Quân, nhắc nhở giá trị truyền thống của đất nước để mọi người thêm yêu thêm quý và càng nâng cao chí khí chiến đấu cứu nước bảo vệ quê hương.

Mục đích vinh danh văn hóa của được chia sẻ và làm sáng tỏ giá trị nhân văn sâu sắc về lễ hội cổ truyền Việt Nam nhằm mục đích cùng nhau giữ gìn và bảo tồn bản sắc dân tộc. Có những lễ hội tưởng chừng đơn giản vì nghĩ là trò trẻ con, tưởng chừng là nguy hiểm vì chơi với lửa nhưng đó là cả ý thức hệ văn hóa còn trong phong tục tập quán Việt Nam ta xưa rất cần được phát huy bảo tồn và gìn giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ